Để viết một bản tin Infographic đúng chuẩn

Thứ hai - 30/04/2018 23:02
(CTTĐTBP) - Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí, truyền thông là một xu thế tất yếu. Infographic (thông tin đồ họa, hay tin đồ họa) đã trở thành một thương hiệu, một bước tiến lớn giúp nâng cao hiệu quả trong việc truyền tải thông tin của các cơ quan báo chí hiện nay, đặc biệt là báo điện tử/báo mạng.

Với bản tin đồ họa, thông tin trở nên hấp dẫn hơn, thu hút sự chú ý của độc giả nhiều hơn, vì cách diễn đạt ngắn gọn, trực quan sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ. Đối với các thông tin chuyên ngành có liên quan đến số liệu, hình ảnh, biểu đồ so sánh… thì việc thể hiện đồ họa thông tin sẽ giúp phát huy hiệu quả tối ưu nhất.
 
Info
7 bước để viết một bản tin Infographic hấp dẫn
 
Để thiết kế bản tin đồ họa đòi hỏi người thiết kế phải biết sử dụng kết hợp thuần thục nhiều phần mềm khác nhau và khả năng cảm thụ mỹ thuật. Do đó, người thiết kế đồ họa thông tin phải có một kiến thức tin học nhất định, am hiểu lĩnh vực thông tin báo chí, có khả năng thẩm mỹ nhanh nhạy và tư duy logic. Trong bài viết này, chúng ta khoan bàn về kỹ thuật thiết kế mà cùng nhau tìm hiểu về các bước để viết một bản tin đồ họa hấp dẫn.

Một là, tiêu đề ngắn gọn và linh hoạt

Giống như một bản tin hay một bài báo, tiêu đề một Infographic cần phải ngắn gọn, linh hoạt và có liên quan đến nội dung đồ họa thông tin của bạn. Bạn có thể đã thấy nhiều Infographic hoạt động như một danh sách liệt kê, vì vậy chúng thường có tiêu đề như: "6 loại thức ăn tốt cho bà bầu", "10 mẹo thông dụng giúp máy tính của bạn chạy mượt và nhanh hơn", “20 món ăn đường phố nổi tiếng ở Hàn Quốc”… Những con số thường được sử dụng để thu hút sự quan tâm của độc giả và người đọc có thể thấy chính xác bạn đang cung cấp bao nhiêu nội dung trong bản tin Infographic.

Bạn cũng có thể sử dụng những tính từ, động từ hấp dẫn để thu hút sự chú ý của người đọc. Một lưu ý nữa, dù hình ảnh minh họa thông tin của bạn có như thế nào, bạn cũng nên sử dụng “từ khóa” tiêu biểu trong dòng tiêu đề. Điều này giúp cho việc tìm kiếm trực tuyến trên mạng trở nên dễ dàng hơn và đảm bảo rằng dòng tiêu đề của bạn có liên quan đến việc bạn sắp thông tin cho người đọc. Hãy nhớ rằng, nếu tiêu đề không hấp dẫn và không liên quan đến nội dung của bài viết, thì người đọc không mấy mặn mà và hứng thú để nhấp chuột xem bức tranh thông tin đồ họa của bạn.
 
Hai là, cấu trúc đồ họa thông tin

Mọi thông tin đồ họa bạn muốn truyền tải cần một cấu trúc mạnh mẽ, được suy nghĩ cẩn thận, công phu và logic. Điều này sẽ giúp người đọc theo dõi dòng chảy suy nghĩ và cách thể hiện tư duy trực quan sinh động của bạn. Bố cục của một tác phẩm Infographic phải có phần giới thiệu mở đầu, nội dung vấn đề thông tin và kết thúc. Một bản tin đồ họa thường có các thành phần sau:

*Tiêu đề: Nên ngắn gọn và hấp dẫn, như đã giải thích ở trên.

*Phần giới thiệu (mở đầu): Tóm lược và giới thiệu khái quát chủ đề, nội dung thông tin đồ họa của bạn.

*Phân nhóm/tuyến: Xác định các nhóm/tuyến nội dung hay tiểu chủ đề nhỏ khác nhau phục vụ cho tiêu đề chính, giúp người đọc đi từ chủ đề này sang chủ đề khác một cách từ từ, dễ hiểu, dễ nhớ và không bị choáng ngợp bởi một khối lượng thông tin khổng lồ không được phân luồng rõ ràng.

*Nhãn biểu đồ và biểu đồ: Các biểu đồ minh họa đi kèm nội dung nhằm giải thích trực quan những gì đang được hiển thị, đang được trình diễn thông tin. Và nhãn biểu đồ chỉ nên ngắn gọn, với một vài từ cô đọng, súc tích.

*Nguồn và chú thích: Nếu bạn sử dụng các nguồn khác, bạn nên cung cấp địa chỉ nguồn, nếu sử dụng hình ảnh thì nên chú thích nội dung hình ảnh kèm tên tác giả nhằm tránh vi phạm bản quyền. 

Ba là, đừng quên xây dựng thương hiệu

Sau khi xuất bản, có thể bản tin đồ họa của bạn được một tổ chức, cá nhân nào đó sao chép, chia sẻ trên một trang blog/web, facebook, trang thông tin điện tử tổng hợp, diễn đàn… Và người đọc gián tiếp (không đọc trực tiếp trên trang xuất bản đầu tiên) sẽ không thể biết bản tin này thuộc nguồn chính thức của một cơ quan, tổ  chức nào.
Để tránh điều này, hãy đảm bảo thương hiệu của bạn bao gồm tên, logo hoặc siêu liên kết (bấm vào để quay trở lại trang xuất bản đầu tiên). Điều này cũng góp phần tăng sự tin cậy cho người đọc về những thông tin truyền tải trên Infographic và xây dựng thương hiệu cho cơ quan, tổ chức sản xuất ra nó.

Bốn là, đừng quá tải bằng văn bản tràn lan

Đồ họa thông tin chính là một tác phẩm, một bản tin truyền tải thông điệp, chủ đề nội dung theo hướng trực quan, sinh động. Đó cũng chính là quy tắc “sống còn” của một Infographic đẳng cấp và chuyên nghiệp, đồng nghĩa không thể có nhiều văn bản hơn hình ảnh. Nếu có quá nhiều văn bản trong một đồ họa thông tin, sẽ khiến người đọc cảm thấy nhàm chán và mỏi mắt trong khi đọc. Bạn nên có sự định lượng cân bằng, hài hòa giữa văn bản và hình ảnh, rút ra những gạch đầu dòng cốt lõi nhất trong một rừng văn bản chi tiết để đưa vào đồ họa thông tin.

Năm là, viết phần giới thiệu thật tốt

Trước khi người đọc truy cập vào đồ họa thông tin của bạn, họ thường đọc phần giới thiệu. Phần này càng ngắn càng tốt, nhiều nhất cũng chỉ trăm từ trở lại để giải thích cho người đọc về những gì nội dung đồ họa của bạn sắp truyền tải. Phần giới thiệu cung cấp bối cảnh, thông tin chính yếu và thông báo cho người đọc về những gì sắp xảy ra tiếp theo. Khi viết lời giới thiệu, hãy chọn những từ đắt giá và sắp xếp, diễn đạt theo một văn phong súc tích, hấp dẫn.

Sáu là, dùng hình ảnh để tường thuật, giải thích

Khi nói đến đồ họa thông tin, về cơ bản, bạn đang khai thác lợi ích tối đa của hình ảnh, biểu đồ thay cho cách diễn đạt toàn là văn bản thuần túy. Người sáng tạo thuyết trình kinh doanh Fiona Davies nói: “Văn bản của bạn không có mặt ở đó để giới thiệu bất kỳ điều gì mới mẻ cho hình ảnh, hoặc mang đến những ý tưởng mới. Nó chỉ đơn giản là giải thích hình ảnh mà người đọc đang nhìn thấy”. Điều này có nghĩa là “Infographic chính là bản sao của văn bản được diễn đạt bằng hình ảnh, biểu đồ”, bạn đang truyền tải nội dung văn bản bằng những tín hiệu hình ảnh đã có sẵn. 

Nhìn vào những gì được cung cấp và giải thích trên đồ họa thông tin, người đọc có một sự hiểu biết đầy đủ về những gì đang được hiển thị cho họ thấy. Đây chính là yếu tố sống còn của Infographic. Tuy nhiên, không có nghĩa Infographic toàn là hình ảnh, biểu đồ và một vài dòng thông tin giải thích vắn tắt, như vậy rất khô khan, hời hợt. Infographic cần có sự bài trí hài hòa, sắp xếp hợp lý, logic giữa văn bản với hình ảnh, biểu đồ minh họa; không có khái niệm “văn bản tràn lan” mà cần phải ngắn gọn, tinh gọn và linh hoạt. Nếu cần thiết, bạn nên viết một vài lần nội dung định trình bày và cắt giảm những gì bạn muốn nó được phô diễn, cho đến khi ngắn nhất có thể.

Bảy là, đọc lại mọi thứ bạn viết và thiết kế

Bạn chỉ viết văn bản với dung lượng tối thiểu khi tạo đồ họa thông tin của mình, nhưng mọi thứ bạn viết ra đều phải được đọc đi đọc lại kĩ lưỡng nhiều lần nhằm rà soát câu cú, cách hành văn, chính tả, lỗi sơ suất trong đánh máy và trong thiết kế trên phần mềm… Bạn tốn hàng giờ để viết nội dung và trình bày ý tưởng trên phần mềm thiết kế, nhưng chỉ một lỗi nhỏ về chính tả sau khi đã xuất bản, coi như mọi công sức đã đổ sông đổ bể. Bạn đọc sẽ ngầm hiểu đó là một Infographic lỗi, không chuyên nghiệp và thiếu độ tin cậy về mặt kiểm duyệt nội dung của cơ quan, tổ chức xuất bản nó./.

Tác giả: Thanh Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,232
  • Hôm nay49,740
  • Tháng hiện tại10,904,112
  • Tổng lượt truy cập456,299,234
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây