Các loại hình du lịch của Bình Phước

Thứ bảy - 04/03/2017 12:08 7574
(CTTĐTBP) - Bình Phước có vị trí tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Xét về mặt địa lý, du khách từ các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và vương quốc Campuchia khá thuận tiện, nhanh chóng khi đến với tỉnh, vì Bình Phước là cửa ngõ và là cầu nối với khu vực Tây Nguyên - vùng đất có nhiều nét văn hóa độc đáo; giáp các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - một trong những vùng kinh tế năng động, phát triển nhất cả nước.

 

Theo “Địa chí Bình Phước”, các loại hình du lịch của Bình Phước gồm:

Du lịch sinh thái
 
Bình Phước có nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng. Trước hết là loại hình du lịch sinh thái, gồm các sản phẩm dịch vụ chính như: tham quan nghiên cứu môi trường, giáo dục môi trường sinh thái, du khảo sinh thái. Loại hình du lịch này ở Bình Phước có những địa điểm sau:
 
Thác số 4
 
* Khu du lịch Bàu Ké thuộc thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, cách đường tỉnh 741 khoảng 30 m, diện tích 8 ha, phù hợp với việc tham quan, cắm trại. Khu du lịch đã tiến hành đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn.
 
* Cầu dây văng Phước Cát thuộc xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, dài 350 m bắc qua sông Đồng Nai, gần Thánh địa Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng có cảnh quan non nước hữu tình, độc đáo.
 
* Cầu 38 nằm trên Quốc lộ 14, ranh giới giữa hai xã Minh Hưng và Đức Liễu huyện Bù Đăng, là vùng ngập nước của lòng hồ Thác Mơ. Nơi đây dần trở thành khu du lịch cao cấp với cảnh quan thơ mộng, hồ nước trong xanh xen lẫn các đảo nhỏ.
 
* Trảng cỏ Bù Lạch thuộc xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, diện tích 140 ha, gồm 20 trảng cỏ lớn, nhỏ, có hồ nước, rừng, thác, ghềnh độc đáo, rất phù hợp cho du ngoạn dã ngoại, cắm trại.
 
* Vườn quốc gia Tây Cát Tiên thuộc các xã Đăng Hà, Thống Nhất, Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng. Vườn quốc gia nằm trong quần thể khu dự trữ sinh quyển vườn quốc gia Cát Tiên được thế giới công nhận năm 1998. Đây là nơi bảo tồn hệ sinh thái lớn nhất Việt Nam, diện tích vùng lõi khoảng 5.000 ha, có hệ sinh thái rất đa dạng, với hệ động thực vật phong phú như bò rừng, gà so cổ hung và nhiều loại cây, thú quý hiếm.
 
* Vườn quốc gia Bù Gia Mập thuộc xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, có diện tích 22.326 ha, gồm hệ sinh thái động, thực vật đa dạng, phong phú, rất phù hợp với du lịch khám phá, nghiên cứu.
 
* Thác Đắk Mai thuộc địa bàn huyện Bù Gia Mập, có độ cao 15 m, là một trong những thác nước đẹp trên dòng chảy của sông Bé. Thác có một dải nước trắng xóa đột ngột đổ xuống tạo nên sự hùng vĩ hiếm có.
 
* Thác Bảy tầng thuộc xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, có chiều cao 4 m, rộng 3,6 m, dải nước 3 m, dốc 75 độ, cảnh quan thiên nhiên rất hữu tình, nước chảy từ tháng 7 đến tháng 10, thích hợp cho tham quan, cắm trại.
 
* Thác Voi thuộc xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, rộng 13 m, cao 14 m, dốc đứng 90 độ, cảnh quan rất hoang sơ, phù hợp cho du lịch dã ngoại, nghiên cứu.
 
Hồ nước trong xanh nằm giữa khu vực trảng cỏ Bù Lạch.
 
* Thác Đứng thuộc xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, diện tích khoảng 1 ha, rất hùng vĩ, phù hợp cho du lịch sinh thái.
 
* Khu du lịch Thác số 4 thuộc xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, có diện tích 20 ha, cảnh quan rất đẹp, phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, khám phá.
 
* Động Bà Bảy Tuyết thuộc phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, động có chiều dài 170 m, rộng 30 m, cao 50 m, động nằm trên núi Bà Rá, hiện vẫn còn hoang sơ, chưa được khai thác, rất phù hợp cho du lịch khám phá.
 
* Hồ thủy điện Thác Mơ thuộc phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, diện tích khoảng 26.160 ha. Phong cảnh hồ còn hoang sơ, rất phù hợp cho các chuyến tham quan, cắm trại, khám phá, dưỡng sinh.
 
* Hệ ghềnh trên sông Đồng Nai, thuộc địa phận xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng. Đây là nơi giao nhau giữa 3 tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Đắk Nông, có các bãi đá trải dài và sự kỳ bí của hệ ghềnh, thác luồng, vịnh đãi vàng, ghềnh công viên.
 
* Hồ thủy điện Cần Đơn thuộc xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, diện tích khoảng 13.300 ha vùng ngập nước và bán ngập nước. Phong cảnh hồ còn hoang sơ, rất phù hợp cho việc tham quan, cắm trại, khám phá, dưỡng sinh.
 
* Khu du lịch đập Bà Mụ cách trung tâm hành chính huyện Đồng Phú khoảng 1 km, cảnh quan rất thơ mộng, có dòng nước trong xanh dài 2 km, rất thích hợp cho việc nghỉ dưỡng.
 
Cầu 38
 
* Khu du lịch sinh thái hồ Sóc Xiêm thuộc xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản. Hồ nằm giữa thung lũng yên ả, cạnh những lô cao su bạt ngàn xanh ngắt. Đến đây du khách được nghỉ ngơi thư giãn, câu cá, lắng nghe tiếng gió lao xao, tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc S’Tiêng.
 
* Hồ Suối Giai thuộc địa bàn xã Tân Lập và Tân Tiến huyện Đồng Phú. Nơi đây có nhiều cảnh quan đẹp, không khí mát mẻ, rất thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, du ngoạn bằng thuyền câu cá giải trí, lướt sóng, lái canô cao tốc.
 
Du lịch về nguồn
 
* Di tích Phú Riềng Đỏ là di tích lịch sử quốc gia thuộc xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, diện tích 1,2 ha. Nơi đây tỉnh đã xây dựng một đài tưởng niệm cao 10 m, trên đỉnh tượng đài có biểu tượng cờ búa liềm, xung quanh đài tưởng niệm là những vườn cao su và dưới đồi có con suối chảy uốn quanh rất thơ mộng. Địa danh Phú Riềng Đỏ là nơi thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong 3 chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Phước và của ngành cao su Việt Nam. Đây là điểm du lịch về nguồn rất hấp dẫn.
 
* Núi Bà Rá là di tích lịch sử quốc gia thuộc phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, có độ cao 723 m, diện tích 1.200 ha. Do có địa hình hiểm trở, nơi đây đã ghi dấu nhiều chiến tích của quân và dân Bình Phước. Năm 1925, thực dân Pháp cho xây dựng ở đây một nhà tù lớn để giam giữ tù nhân gồm tù chính trị và thường phạm. Bọn cai ngục dùng nhiều thủ đoạn dã man để tra tấn tù nhân, nhưng với ý chí kiên cường, không khuất phục trước kẻ thù, các chiến sĩ cộng sản đã biến nơi đây thành môi trường để rèn luyện bản lĩnh, ý chí cách mạng. Bên sườn núi phía Tây có hang dơi, hang cây sung là nơi bám trụ của đội công tác núi Bà Rá trong kháng chiến, đã gây cho địch nhiều nỗi kinh hoàng.
 
Núi Bà Rá không những là di tích lịch sử mà còn là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng với sông Bé uốn lượn dưới chân núi, với thác Mẹ, thác Mơ và hệ động, thực vật phong phú. Đặc biệt, núi Bà Rá đã xây dựng được hệ thống cáp treo hiện đại, thu hút du khách tới tham quan, du lịch về nguồn, du lịch khám phá.
 
* Mả Thằng Tây là di tích lịch sử quốc gia thuộc xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập, diện tích 0,288 ha. Nơi đây ghi dấu cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc S’Tiêng chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 25/10/1933, tên More - một sĩ quan Pháp rất tàn ác đã bị hai anh em người dân tộc S’Tiêng là Điểu Môn, Điểu Mốt dùng xà gạc giết chết. Đây là chiến công vang dội được đồng bào S’Tiêng ghi nhớ với lòng tự hào sâu sắc, đánh dấu sự quyết tâm của đồng bào dân tộc thiểu số giành quyền tự chủ, giành lại rừng, nương rẫy và quyền lợi thiết thân.
 
Hệ thống cáp treo trên núi Bà Rá.
 
Sau khi tên More chết, thực dân Pháp đã cho xây bia để khắc sâu sự căm thù của chúng đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng đối với nhân dân ta, nơi đây lại là nơi ghi dấu chiến công vang dội, góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ và thu hút du khách đến tìm hiểu lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của người dân Bình Phước.
 
* Mộ tập thể 3.000 người là di tích lịch sử quốc gia thuộc phường An Lộc, thị xã Bình Long, diện tích 0,1 ha. Nơi đây ghi dấu chứng tích tội ác dã man mà Mỹ - ngụy gây ra cho nhân dân. Tháng 10/1972, trước sự tấn công như vũ bão của bộ đội chủ lực, địch ra sức giữ Bình Long bằng mọi giá, chúng cho máy bay thả bom vào cả bệnh viện, nơi mà phần lớn nhân dân đến tránh bom đạn. Sau đó, chúng dùng xe ủi gom xác để chôn thành ngôi mộ tập thể.
 
* Nhà Giao tế (trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) là di tích lịch sử quốc gia thuộc thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng và trở thành thủ phủ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, đây là nơi hội họp của Ban liên hợp quân sự bốn bên và Đoàn Ủy ban kiểm soát và giám sát đình chiến theo tinh thần Hiệp định Pari. Nhà Giao tế được xây dựng vào tháng 3/1973, do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế. Nhà được thiết kế theo kiểu nhà sàn, gồm 2 tầng, kết hợp lối kiến trúc dân tộc và hiện đại. Tầng trên là nơi hội họp của Ban liên hợp quân sự bốn bên, tầng dưới là nơi gặp gỡ, giao lưu của nhân dân và quan khách. Tầng trên và tầng dưới được treo cùng một lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là nơi tham quan về nguồn, tìm hiểu lịch sử có giá trị.  
 
* Sân bay quân sự Lộc Ninh là di tích lịch sử quốc gia thuộc thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, nằm trên khu đồi bằng phẳng rộng 120 ha. Đây là nơi đánh dấu sự kiện lớn: Sáng ngày 31/1/1973, Thượng tướng Trần Văn Trà dẫn đầu phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam bay về Sài Gòn dự phiên họp đầu tiên của Ban liên hợp quân sự bốn bên. Đây cũng là nơi ta đón đoàn Ủy ban Quốc tế gồm các quan khách một số nước đến thăm và làm việc tại Lộc Ninh. Đặc biệt, đây cũng là nơi tiến hành việc trao trả tù binh cho đối phương và đón nhận những người con ưu tú, trung kiên từ các nhà tù của Mỹ - ngụy trở về theo Hiệp định Pari, trong đó có bà Võ Thị Thắng - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Trở lại nơi đây, du khách sẽ được sống lại một thời hào hùng với những chiến thắng vẻ vang của quân và dân Bình Phước.
 
* Căn cứ Tà Thiết là di tích lịch sử quốc gia thuộc xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, có diện tích 3.500 ha. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, căn cứ Bộ Chỉ huy Miền đóng tại Tà Thiết là căn cứ cuối cùng được thành lập ở chiến trường miền Nam. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được giải phóng, trụ sở của Bộ Chỉ huy miền đóng tại khu B Chiến khu Dương Minh Châu - Tây Ninh được dời về khu vực Tà Thiết. Đây là trung tâm đầu não được mệnh danh là “khu rừng Chính phủ”, là nơi ở và làm việc của cơ quan B2.
 
Căn cứ được xây dựng quy mô lớn, hệ thống hầm, hào, trạm xưởng, trường lớp được xây dựng chắc chắn, bảo đảm tốt cho việc huấn luyện và chiến đấu. Căn cứ là điểm tập kết quân lớn nhất từ miền Bắc vào Nam để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, đại thắng mùa Xuân năm 1975. Tại đây, vào tháng 3/1973, đã diễn ra Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn Miền lần thứ III; tháng 9/1973, diễn ra Hội nghị quân chính toàn Miền; tháng 10/1973, diễn ra Hội nghị quán triệt học tập Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng cho cán bộ cấp cao của Miền và các tỉnh. Ngày 3/4/1975, tại đây, đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị về quyết tâm và phương án giải phóng Sài Gòn. Ngày 8/4/1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Hiện nay, khu căn cứ đã được tu sửa khang trang, trở thành điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước.
 
* Tổng kho xăng dầu Lộc Quang - Lộc Hòa (VK98 - VK99) là di tích quốc gia thuộc xã Lộc Quang và xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh. Sau khi Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng, nơi đây là điểm tập kết các nguồn chi viện phục vụ cho chiến trường B2, trong đó nguồn nhiên liệu xăng dầu là một yêu cầu bức thiết để phục vụ cho cuộc chiến thần tốc sau này. Đầu năm 1974, đường ống xăng dầu chi viện từ miền Bắc vào đến Bù Gia Mập được thiết lập và xăng dầu được vận chuyển về chứa tại kho VK98 (7 bồn), kho VK99 (10 bồn), mỗi bồn cao 3,5 m, đường kính 10 m, sức chứa 250.000 lít/bồn. Việc xây dựng các kho xăng ở đây được tuyệt đối giữ bí mật. Hiện nay, các bồn xăng đã được tháo dỡ, chỉ giữ lại một bồn để giới thiệu với khách tham quan về cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta trong những tháng năm xưa.
 
* Dinh Tỉnh trưởng Bình Long tọa lạc tại phường Phú Đức, thị xã Bình Long, diện tích 600 m2, là khu nhà cổ 2 tầng, có hầm ngầm, trước kia là nơi làm việc, hội họp của các đời tỉnh trưởng tỉnh Bình Long. Hiện nay, đây là khu làm việc của cơ quan Thị ủy Bình Long.
 
* Bia chiến thắng chốt chặn Tàu Ô - xóm Ruộng thuộc xã Tân Khai, huyện Hớn Quản. Tại đây năm 1972, các đơn vị thuộc Sư đoàn 7, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã anh dũng chặn đứng nhiều đợt phản kích của quân ngụy nhằm tái chiếm An Lộc. Nơi đây đã minh chứng cho ý chí kiên cường của quân và dân ta, rất phù hợp cho du lịch giáo dục truyền thống, du lịch về nguồn.
 
* Vườn cây lưu niệm bà Nguyễn Thị Định thuộc phường Sơn Giang, thị xã Phước Long, diện tích 1,1 ha. Đây là điểm đến của nhiều du khách và bà con tỉnh Bến Tre.
 
* Sóc Bom Bo thuộc xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Tại đây, du khách sẽ có dịp ôn lại những năm tháng kháng chiến hào hùng của đồng bào dân tộc S’Tiêng hướng về cách mạng với hoạt động giã gạo nuôi quân; được hòa mình vào những âm thanh rộn ràng của tiếng chày xen lẫn tiếng cồng chiêng; uống rượu cần, thưởng thức món thịt nướng, nghe già làng kể chuyện về buôn, sóc bên ánh lửa hồng.
 
* Cụm kiến trúc nhà cổ được xây dựng thời Pháp, xưa là bệnh viện Lộc Tấn, tọa lạc tại xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh. Cụm kiến trúc này được xây dựng gồm những khối bê tông hình vòm nhấp nhô, đường nét uốn lượn khá độc đáo.
 
* Khu trưng bày hiện vật điểm cuối đường mòn Hồ Chí Minh nằm trong khuôn viên bảo tàng tỉnh Bình Phước. Tại đây, có các hiện vật thời chiến tranh, các dụng cụ, khí tài quân dụng làm nên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh và di ảnh các vị lãnh đạo nổi tiếng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Du lịch tâm linh
 
Mô hình du lịch tâm linh bao gồm các tuyến du lịch tham quan đình, chùa, tham gia lễ hội. Trong đó, có các điểm đáng chú ý như:
 
Đình thần Hưng Long. Ảnh: Hoàng Hưng.
 
* Chùa Quang Minh tọa lạc trên Quốc lộ 14, thuộc phường Tân Đồng, thị xã Đồng Xoài. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1952, được trùng tu năm 1990. Hàng năm vào các dịp rằm, tết cổ truyền dân tộc, lễ Phật đản, du khách cùng bà con Phật tử đến thắp nhang cầu khấn những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội.
 
* Đình thần Hưng Long tọa lạc tại khu phố 5, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành. Đình được xây dựng khoảng năm 1850. Kiến trúc đình rất độc đáo. Du khách thường đến đây vào các ngày mùng 1 âm lịch và ngày rằm hằng tháng để cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
* Chùa Sóc Lớn tọa lạc tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Chùa được xây dựng khoảng năm 1931. Đây là ngôi chùa của bà con Khmer. Vào các dịp lễ Phật đản, lễ Đôlta, Tết Chol Chnam Th’mây, bà con người Khmer tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa tại đây.
 
* Đồi Bằng Lăng và Bia tưởng niệm các liệt sĩ trên núi Bà Rá, là di tích nằm trong khu vực núi Bà Rá. Từ chân núi đi lên có một con đường nhựa thoai thoải dẫn du khách đến đồi Bằng Lăng, nơi đây có đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ.
 
* Miếu Bà Rá nằm trên trục đường tỉnh 741 thuộc phường Sơn Giang, thị xã Phước Long. Miếu được xây dựng bởi các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại nhà tù Bà Rá cùng nhân dân địa phương, nhằm tôn vinh những anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc. Vào các ngày mùng 1, 2, 3 tháng ba âm lịch hằng năm, tỉnh tổ chức lễ hội để tưởng nhớ các vị tiền bối, các anh hùng hy sinh vì Tổ quốc và những người khai sinh vùng đất Bà Rá, cầu cho quốc thái dân an, thu hút nhiều khách thập phương đến viếng.
 
* Đền Hùng tọa lạc tại xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập. Đây là nơi nhân dân tỏ lòng tôn kính các vị Vua Hùng đã có công dựng nước. Hằng năm, vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) chính quyền địa phương đứng ra tổ chức lễ dâng hương rất trang trọng.
 
* Thành cổ đắp đất hình tròn được phát hiện vào thập niên 1950, chủ yếu ở địa bàn Lộc Ninh, Hớn Quản, Bình Long, Bù Gia Mập. Theo các nhà khảo cổ học, đây là nơi cư trú và phòng thủ của các cư dân cổ. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều hiện vật như mảnh gốm, công cụ đá, đồ trang sức bằng gốm có niên đại cách ngày nay khoảng 2000 năm.
 
* Lễ hội Chol Ch’nam Th’mây là tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer được tổ chức vào trung tuần tháng tư hằng năm tại các chùa, phum, sóc. Những nghi lễ đón tết rất phong phú như lễ rửa tượng Phật, lễ té nước, cầu an và làm bánh tét.
 
* Lễ hội quay đầu trâu mừng lúa mới của đồng bào dân tộc S’Tiêng đã có từ lâu đời. Sau khi thu hoạch xong vụ lúa, để tạ ơn trời đất, đồng bào tổ chức đâm trâu để ăn mừng, đầu trâu sẽ được tặng lại cho họ tộc khác. Họ được tặng đầu trâu sang năm tổ chức lễ hội và tặng lại đầu trâu cho dòng họ mà mình vay năm trước. Lễ hội quay đầu trâu diễn ra hằng năm sau mùa thu hoạch và kéo dài từ tháng 10 đến tháng 12.
 
* Lễ mừng lúa mới của người Mnông được tổ chức tại rẫy lúa vào khoảng tháng 8 hằng năm. Trong lễ có bày thịt, rượu cần, cơm để cúng Giàng, tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng vụ mùa bội thu và cầu xin mùa tới được tốt đẹp hơn. Khi màn đêm buông xuống, mọi người quây quần bên ngọn lửa, uống rượu cần, ăn thịt nướng, múa hát theo tiếng cồng chiêng rất vui nhộn./.
 
TT.THCB - Thanh Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập996
  • Hôm nay94,500
  • Tháng hiện tại858,454
  • Tổng lượt truy cập407,600,308
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây