Ngành chế biến hạt điều tại Bình Phước

Thứ tư - 08/03/2017 21:56
(CTTĐTBP) - Cây điều đã trở thành cây công nghiệp lâu năm chủ lực của tỉnh và Bình Phước vẫn đang là thủ phủ cây điều của cả nước. Ban đầu, cây điều được trồng chủ yếu để ăn trái, sau đó mới chuyển sang trồng điều cao sản để lấy hạt xuất khẩu. Khi sản lượng tăng lên đáng kể, ngoài bán ra ngoài tỉnh Long An, Bình Thuận... còn một phần để xuất khẩu thô, từ đó ngành chế biến điều nhân bắt đầu phát triển.
 
Quy trình chế biến hạt điều nhân phải trải qua các công đoạn chủ yếu như phân loại điều thô, hấp, tách, sấy, bóc vỏ lụa, phân loại, đóng gói... 
 
Theo “Địa chí Bình Phước”, cây điều có nguồn gốc từ Braxin, du nhập vào miền Nam Việt Nam vào thế kỷ thứ 18, nhưng mãi đến năm 1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc, cây điều mới chính thức có tên trong danh mục cây trồng ở Bình Phước.
 
Tuy vậy, cây điều chỉ bắt đầu khởi sắc ở cuối thập niên 1980 khi người dân được khuyến khích trồng điều để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và lấy hạt để xuất khẩu. Tới những năm 1990, cây điều trên địa bàn tỉnh mới phát triển mạnh, nhất là sau khi có Quyết định số 120/1999/QĐ-TTg ngày 7/5/1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển điều đến năm 2010 thì ngành điều ở Việt Nam cũng như của tỉnh Bình Phước mới có bước tăng trưởng mạnh.
 
Diện tích điều trên địa bàn tỉnh tăng nhanh: Nếu năm 1991 là 19.652 ha thì năm 1996 là 54.147 ha, năm 2010 tăng lên 155.746 ha. Sau đó, do tính toán hiệu quả kinh tế, người dân đã chuyển đổi cây trồng từ trồng điều sang trồng cao su nên diện tích điều giảm dần: Năm 2012 giảm xuống còn 140.129 ha và năm 2013 còn 134.911 ha. Sản lượng thu hoạch năm 1991 từ 5.000 tấn tăng lên 13.451 tấn năm 1996 và 150.592 tấn năm 2011, sau đó giảm còn 123.279 tấn vào năm 2013.
 
Những cơ sở tiểu thủ công nghiệp chế biến hạt điều hình thành sớm nhất là ở huyện Phước Long (cũ) vào những năm đầu của thập kỷ 90 như Công ty TNHH thương mại chế biến điều Thanh Tâm (năm 1993), Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Lệ (năm 1993, nay là Công ty TNHH Mỹ Lệ), Công ty cổ phần Sơn Long (1998) và mở rộng ra các huyện: Chơn Thành (Công ty TNHH Nam Sơn, năm 1997, Xí nghiệp chế biến xuất - nhập khẩu điều và nông sản thực phẩm Bình Phước năm 1999) và các doanh nghiệp chế biến điều sau này ở các huyện, thị xã thuộc tỉnh.
 
Một số cơ sở chế biến đã sử dụng máy để tách vỏ hạt điều nhằm nâng cao năng suất chế biến. 
 
Đến năm 2013, trên địa bàn tỉnh có 230 doanh nghiệp, trong đó có 229 doanh nghiệp ngoài nhà nước; 1.248 hộ cá thể chế biến hạt điều nhân, thu hút 33.686 lao động tham gia, trong đó doanh nghiệp ngoài nhà nước có 19.794 lao động; tập trung ở một số huyện, thị như: Thị xã Phước Long (553 cơ sở, 14.269 lao động); huyện Bù Gia Mập (538 cơ sở, 11.480 lao động); huyện Bù Đăng (111 cơ sở, 2.645 lao động); huyện Đồng Phú (83 cơ sở, 2.120 lao động); thị xã Đồng Xoài (29 cơ sở, 544 lao động); huyện Chơn Thành (2 cơ sở, 324 lao động)...
 
Sản lượng điều nhân chế biến trên địa bàn tỉnh tăng từ 26 tấn năm 1993 lên 742 tấn năm 1996 và 72.444 tấn năm 2013. Sản phẩm hạt điều nhân của tỉnh đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia và vùng lãnh thổ với sản lượng xuất khẩu 25.854 tấn, kim ngạch 172,7 triệu USD vào năm 2013, góp phần đưa ngành điều Việt Nam vươn lên hàng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân.
 
Nhân hạt điều được đóng gói, dán nhãn theo từng loại quy cách sản phẩm để xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Hiện nay, một số công đoạn trong quy trình chế biến điều nhân đã được hiện đại hóa bằng máy móc, thiết bị chế tạo trong nước và kết hợp với thủ công. Năm 2013, ngoài các doanh nghiệp còn có 1.248 cơ sở kinh tế cá thể với 13.708 lao động (tập trung phần lớn ở thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập) tham gia vào các công đoạn của quy trình chế biến điều nhân.
 
Trong những năm qua, nghề chế biến hạt điều hình thành một cách tự phát, do dễ làm, không đòi hỏi phải đầu tư nhiều, không yêu cầu trình độ kỹ thuật cao. Tuy nhiên, ngành điều hiện nay đang đối mặt với những khó khăn về vốn để thu mua dự trữ điều thô, giá cả nguyên liệu và sản phẩm xuất khẩu không ổn định, công nghệ chế biến còn lạc hậu, khó cạnh tranh... Mặt khác, do nhiều cơ sở chế biến điều cá thể hình thành một cách tự phát, chế biến theo phương pháp thủ công hấp chao dầu cũ, nên gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người lao động. Ngành điều Bình Phước cần phải được quy hoạch, định hướng phát triển để trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh trong tương lai./.
 
Thanh Phương

    

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,081
  • Hôm nay259,442
  • Tháng hiện tại11,113,814
  • Tổng lượt truy cập456,508,936
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây