Trong tổ chức thực hiện thu NSNN: Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2019; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, nhất là thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề về chuyển giá, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng; quyết liệt xử lý thu nợ thuế , qua đó đã giảm số thuế nợ đọng đến cuối năm 2019 xuống dưới 5% tổng thu NSNN.
Nhờ chủ động trong triển khai thực hiện, kết hợp với sự phát triển khả quan của nền kinh tế, thu cân đối NSNN đến ngày 31/12/2019 đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng, vượt 138,2 nghìn tỷ đồng (+9,79%) so dự toán, trong đó: thu nội địa vượt 100,2 nghìn tỷ đồng (+8,5%), thu từ dầu thô vượt 11,7 nghìn tỷ đồng (+26,1%) và thu cân đối ngân sách từ xuất nhập khẩu vượt 25,3 nghìn tỷ đồng (+13,4%) so với dự toán; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 25,7%GDP, huy động từ thuế và phí khoảng 21,1%GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5%GDP và 21% GDP). Thu NSTW vượt 32 nghìn tỷ đồng (+4%) so dự toán, thu NSĐP vượt trên 106,2 nghìn tỷ đồng (+17,7%) so dự toán; 63/63 tỉnh, thành phố vượt dự toán thu NSNN trên địa bàn; 60/63 tỉnh, thành phố đạt và vượt dự toán thu NSĐP.
Cơ cấu thu NSNN tiếp tục có chuyển biến và ngày càng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa tăng dần, từ mức khoảng 68% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên trên 82% năm 2019, tỷ trọng thu dầu thô giảm dần, từ mức bình quân khoảng 13% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 3,6% năm 2019 và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm từ mức 18,2% bình quân giai đoạn 2011-2015 xuống còn 13,9% năm 2019.
Về đẩy mạnh cải cách hành chính: Từ cuối năm 2018, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch cải cách hành chính với nhiệm vụ, nhóm giải pháp cụ thể nhằm cải thiện các chỉ số về nộp thuế, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới và chỉ số vốn hóa thị trường chứng khoán, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Kết quả năm 2019, đã thực hiện rà soát, bãi bỏ 49 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 23 thủ tục và ban hành mới 38 thủ tục trong các lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán, công sản, ngân hàng và bảo hiểm; tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính (đến nay đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 129/190 điều kiện theo kế hoạch và dự kiến sẽ cắt giảm, đơn giản hóa thêm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực chứng khoán, hải quan, kinh doanh đòi nợ), để tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Với những nỗ lực cải cách hành chính trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan, đã được cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.
Về xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan, góp phần để Bộ Tài chính liên tục nhiều năm trong nhóm đứng đầu các cơ quan của Chính phủ về triển khai công nghệ thông tin.
Năm 2019, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc kết nối liên thông gửi, nhận văn bản với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; triển khai trực tuyến 982 thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính (trong đó 114 dịch vụ mức độ 1; 364 dịch vụ mức độ 2; 197 dịch vụ mức độ 3 và 307 dịch vụ mức độ 4).
Trong lĩnh vực hải quan, đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị Hải quan thông qua các hệ thống VNACSS/VCIS; triển khai cổng thanh toán điện tử tại các Cục Hải quan. Mở rộng kết nối thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công qua Cơ chế một cửa quốc gia với 13/14 bộ, ngành, với 173 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế này; trao đổi chứng nhận xuất xứ điện tử mẫu D với 8 nước ASEAN qua Cơ chế một cửa ASEAN. |