Ngọt thơm cơm lam
Cơm lam được nấu trong những ống tre hoặc ống lồ ô bánh tẻ, cơm có độ ngọt dẻo, giòn thơm. Món này được đồng bào vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và ở Bình Phước ưa dùng, nấu trong những trường hợp lên nương làm rẫy, không tiện mang theo soong (nồi).
Cơm lam với thịt gà nướng. Ảnh: Internet.
Để nấu loại cơm này, đồng bào thường chọn những ống lồ ô hoặc tre non (thời kỳ bánh tẻ). Vì những ống non trong thân chứa nhiều nước nên khi nấu ống ít bị cháy, nước trong vỏ ống ngấm vào cơm, tạo một mùi thơm hương tre đặc trưng. Nước để nấu cơm, thường là nước lấy từ khe suối hoặc khe đá trên núi nhỏ xuống, ngọt sạch tinh khiết, tạo nên độ thơm đượm của cơm, không thể chê vào đâu được. Sau khi bỏ gạo và nước vào ống tre hoặc lồ ô, đồng bào lấy lá chuối hoặc những loại lá không có độc tố nhét kín một đầu ống còn hở, để hơi và nước khi sôi không trào ra ngoài, giúp cơm nhanh chín và giữ được mùi thơm đặc trưng.
Sau đó, bỏ ống cơm lên đống củi lửa để đun, trong khoảng thời gian tùy chỉnh. Khi ống tre/lồ ô ngả màu vàng óng, cũng là lúc nước trong ống đang sôi, gạo đang chuyển thành cơm. Để lửa liu riu và vùi ống trong than hồng khoảng 15 phút, ống phát ra mùi thơm của cơm là có thể chẻ ống, lấy cơm ra. Lúc lấy ra, cơm tạo thành khuôn dài, tựa như oản. Bên ngoài khuôn cơm ngả màu hơi vàng, gần tạo thành cơm cháy, ăn giòn tan; bên trong ruột cơm thì mềm dẻo, thơm nức.
Cơm lam thường được ăn kèm với thịt gà hay lợn rừng nướng, chấm với muối hột giã nhuyễn với ớt hiểm (ớt thóc), thi thoảng húp thêm một miếng canh thụt, tạo nên một bữa cơm ngon miệng và thịnh soạn nhất trần gian.
Ngậy bùi canh thụt
Đồng bào trổ tài nấu canh thụt.
“Một miếng cơm lam, thêm chút canh thụt. Ngon như đúng rồi”. Đó là câu “chợt ngôn” (thốt ra không chủ định) khi chúng tôi lần đầu được nếm thử hai món này, do chính tay một gia đình đồng bào S’Tiêng nấu thiết đãi nhân chuyến công tác ghé thăm sóc Bom Bo (Bù Đăng, Bình Phước) hồi đầu năm 2013.
Húp miếng canh thụt cảm giác thơm ngậy, ngọt bùi, đượm dịu mãi ở vòm họng. Canh chính là một món súp hỗn hợp, gồm nhiều loại rau (lá nhíp, lạc tiên, măng rừng, cà pháo, đọt mây…), cộng thêm cá trắng, cua, tép, ốc đá… bỏ chung vào trong ống tre để nấu. Khi canh sôi, người nấu dùng đũa cả (loại đũa to, làm bằng tre, dùng để xới cơm) thụt nhuyễn những thứ này thành một hỗn hợp sền sệt như súp.
Chính những hương vị rau sạch của núi rừng, cộng thêm tép, cua, cá… ở suối, rạch do người dân tự bắt và một chút kì công trong “nghệ thuật nấu không động hàng”, đã tạo nên món canh độc nhất vô nhị. Và chúng tôi quen gọi món canh này là “đệ nhất ẩm thực sơn cước”.
Thanh Phương