Bom Bo hôm nay rộn ràng, tươi vui hơn

Thứ ba - 09/05/2017 18:17
(CTTĐTBP) - Nhắc đến sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng), nhiều người liên tưởng ngay đến “tiếng chày giã gạo bên ánh lửa lồ ô bập bùng”. Hình ảnh truyền cảm hứng mạnh mẽ ấy xuất phát từ trong lời bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của cố nhạc sĩ Xuân Hồng. Với tôi, nhắc đến Bom Bo là nhắc đến niềm tự hào truyền thống cách mạng quê hương, nhắc đến kì tích “giã gạo nuôi quân” năm xưa của những người dân bản địa S’Tiêng yêu nước nồng nàn, một lòng một dạ sắt son với Đảng, với cách mạng và với Bác Hồ !

 

Tiếng chày giã gạo vừa mang biểu tượng nghệ thuật vừa phản ánh quá trình lao động sản xuất, truyền thống và tập tục sinh sống của người đồng bào bản địa nơi đây. 

 

Lịch sử địa phương và qua ký ức của già làng Điểu Lên - một nhân chứng sống, hình tượng của người dân Bom Bo trong kháng chiến và ngày nay - thuật kể: Vào những năm 1962 - 1963, quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa dồn dân vào ấp chiến lược nhưng cả sóc Bom Bo kiên quyết không vào ấp chiến lược. Đến giữa năm 1963, hàng chục người dân của sóc Bom Bo đã lặng lẽ băng rừng, vượt suối đi theo cách mạng vào căn cứ "Nửa Lon" bên dòng suối Đăk Nhau và Đăk Liêng lập ra sóc mới vẫn giữ nguyên cái tên mang âm điệu rắn rỏi, sắt đá: “Bom Bo”.
 
Năm 1965, sóc Bom Bo trở thành trung tâm tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long nhằm tiêu diệt cụm quân sự của địch ở phía Bắc chiến khu Đ trong phạm vi tỉnh Phước Long, Bình Long và trên trục giao thông chiến lược Tây Nguyên - Sài Gòn (Quốc lộ 13, 14). Hưởng ứng lời cách mạng kêu gọi, người dân Bom Bo từ già trẻ đến gái trai nô nức trồng lúa, mì trên nương vào ban ngày, tối đến thì đốt đuốc lồ ô giã gạo cho đến tận sáng để cung cấp lương thực nuôi bộ đội giải phóng; người dân trong sóc sẵn sàng ăn củ rừng, ăn tro để nhường gạo, muối cho bộ đội đánh giặc. Tiếng chày giã gạo nghĩa tình “cắc cum cum” ấy đã thổi bùng cảm hứng “ánh lửa lồ ô bập bùng” trong nhạc sĩ Xuân Hồng và thôi thúc ông trong một ngày thăng hoa, xuất thần sáng tác ra bài hát nổi tiếng, đi vào lòng người: “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (năm 1966). Bài hát mang âm hưởng núi rừng với giai điệu nhịp nhàng, rộn rã, mô phỏng theo động tác giã gạo như tác giả từng chia sẻ: “Muốn giã cho nhanh phải giã chày ba, chày tư (tức ba, bốn người cùng giã một cối)... Giã xong nhà này sang nhà khác, hết xóm này đến xóm kia…”.
 
“Tiếng chày trên sóc Bom Bo” được viết trong một hoàn cảnh lịch sử có thật, hay nói đúng hơn bài hát như một chứng minh lịch sử kể về một câu chuyện thời kháng chiến bằng những âm thanh, hình ảnh, con người đời thực pha lẫn tình cảm chân tình, thán phục của tác giả Xuân Hồng về người dân Bom Bo chân chất, thủy chung, nghĩa tình nhưng cũng rất đỗi anh hùng. Tiếng chày giã gạo ấy vừa mang biểu tượng nghệ thuật vừa phản ánh quá trình lao động sản xuất, truyền thống và tập tục sinh sống của người đồng bào bản địa nơi đây. Họ trồng lúa trên nương rẫy và giã gạo bằng chày. Họ sẵn sàng bỏ lại tất cả nương rẫy, nhà cửa để đi theo cách mạng, ánh sáng soi đường của Đảng và đã làm nên “kì tích không ngủ”: Ngày thì trồng lúa mì, tối thì thức trắng đêm giã gạo nuôi quân. Tinh thần yêu nước nồng nàn của người dân Bom Bo năm xưa được nhạc sĩ Xuân Hồng khắc âm ngắn gọn trong cụm từ “bao nhiêu gạo là bao nhiêu tình” không thể định lượng, đong đếm được !
 
Tiếng bom, tiếng súng đã không còn, trả lại sự bình yên cho mảnh đất bazan “đỏ nghĩa đỏ tình” năm xưa. Ngày nay, Bom Bo vẫn vang những nhịp chày nhưng không phải là nhịp chày của tiếng giã gạo nuôi quân, của phương thức gia công lạc hậu (biến thóc thành gạo trắng) như năm xưa, mà là nhịp chày gọi mời du khách về thăm, nhịp chày của biểu tượng cho công cuộc dựng xây, kiến thiết quê hương, đổi mới cuộc sống buôn làng. Về Bom Bo hôm nay, cảm nhận trong mỗi chúng ta là sự thay da đổi thịt từng ngày của mảnh đất anh hùng năm xưa. Đường nhựa láng o và sạch sẽ, điện thắp sáng muôn nhà. Những ngôi nhà sàn, nhà ngói khang trang, mọc san sát, thơm mùi ngói mới. Đời sống của nhân dân đã đổi thay, dân trí đã khác xưa. Hình ảnh “người dân Bom Bo cái bụng không no khố chăn chẳng lành” ngày ấy đã không còn, thay vào đó là sự no ấm từ cái bụng đến con chữ, từ tiện nghi sinh hoạt đến diện mạo phát triển về đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội…
 
Bom Bo ngày nay thêm xinh đẹp và rộn ràng hơn kể từ khi tỉnh triển khai xây dựng các dự án thuộc Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo. Dự án khu bảo tồn này có tổng diện tích 113,4 ha (70 ha vùng lõi, 43,4 ha vùng đệm) với dự toán công trình khoảng 289 tỷ đồng. Việc triển khai xây dựng dự án này nhằm khôi phục, tái hiện không gian sinh sống truyền thống; giới thiệu những phong tục, tín ngưỡng và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc S’Tiêng nơi đây; đồng thời thu hút du khách tham quan, đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh.
 
Thăm nơi đây, du khách sẽ có dịp ôn lại những năm tháng kháng chiến hào hùng của đồng bào dân tộc S’Tiêng hướng về cách mạng với hoạt động giã gạo nuôi quân; được hòa mình vào những âm thanh rộn ràng của tiếng chày xen lẫn tiếng cồng chiêng; uống rượu cần, thưởng thức món thịt nướng, nghe già làng kể chuyện về buôn sóc bên ánh lửa hồng. Ngoài ra, du khách còn được tham gia, tìm hiểu về các lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống độc đáo của đồng bào S'Tiêng tại khu bảo tồn. Những hoạt động này mang ý nghĩa giao thoa văn hóa giữa người dân nơi đây với du khách và tạo điều kiện cho đồng bào S’Tiêng có thêm động lực, ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa của dân tộc mình. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá đến du khách về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào S’Tiêng ở Bình Phước nói riêng và đồng bào S’Tiêng cả nước nói chung; đồng thời đưa phong trào văn hóa, văn nghệ của đồng bào S’Tiêng và của địa phương ngày càng phát triển đi lên.
 
Bom Bo hôm nay rộn ràng và tươi vui hơn trong một không gian, diện mạo, tâm thế và xu hướng phát triển không ngừng. Tin tưởng rằng, Bom Bo sẽ ngày càng hưng thịnh, bay cao, bay xa tựa như “tiếng chày huyền thoại” vang vọng mãi từ trong thời chiến đến tận thời bình, từ thế hệ xưa đến thế hệ trẻ, từ nhạc điệu trong lao động sản xuất đến nhạc điệu làm điểm nhấn để phát triển du lịch. Những ký ức đẹp về một thời và tình cảm mến khách của người dân nơi đây sẽ khiến du khách bịn rịn, quyến luyến, không muốn rời xa./.
 
Thanh Phương

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4,028
  • Hôm nay354,321
  • Tháng hiện tại19,530,827
  • Tổng lượt truy cập479,423,514
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây