Khám phá nghi thức lễ nông nghiệp của người S’Tiêng

Thứ ba - 28/02/2017 16:01
(CTTĐTBP) - Theo Địa chí Bình Phước, khi thực hiện các lễ nghi nông nghiệp, có nơi đồng bào S’Tiêng chỉ cúng 3 lễ là trỉa lúa, lúa trổ bông và mừng lúa mới; có nơi lại cúng 4 lễ là trỉa lúa, cột tay lúa, đạp lúa và mừng lúa mới lên bồ.
 
Các lễ nghi nông nghiệp
 
Lễ cúng tỉa lúa (va tul) vào ngày bắt đầu tiến hành trỉa lúa trên rẫy. Người S’Tiêng coi lúa quý như sữa mẹ. Rẫy của nhà ai thì do ông chủ nhà đó tiến hành lễ cúng. Thời điểm cúng vào buổi sáng sớm trước khi bắt đầu trỉa lúa. Lễ vật là gà, rượu cần, cơm ống, gia đình giàu có thì cúng heo. Tương tự, người S’Tiêng tổ chức lễ cúng lúa lên để cầu xin các vị thần linh phù hộ cho lúa được tốt tươi, mùa vụ thu được nhiều lúa. Lễ vật cũng như trong lễ cúng trỉa lúa.
 
Đồng bào S'Tiêng quây quần bên nhau chuẩn bị nghi lễ đâm trâu để cúng thần.
 
Cúng lúa trổ bông (người S’Tiêng nhánh Bù Lơ gọi là wa r’ung) với lễ vật gồm có gà, rượu, cơm ống, do ông chủ nhà thực hiện để cầu xin thần linh cho cây lúa đơm bông dài, nhiều hạt, vụ mùa bội thu. Ba tháng sau ngày trỉa lúa, người S’Tiêng tổ chức lễ chăm sóc lúa (vraic va). Lễ vật dâng cúng thần lúa gồm thịt heo hay gà và ché rượu cần. Khi chủ rẫy làm lễ cúng thần thì lấy củ ngải bỏ vào ống tre giã nát, sau đó trộn với nước lã và đem rải ra khắp rẫy, với mong ước để cho lúa xanh tốt, trổ nhiều bông, chắc hạt, cho năng suất cao. Cúng lễ xong, họ tiến hành vun gốc và làm sạch cỏ cho lúa.
 
Lễ hội “Mừng lúa mới” được tổ chức vào đêm rằm tháng Chạp hằng năm, giữa những cánh đồng đã được thu hoạch, dọn dẹp gọn gàng. Lễ hội là dịp để mọi người quây quần bên nhau cùng tế lễ tạ ơn đất trời, mừng một năm mùa màng bội thu, đồng thời cũng là để cầu chúc năm sau Yàng tiếp tục ban mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tươi tốt hơn nữa. Lễ vật cúng chủ yếu là gà, heo, cơm gạo mới... Lễ thường do chủ nhà thực hiện. Có nhiều bài cúng khác nhau nhưng nội dung chủ yếu là lời khấn cầu tạ ơn thần linh đã phù hộ cho được mùa. Trong lễ hội này, người S’Tiêng đánh cồng, chiêng; những cô gái, chàng trai S’Tiêng nhảy múa, ca hát. Mọi người chuyền tay nhau thưởng thức vị dẻo thơm của cơm lam, vị ngọt của thịt heo chấm với muối trộn hạt tiêu, lá ngò gai, thưởng thức những ché rượu cần ấm áp, say nồng...
 
Sau khi thu hoạch, lúa được cất hết vào kho để bảo quản ăn quanh năm. Đến khi muốn lấy lúa ra để giã ăn, người S’Tiêng phải làm lễ cúng thần lúa (cúng khi xuất lúa trong kho ra ăn). Lễ vật dâng cúng thần linh gồm một con gà và một ché rượu cần. Chủ nhà bày lễ vật ở cửa kho lúa rồi làm lễ cúng khấn xin phép thần lúa cho mở kho xuất lúa ra ăn. Cúng khấn thần linh xong, chủ nhà vào kho xúc đầy một gùi lúa ra để ăn trong ngày hôm đó.
 
Lễ hội cầu mưa
 
Là một lễ hội rất quan trọng, do đó công việc chuẩn bị phải chu đáo vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Các già làng chỉ định thời gian hành lễ, sau đó họp cả buôn để phân công công việc. Lễ hội cầu mưa được tổ chức với mục đích tri ân các vị thần như: Bra Aân - Bra Trốk (Thần trời), Bra Ter (Thần đất), Bra Va (Thần lúa)... và các vị thần khác đã cho những cơn mưa để gieo trồng ở các vụ mùa trước, đồng thời cầu xin các vị thần ban cho những cơn mưa đúng thời điểm, mùa vụ để con người có nước sinh hoạt, gieo trồng...
 
