Đồng bào dân tộc thiểu số một lòng tin Đảng

Thứ năm - 28/09/2023 16:16

Đồng bào dân tộc thiểu số một lòng tin Đảng

Công tác dân tộc là vấn đề chiến lược vừa cấp bách vừa lâu dài của Đảng. Với Bình Phước, việc ban hành chính sách chăm lo ổn định và từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng. Điều đó không chỉ góp phần rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa, miền núi với thành thị mà quan trọng hơn còn ngăn chặn, đẩy lùi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bài 1
CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ XÓA “VÙNG LÕM”

Bình Phước có 3 huyện biên giới, gồm: Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh và 58/111 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi; 15 xã tiếp giáp 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia. Hiện tỉnh có 203.519 người thuộc 40 DTTS, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở vùng giáp Tây Nguyên và biên giới. Đầu năm 2023, toàn tỉnh còn 1.696 hộ DTTS nghèo, chiếm 58,7% hộ nghèo toàn tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, hơn 20 năm qua Bình Phước đã đẩy mạnh các chính sách đặc thù để xóa “vùng lõm”.

Tạo đột phá vùng dân tộc thiểu số

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 16-3-2003; HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐND thông qua Đề án hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn; Nghị quyết số 07/2006/NQ-HĐND thông qua 10 dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS lồng ghép với Chương trình 134; Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐND phê duyệt một số chính sách hỗ trợ đặc thù đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS tỉnh Bình Phước giai đoạn 2018-2020…

Để chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện công tác dân tộc, riêng năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành 878 văn bản. Đặc biệt, đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 380-KL/TU ngày 25-6-2022 về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; Kết luận số 217-KL/TU ngày 15-4-2022 đồng ý chủ trương tích hợp, lồng ghép Chương trình đặc thù của tỉnh là giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Phước giai đoạn 2022-2025.

 

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh trao các phần quà tặng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập

Tiếp nối đến tháng 4-2023, Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành 501 văn bản chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện lĩnh vực công tác dân tộc. Hiện nay, tỉnh đang tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022-2025 ở 58 xã, phường, 10 dự án thành phần, 12 tiểu dự án và 30 nội dung đầu tư, hỗ trợ. Lũy kế 2 năm 2022 và 2023, tỉnh đã đầu tư hơn 548 tỷ đồng.

Chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS ra đời năm 2019. Sau 4 năm (2019-2022), Bình Phước đã hỗ trợ hơn 386 tỷ đồng, giúp 5.198 hộ DTTS thoát nghèo, đạt 129,8% chỉ tiêu đề ra. Năm 2023, ngoài tiếp tục phấn đấu giảm tối thiểu 1.000 hộ nghèo DTTS, tỉnh còn đề ra giải pháp giải quyết đất ở cho 48 hộ, nhà ở cho 629 hộ (xây dựng mới đối với 431 hộ và sửa chữa nhà cho 198 hộ). Bên cạnh đó, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.300 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.310 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung với 4 công trình... Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng DTTS, giai đoạn 2019-2025”.

Giai đoạn 2016-2020, Bình Phước đã ban hành 5 nghị quyết thực hiện các chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào DTTS; 6 kế hoạch, 2 chỉ thị, 3 quyết định thực hiện công tác dân tộc. Từ đó, huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư 65.406 tỷ đồng cho vùng DTTS (xây dựng nông thôn mới hơn 62.673 tỷ đồng và giảm nghèo bền vững gần 2.733 tỷ đồng). Chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo gần 140 tỷ đồng; hỗ trợ định canh, định cư 46,657 tỷ đồng, góp phần ổn định cuộc sống cho gần 1.300 hộ đồng bào DTTS.

Khi giáo dục, y tế được đầu tư trọng điểm

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, không chỉ kinh tế đổi thay mà đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các DTTS ở Bình Phước cũng chuyển biến rõ nét. Để tạo dấu ấn sinh hoạt văn hóa tinh thần, tạo sân chơi song song với bảo tồn văn hóa DTTS, công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào các DTTS được chú trọng. Tiêu biểu như ngành văn hóa tập trung sưu tầm và trưng bày chuyên đề: “Truyền thống Bom Bo”, “Đặc trưng văn hóa các dân tộc Bình Phước”; phục dựng lễ hội Cầu mưa của người S’tiêng, lễ hội Phá bàu của đồng bào Khmer… Việc nghiên cứu về đám cưới, phong tục tập quán, trang phục truyền thống, chế biến rượu cần của các DTTS ở Bình Phước như: S’tiêng, Khmer, M’nông... cũng được quan tâm.

Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách có tầm chiến lược nhằm đưa vùng đồng bào DTTS có một diện mạo mới, phát triển ở tầm cao hơn. Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn liền với thực hiện Chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030.

Ưu tiên phát triển giáo dục trong vùng đồng bào DTTS, hằng năm tỉnh đều bố trí ngân sách, nhất là phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên DTTS... Kết quả đến nay, vùng tập trung đồng bào DTTS của tỉnh có tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 98%, trẻ đi học mẫu giáo đạt 96%; số xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đúng độ tuổi đạt 100%...

Bình Phước hiện có 7 trường phổ thông dân tộc nội trú; 2 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS ở 2 huyện Bù Đốp và Lộc Ninh xây mới theo hướng chuẩn quốc gia; 3 trường phổ thông dân tộc bán trú là Tiểu học Lộc Khánh, THCS Lộc Hòa (huyện Lộc Ninh) và Trường TH&THCS Kim Đồng (thị xã Bình Long). Chất lượng giáo dục được nâng cao qua các hình thức dạy phụ đạo học sinh yếu kém, thực hiện những chính sách đầu tư kịp thời đối với các trường dân tộc nội trú, bán trú, dạy tiếng DTTS cho cán bộ quản lý, giáo viên vùng DTTS, tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS mầm non và tiểu học...

Để phát triển toàn diện nguồn nhân lực các DTTS, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản phù hợp. Giai đoạn 2016-2022, toàn tỉnh có 108 lượt cán bộ, công chức, viên chức DTTS được tỉnh cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, toàn tỉnh đào tạo 77.786 người, đạt 173% kế hoạch; trong đó có 10.243 người DTTS và số người DTTS được giải quyết việc làm chiếm 15,95%/tổng số người được giải quyết việc làm toàn tỉnh.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư nâng cấp, xây dựng với 28 trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS và mua sắm thiết bị y tế cho 22 trạm với tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Hiện 100% đồng bào DTTS nghèo, vùng sâu, vùng xa được miễn chi trả viện phí khi điều trị tại các cơ sở y tế công.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, diện mạo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã và đang thay đổi từng ngày. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng người DTTS ở Bình Phước đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, Nghị quyết số 24-NQ/TW thực sự là động lực góp phần to lớn phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở vùng đồng bào DTTS trên quê hương Bình Phước.

Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điểu Nen

 

Tác giả: Ngọc Tú - Trịnh Quân

Nguồn tin: Báo Bình Phước:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,291
  • Hôm nay197,942
  • Tháng hiện tại11,052,314
  • Tổng lượt truy cập456,447,436
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây