Một thanh niên vì nôn nóng tới bệnh viện thăm con trai mới chào đời, anh ta đã cho xe máy vượt đèn đỏ, vì cho rằng chỉ còn một giây nữa là đèn đỏ sẽ chuyển sang đèn xanh: “Mình ăn gian một giây, không sao cả!”. Vừa cho xe vượt lên phía trước được 5 m, xe của anh ta đã đụng phải xe của một cô gái đang cố phóng nhanh để tận dụng một giây đèn xanh cuối cùng từ phía đường bên kia. Vụ tai nạn đã khiến anh ta bị gẫy chân và cô gái bị trầy xước mặt. Thế là người vợ vừa phải gồng mình nuôi con trong cữ vừa phải chăm sóc người chồng bị chống nạng. Đây là bài học đắt giá cho những ai chủ quan, lơ là, cố tình phạm luật giao thông. Hậu quả của nó không chỉ “nhanh một giây chậm cả đời”, mà còn ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, sức khỏe, tinh thần của người khác.
Vì nóng lòng đạt được mục đích hoặc vì tính cẩu thả, nhiều bạn trẻ đã đốt cháy giai đoạn,
chưa tập cho mình thói quen đi chắc chắn với từng bậc thang.
Hiện nay, có nhiều bạn trẻ ôm ấp lý tưởng “xây hoài bão lớn” và cho rằng không nên tốn quá nhiều thời gian vào những việc làm tào lao, tầm thường; phải làm những việc to tát, có sức ảnh hưởng lớn để khẳng định mình. Câu chuyện sau đây là một bài học không nhỏ cho những bạn trẻ “chưa kinh qua những việc con kiến đã đòi làm việc con voi”, chưa tập cho mình những thói quen sống tốt trong cuộc sống hằng ngày. Câu chuyện bắt đầu từ việc có 3 bạn trẻ cùng tham gia phỏng vấn tuyển việc tại một công ty. Một bạn trong số đó đã tự giác cúi xuống nhặt một mẩu giấy nhỏ, bị ai đó vứt dưới nền nhà và đem bỏ vào thùng rác trước khi tiến tới bàn phỏng vấn, trong khi hai bạn kia vẫn tập trung ngồi ôn lại những câu giao tiếp tiếng Anh ở băng ghế chờ. Hành động nhỏ ấy đã vô tình lọt vào mắt của vị giám đốc công ty. Kết quả là anh bạn trẻ này đã được tuyển vào làm việc dù trình độ mới là cao đẳng, trong khi hai anh bạn kia có trình độ thạc sỹ.
Cũng có nhiều bạn, vì nóng lòng đạt được mục đích hoặc cẩu thả đã đốt cháy giai đoạn, hệ quả là “xôi hỏng bỏng không”. Dẫn chứng cho điều này là câu chuyện của một anh nhân viên mới tuyển vào làm tại một cơ quan nọ. Vì muốn khẳng định mình, anh ta đã hiến kế cho sếp sắp xếp lại phòng cho khoa học, hợp lý và ngăn nắp. Trong lúc sắp xếp lại tài liệu trên bàn làm việc của sếp, anh ta đã vứt bỏ một tờ giấy viết tay vì nghĩ rằng đó là tờ giấy nháp. Hậu quả là ngay ngày hôm sau anh ta đã bị đuổi việc, vì tờ giấy đó là bản ghi chép số tiền nợ và danh sách những người vay tiền của sếp.
Còn vô vàn những câu chuyện khác nữa, tưởng rằng nhỏ nhặt không phương hại đến ai và không ảnh hưởng đến mình. Nhưng xét về quy luật tuần hoàn, nhân quả và sự tác động gián tiếp, đến một lúc nào đó và trong một hoàn cảnh nhất định, nó lại làm cho ta day dứt và hối hận phải nói từ “giá như…”. Câu chuyện điển hình xảy ra trên con đường liên thôn ở một xã nọ. Một người nông dân dùng xe ba gác chở củi. Khi đến đoạn đường mấp mô, thùng xe ba gác lắc mạnh làm một khúc củi rơi xuống đường. Người nông dân đã không dừng xe xuống để nhặt vì nghĩ bụng: “Mất một khúc củi không làm thùng xe mình vơi đi”. Đến tối hôm đó, người nông dân đang ăn cơm thì nhận được hung tin con trai mình bị tai nạn, do xe máy cán phải một khúc củi nằm chỏng queo trên đường.
Rõ ràng, những câu chuyện trên đã cho ta bài học về sự cẩn thận, không nóng vội, đừng chủ quan duy ý chí mà xem thường những việc nhỏ; sống phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, biết quan tâm đến mọi người xung quanh và tập cho mình thói quen sống tốt. Hãy bắt đầu làm và rút ra những bài học kinh nghiệm từ những việc nhỏ nhặt diễn ra thường nhật trong cuộc sống./.
Hồng Phấn