Một góc của vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: vilide.com
Vườn có diện tích tự nhiên 21.476 ha, gồm 388 ha rừng giàu, 2.798 ha rừng trung bình, 1.692 ha rừng nghèo, 5.064 ha rừng hỗn giao và 11.434 ha rừng tre nứa. Vùng đệm của vườn có diện tích 15.200 ha, gồm 7.200 ha thuộc tỉnh Bình Phước và 8.000 ha của tỉnh Ðắk Nông. Trước năm 2002, khu vực này là khu bảo tồn thiên nhiên, sau chuyển hạng thành vườn quốc gia (ngày 27/11/2002).
Vườn thuộc vùng đất thấp của nam Tây Nguyên, có đỉnh núi cao nhất là 700 m so với mực nước biển. Các dòng suối Ðác Huýt, Ðác Sa, Ðác Ka, Ðác K'me chảy qua vườn, xanh tươi, mát mẻ và hiền hòa, gợi mở nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, về nguồn hấp dẫn và lý tưởng. Mới đây, thác Đắk Mai 1 thuộc quần thể của vườn vừa được UBND tỉnh công nhận xếp hạng là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.
Theo kết quả điều tra sơ bộ, vườn có 724 loài thực vật nằm trong 326 chi, 109 họ, 70 bộ thuộc 6 ngành thực vật khác nhau. Về động vật, vườn có 437 loài, thú có 73 loài, trong đó có 59 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Có 168 loài chim, hiện có 10 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như gà lôi, hồng hoàng, hồng tía, dù dì phương Ðông, cu xanh, niệc mỏ vằn, chim công, gà tiền mặt đỏ, chim yến hồng xám... Bò sát có 30 loài, trong đó 12 loài ghi trong sách đỏ; đã xác định được hơn 200 loài có thể làm dược liệu như khỉ, rắn, trăn, tắc kè, mật ong, bìm bịp...
Vườn quốc gia Bù Gia Mập hoạt động với 4 chức năng chính: Duy trì và bảo tồn mẫu chuẩn hệ sinh thái đồi núi thấp chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng Nam Bộ; vườn có độ cao dưới 1.000 m, được coi là nơi rất đặc trưng, bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm; là rừng phòng hộ cho các thủy điện Soc Phu Miêng, Cần Đơn, Thác Mơ; nơi xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái./.
Thanh Phương