Toàn tỉnh, cây điều hiện có 138.174 ha, tăng 3.873ha so cùng kỳ năm 2017.
Trong đó, nhóm cây lúa 1.574,2ha, tăng 5,9ha so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng: Bắp 213ha, giảm 50,9ha, cây bắp thường trồng xen nên diện tích nhỏ, lẻ không ổn định, chủ yếu làm thức ăn gia súc; Khoai lang 29ha, giảm 2,3ha so với cùng kỳ năm trước; Khoai mỳ 664ha, giảm 65,4ha, khoai mỳ giảm do loại cây này chủ yếu là trồng xen trong cây lâu năm, khi cây lâm năm khép tán không thể trồng được nữa; Mía 34ha, giảm 1ha; Rau các loại 529ha, tăng 17,20ha; Đậu các loại 39 ha, giảm 0,40ha; Cây hàng năm khác 132ha, tăng 27,4ha... Nhìn chung, diện tích gieo trồng cây hàng năm tính đến ngày 15/11/2018 giảm hơn so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do diện tích trồng xen cây hàng năm trong cây công nghiệp ngày càng ít, vì cây lâu năm đã khép tán không trồng xen được nữa.
Về sản lượng một số loại cây trồng tính đến giữa tháng 11/2018, lúa thu hoạch được 26.274 tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng: Bắp 13.643 tấn, giảm 10,4%; khoai lang 1.366 tấn, giảm 37,59%; mía 5.148 tấn, giảm 16,35%; rau các loại 22.106 tấn, giảm 6,28%; đậu các loại 183 tấn, giảm 21,79%... so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân sản lượng giảm so với cùng kỳ là do diện tích cho sản phẩm giảm.
Đối với cây ăn trái, toàn tỉnh hiện có10.171ha, tăng 13,63% (1.220ha) so với cùng kỳ năm 2017. Bình Phước có nhiều chủng loại cây ăn trái hầu như có thu hoạch quanh năm, khó phân biệt mùa vụ, hiện nay đang thu hoạch: Cam, bưởi, sầu riêng, măng cụt, quýt, chôm chôm, nhãn, xoài, mít, đu đủ... Diện tích các loại cây ăn quả nhiệt đới và cận nhiệt đới tăng do một số diện tích được trồng mới từ diện tích trồng cây hàng năm; năng suất sản lượng của nhóm cây này tương đối ổn định và tăng lên do số diện tích cho năng suất thấp đã được thay thế các loại cây khác có năng suất chất lượng cao, khoa học - kỹ thuật được đầu tư ngày một tốt hơn.
Đối với cây công nghiệp lâu năm, toàn tỉnh hiện có 409.162ha, tăng 1,01% (4.073ha) so với cùng kỳ năm 2017. Chia ra: Cây điều 138.174 ha, tăng 3.873ha, sản lượng ước đạt 125.224 tấn, tăng 28.411 tấn; Cây hồ tiêu 16.987ha, giảm 191ha, sản lượng ước đạt 24.306 tấn, giảm 9.462 tấn; Cây cao su 238.498ha, tăng 4.147ha, sản lượng ước đạt 212.816 tấn, tăng 14.523 tấn; Cây cà phê 15.503ha, giảm 537ha, sản lượng ước đạt 32.520 tấn, tăng 769 tấn. Năm 2018, năng suất điều tăng do thời tiết thuận lợi ít mưa vào kỳ ra bông; Cây cao su tăng do diện tích cho sản phẩm tăng. Riêng cây tiêu, diện tích, năng suất, sản lượng giảm do năm nay mưa nhiều, một số diện tích ít ra bông; ngoài ra, các hộ dân chọn giống tiêu tự do nên diện tích cho thu hoạch rất ít trái và cho năng suất thấp; bên cạnh đó, giá tiêu giảm mạnh cho nên việc đầu tư chăm sóc có phần hạn chế.
Về tình hình sâu bệnh, công tác bảo vệ thực vật đã được các cấp, các ngành quan tâm, do đó tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng. Một số sâu bệnh phát sinh gây hại nổi bật trên các loại cây trồng, cụ thể như cây lúa chủ yếu là sâu rầy nâu; cây hồ tiêu chủ yếu là bệnh chết nhanh, chết chậm. Cây cà phê có bệnh khô cành, rệp sáp, rỉ sắt, mọt đục cành. Trên cây điều xuất hiện bệnh cháy lá, khô cành, bọ xít muỗi, bọ đục thân, bệnh thán thư, bọ trĩ. Các loại sâu bệnh hại trên cây cao su là nấm hồng, loét sọc miệng cạo, nứt thân xì mủ, bệnh phấn trắng. Trên cây ăn trái chủ yếu xuất hiện bệnh chổi rồng, sâu đục cành, ruồi đục trái, xì mủ thân, thán thư. Trên rau màu của bà con thường bị sâu xanh, bọ nhảy, ruồi đục trái, thán thư... gây hại.
Thông tin trên được Cục Thống kê tỉnh cho biết tại Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11/2018 tỉnh Bình Phước./.