 
Sau khi trâu bị giết để cúng thần trong lễ hội cầu mưa, mọi người xẻ trâu lấy thịt nướng, uống rượu cần, biểu diễn cồng chiêng, múa hát. 
 
Lễ hội cầu mưa là một lễ hội tín ngưỡng phồn thực, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, vạn vật được sinh sôi nảy nở. Lễ hội cầu mưa được tổ chức theo từng bon (Wăng). Trai tráng và một số nghệ nhân làm cột cây nêu và những công việc nặng nhọc khác. Phụ nữ chuẩn bị củi, nước, gạo nếp, ống nứa để nấu cơm lam, chuẩn bị một ché rượu cần để cúng thần. Trâu được buộc chặt vào cây nêu. Đến giờ, cả làng tập trung đầy đủ, già làng chủ trì, tuyên bố lý do buổi lễ. Vài người đàn ông ở độ tuổi trung niên cầm lao hoặc chà gạc để đâm trâu. Già làng lấy máu bôi lên cột cây nêu, dùng gạo trắng và muối rải lên mình trâu, sau đó ngồi bên ché rượu cần để cúng các vị thần lúa, thần mưa, thần rừng, cầu cho mưa thuận gió hòa. Mọi người xẻ trâu lấy thịt nướng, uống rượu cần, biểu diễn cồng chiêng, múa hát. Già làng giáo huấn về luật tục và xướng sử thi.
 
Lễ hội phá bàu
 
Trước đây, trong buôn, sóc người S’Tiêng sinh sống có những bàu nước tự nhiên, có nhiều cá. Mùa nắng nước bàu cạn dần, là thời điểm thích hợp cho việc tổ chức
Lễ hội Phá bàu là lễ hội lớn nhất của người S’Tiêng nhánh Bù Đek. Người Khmer cũng tổ chức lễ hội này hoặc tham gia cùng người S’Tiêng trong vùng. 
lễ hội. Sóc nào gần bàu nước thì được quyền sở hữu và đứng ra tổ chức, làm chủ lễ hội, mời các sóc khác tham dự. Nếu nhiều sóc cùng sở hữu bàu nước thì cùng tổ chức lễ hội. Các sóc thay nhau tổ chức với mục đích để đồng bào được gặp gỡ, giao lưu văn nghệ, thể thao, tham gia các trò chơi dân gian, các già làng trao đổi kinh nghiệm, trai gái có dịp tìm hiểu kết bạn.
 
Chuẩn bị lễ hội, già làng thông báo cho các sóc trong khu vực trước một tuần để mọi người biết, chuẩn bị và tham gia. Đi lễ hội, mọi người đều mang theo rượu cần và thực phẩm góp vào ăn với nhau. Mỗi sóc mang theo một bộ cồng chiêng để biểu diễn giao lưu. Vào thời gian đã định, khi mọi người đến đông đủ, các gia đình nhanh chóng làm chòi để tạm trú và sinh hoạt. Thanh niên dựng một cái chòi lớn trước cho già làng. Lễ vật cúng thần linh gồm cơm nếp ống, rượu cần, gà... Già làng chủ lễ bày lễ vật, trình khấn thần linh xin cho dân làng tổ chức lễ hội. Sau khi khấn xong, già làng thông báo để mọi người được biết rồi cùng ùa xuống bàu dùng các vật dụng tiến hành xúc cá. Những con cá xúc được đầu tiên thường là những con cá to, dành cho các già làng.
 
Người S’Tiêng quan niệm, ai xúc được những con cá đầu tiên, cá to nhất là những người may mắn, có phước. Họ xúc cá, nướng, ăn tại chỗ và uống rượu, múa hát, đánh cồng chiêng, hát đối đáp giao duyên giữa các đôi nam nữ. Không khí lễ hội tưng bừng náo nhiệt cả một vùng. Lễ hội diễn ra trong thời gian nông nhàn nên số người đến dự rất đông. Sau khi sóc của mình tổ chức xong, người dân vẫn ở lại để dự lễ hội của sóc khác. Lễ hội thường diễn ra từ 1 đến 3 ngày, nếu lễ hội cả khu vực thường kéo dài một tháng. Cá xúc được trong lễ hội nếu ăn không hết, người ta xâu lại thành từng xâu nướng khô để dùng dần. Những con cá nhỏ thì làm mắm bò hóc./.
 
Thanh Phương
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập794
  • Hôm nay17,418
  • Tháng hiện tại9,403,162
  • Tổng lượt truy cập454,798,284
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây