Tình hình kinh tế - xã hội cả nước quý II và 6 tháng đầu năm 2024

Thứ hai - 01/07/2024 09:11
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020-2024[1]. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,34%, đóng góp 5,36% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,29%, đóng góp 45,73%; khu vực dịch vụ tăng 7,06%, đóng góp 48,91%.

GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của sáu tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024[2]. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, nuôi trồng thủy sản tăng khá. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp sáu tháng đầu năm 2024 tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,34% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng khá, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp sáu tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,32% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024[3], đóng góp 2,44 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%, đóng góp 2,14 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%, làm giảm 0,24 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,34%, đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020-2024[4], đóng góp 0,48 điểm phần trăm.

Trong khu vực dịch vụ, xuất khẩu tăng cao theo xu hướng phục hồi nhu cầu tiêu dùng thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ sáu tháng đầu năm 2024 tăng 6,64% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 5,06% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021[5]. Đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,79 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,02%, đóng góp 0,73 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,18%, đóng góp 0,30 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,94%, đóng góp 0,27 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế sáu tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%; khu vực dịch vụ chiếm 43,35%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,66% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2023 là 11,64%; 36,46%; 43,10%; 8,80%).

Về sử dụng GDP sáu tháng đầu năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 64,26% vào tốc độ tăng chung toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,72%, đóng góp 35,15%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,89%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,95%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,59%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Nông nghiệp

Lúa đông xuân: Lúa đông xuân năm nay được mùa, được giá. Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm 2024 đạt 2.954,0 nghìn ha, tăng 1,2 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2023; năng suất ước đạt 68,8 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha; sản lượng đạt 20,32 triệu tấn, tăng 132,5 nghìn tấn.

Lúa hè thu: Tính đến trung tuần tháng 6/2024, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.825,4 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.419,3 nghìn ha, bằng 97,8%.

Cây hằng năm: Diện tích ngô, lạc và đậu tương tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao; diện tích gieo trồng rau, đậu các loại giảm do thời tiết nắng nóng kéo dài. Riêng diện tích khoai lang tăng nhẹ.

Cây lâu năm: Tổng diện tích cây lâu năm hiện có ước đạt 3.784,9 nghìn ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm cây ăn quả đạt 1.271,1 nghìn ha, tăng 2,6%; nhóm cây công nghiệp đạt 2.183,0 nghìn ha, giảm 0,5%

Chăn nuôi: Chăn nuôi trâu, bò trong tháng có xu hướng giảm. Đàn lợn có xu hướng tăng mạnh trở lại. Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 6/2024 tăng 2,9% so với cùng thời điểm năm 2023; tổng số gia cầm tăng 2,3%; tổng số bò giảm 0,9%; tổng số trâu giảm 3,9%.

 Lâm nghiệp

Trong quý II/2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 90,8 nghìn ha, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại là 851,8 ha, giảm 6,7%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 128,5 nghìn ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; diện tích rừng bị thiệt hại là 1.165,3 ha, giảm 0,2%.

Thủy sản

Sản lượng thủy sản quý II/2024 ước đạt 2.439,5 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 4.384,7 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.431,4 nghìn tấn, tăng 4,1%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.953,3 nghìn tấn, tăng 1,0%.

Sản xuất công nghiệp

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,47%; quý II tăng 8,55%). Trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67% (quý I tăng 7,21%; quý II tăng 10,04%), đóng góp 2,14 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13,26%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,13%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Riêng ngành khai khoáng giảm 7,22%, làm giảm 0,24 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

- Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 56 địa phương và giảm ở 7 địa phương trên cả nước.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2024 giảm 4,3% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm trước giảm 2,2%).

- Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2024 tăng 7,6% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 9,6% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân sáu tháng đầu năm 2024 là 76,9% (bình quân sáu tháng đầu năm 2023 là 83,1%).

- Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2024 tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,8% so với cùng thời điểm năm trước.

Hoạt động của doanh nghiệp

Tình hình đăng ký doanh nghiệp[6]

 - Trong tháng Sáu, cả nước có 15,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 19,1% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước; hơn 7,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,6% và tăng 6,1%; 5.418 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 2,2% và tăng 6,2%; 5.404 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 18,8% và giảm 6%; 2.228 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 44,9% và tăng 50,3%.

- Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 119,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 110,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có gần 18,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2024 cho thấy: Có 37,4% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2024; dự kiến quý III/2024, có 40,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2024.

Hoạt động dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng Sáu ước đạt 522,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.558,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với quý trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.098,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 11,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%).

Vận tải hành khách tháng 6/2024 ước đạt 375,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 3,4% so với tháng trước và luân chuyển 22 tỷ lượt khách.km, tăng 4,3%; quý II/2024 ước đạt 1.112,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển đạt 64,7 tỷ lượt khách.km, tăng 9,3%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 2.312,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 17,9%) và luân chuyển đạt 132,5 tỷ lượt khách.km, tăng 11,0% (cùng kỳ năm trước tăng 33,5%).

Vận tải hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 219,5 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 1,6% so với tháng trước và luân chuyển 43,0 tỷ tấn.km, tăng 1,1%; quý II/2024 ước đạt 642,9 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,0% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 127,5 tỷ tấn.km, tăng 11,0%. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 1.263,0 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 16,3%) và luân chuyển 254,8 tỷ tấn.km, tăng 10,3% (cùng kỳ năm trước tăng 14,1%).

­­­­Doanh thu hoạt động viễn thông quý II/2024 ước đạt 89,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, d­­oanh thu hoạt động viễn thông ước đạt 179 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,0%).

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 6/2024 đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Số lượt người Việt Nam xuất cảnh trong tháng 6/2024 là 470,6 nghìn lượt người, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 2,6 triệu lượt người, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán

Tính đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%.

- Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý II/2024 ước đạt 55,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8%.

- Tính từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 24.309 tỷ đồng/phiên, tăng 38,3% so với bình quân năm 2023; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 10.187 tỷ đồng/phiên, tăng 56,3%; trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 218.500 hợp đồng/phiên, giảm 7,1%; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 56,9 triệu chứng quyền/phiên, tăng 73,7% và giá trị giao dịch đạt 50,8 tỷ đồng/phiên, tăng 77,7%.

Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II/2024 theo giá hiện hành ước đạt 834,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính sáu tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của sáu tháng đầu năm trong 5 năm qua.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong sáu tháng đầu năm 2024 có 57 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 118,6 triệu USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước; có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 18,4 triệu USD, giảm 89,4%. Tính chung sáu tháng đầu năm tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 137 triệu USD, giảm 57,3% so với cùng kỳ năm trước.

Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 6/2024 ước đạt 105,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.020,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60% dự toán năm và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách Nhà nước tháng 6/2024 ước đạt 151,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,9% dự toán năm và giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ[7]

Xuất nhập khẩu hàng hóa[8

- Xuất khẩu hàng hóa: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 166,79 tỷ USD, chiếm 87,7%.

- Nhập khẩu hàng hóa: Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2024 ước đạt 30,15 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2024, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,7% so với quý I/2024. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 112,71 tỷ USD, tăng 14,1%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu sáu tháng đầu năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 167,73 tỷ USD, chiếm 94%.

- Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 54,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 67 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng Sáu ước tính xuất siêu 2,94 tỷ USD. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,63 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,44 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,35 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,98 tỷ USD.

Xuất, nhập khẩu dịch vụ

Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 4,6% so với quý trước; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước đạt 8,3 tỷ USD, tăng 20,1% và tăng 6,5%.

Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 11,25 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó dịch vụ du lịch đạt 6 tỷ USD (chiếm 53,1% tổng kim ngạch), tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 3 tỷ USD (chiếm 26,8%), tăng 2%.

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ sáu tháng đầu năm 2024 ước đạt 16,11 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 6,9 tỷ USD (chiếm 42,7% tổng kim ngạch), tăng 18,6%; dịch vụ du lịch đạt 4,9 tỷ USD (chiếm 30,4%), tăng 52,9%.

Nhập siêu dịch vụ sáu tháng đầu năm 2024 là 4,86 tỷ USD.

Chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

- Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so với tháng trước. So với tháng 12/2023 CPI tháng Sáu tăng 1,40% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,34%.  CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

- Chỉ số giá vàng tháng 6/2024 giảm 2,64% so với tháng trước; tăng 18,26% so với tháng 12/2023; tăng 29,51% so với cùng kỳ năm trước; bình quân sáu tháng đầu năm 2024 tăng 24,02%.

- Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 6/2024 giảm 0,04% so với tháng trước; tăng 4,17% so với tháng 12/2023; tăng 7,66% so với cùng kỳ năm trước; bình quân sáu tháng đầu năm 2024 tăng 5,64%.

Chỉ số giá sản xuất

Chỉ số giá sản xuất quý II và sáu tháng đầu năm 2024 có xu hướng tăng, chỉ số giá sản xuất công nghiệp, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và chỉ số giá dịch vụ tăng khá cao, trong khi chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giảm theo thị trường thế giới.

Một số tình hình xã hội

Lao động và việc làm

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý II/2024 ước tính là 52,5 triệu người, tăng 148,6 nghìn người so với quý trước và tăng 217,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 196,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm quý II/2024 ước tính là 51,4 triệu người, tăng 126,6 nghìn người so với quý trước và tăng 217,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 2,06%, tăng 0,03 điểm phần trăm so với quý trước và không đổi so với cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,05%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,37%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,49%.

Thu nhập bình quân của người lao động quý II/2024 là 7,5 triệu đồng/tháng, giảm 137 nghìn đồng so với quý I/2024 và tăng 490 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 2,71%; khu vực nông thôn là 2,01%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động sáu tháng đầu năm 2024 là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực thành thị là 2,68%; khu vực nông thôn là 2%.

Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội

Tình hình đời sống dân cư trong sáu tháng đầu năm nay được cải thiện hơn. Theo kết quả sơ bộ Khảo sát Mức sống dân cư 2024, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng trong sáu tháng đầu năm nay ước đạt 5,3 triệu đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Công tác bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, ngành thực hiện kịp thời, hiệu quả. Theo báo cáo từ địa phương, trong sáu tháng đầu năm nay (tính đến ngày 19/6/2024), lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho nhiều đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 với tổng số tiền là 11,7 nghìn tỷ đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo là hơn 3 nghìn tỷ đồng; người có công, thân nhân người có công với cách mạng là 16,5 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương là gần 70,1 tỷ đồng. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp phát hơn 26,2 triệu thẻ BHYT/sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng.

Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong sáu tháng đầu năm nay, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho người dân gần 21,3 nghìn tấn gạo hỗ trợ cho người dân để cứu đói giáp hạt năm 2024.

Hoạt động văn hóa, thể thao

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi trên cả nước, đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên đán 2024. Bên cạnh hoạt động lễ hội diễn ra sôi nổi là các hoạt động kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) trong tháng Tư và chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trong tháng Năm.

Về thể thao thành tích cao, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam tham dự vòng loại thứ 2 World Cup 2026 và đứng thứ 3 trong Bảng xếp hạng vòng loại khu vực Châu Á, chính thức dừng bước ở vòng loại với kết quả 6 điểm. Tính đến thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam đã giành được 12 tấm vé chính thức đến Olympic Paris 2024 ở các nội dung: Xe đạp, bơi lội, bắn súng, cử tạ, canoeing, rowing, cầu lông, boxing và bắn cung.

Tai nạn giao thông

Trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 12.353 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 8.728 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 3.625 vụ va chạm giao thông, làm 5.343 người chết, 5.557 người bị thương và 3.995 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 68 vụ tai nạn giao thông, gồm 48 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 20 vụ va chạm giao thông, làm 30 người chết, 30 người bị thương và 22 người bị thương nhẹ.

Thiệt hại do thiên tai

Trong 6 tháng đầu năm nay, thiên tai làm 68 người chết và mất tích và 56 người bị thương; 28,1 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng; 22,9 nghìn con gia súc bị chết; 36,8 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 1.723,3 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm 2023.

Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ

Trong 6 tháng đầu năm nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện 12.650 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 11.418 vụ với tổng số tiền phạt là 156,5 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; xảy ra 2.231vụ cháy, nổ, làm 55 người chết và 52 người bị thương, thiệt hại ước tính 127,9 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm trước.

Khái quát lại, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, kinh tế sáu tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,42%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị đã quyết liệt thực hiện nhiệm, vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới.

 
TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Nguồn tin: consosukien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,169
  • Hôm nay224,829
  • Tháng hiện tại12,100,437
  • Tổng lượt truy cập457,495,559
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
Tổng cục Thống kê
Phân mềm giao việc_Taskgov
Điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành
Chiến lược phát triển TKVN
Tuyển dụng năm 2022
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây