Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ tư - 16/08/2023 10:16
BPO - Bình Phước được ví như một Việt Nam thu nhỏ, khi có 41 dân tộc anh em sinh sống quần cư như một nhà. Dù tập trung đông các dân tộc song nét riêng văn hóa luôn được tỉnh quan tâm, gìn giữ và phát triển. Huyện Bù Đăng hiện có 34 dân tộc anh em cùng sinh sống. Tuy mỗi dân tộc mang sắc thái văn hóa riêng, song trong quá trình cộng cư, tiếp biến và giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, đã có sự tương đồng về văn hóa và được biểu hiện trong đặc điểm cư trú, tổ chức xã hội, lao động, sản xuất, phong tục tập quán, sinh hoạt… Trong đó, văn hóa của các dân tộc tại chỗ là đặc trưng và giữ vai trò chủ đạo.
Thoát ly khỏi cánh rừng, ông Điểu Sa Rét, dân tộc M’nông ở thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng hơn 27 năm và trải qua nhiều nhiệm vụ công tác. Trong đời sống hiện đại, có sự tiếp biến, giao thoa không ngừng, ông Điểu Sa Rét vẫn xây dựng căn nhà gỗ mang đậm sắc thái của đồng bào dân tộc M’nông. Nơi đó, ông Sa Rét bài trí nhiều dụng cụ độc đáo của đồng bào mình như dụng cụ săn bắn, gùi, ché, tố, cồng chiêng... Với ông, đó là những giá trị văn hóa quý báu cha ông truyền lại cần gìn giữ. Ông thường xuyên tập hợp người dân trong thôn để chia sẻ cách gìn giữ nét riêng của đồng bào mình, nhất là văn hóa cồng chiêng, thổ cẩm để lớp hậu bối không lãng quên.
Ông Điểu Sa Rét chia sẻ: Từ những ngày còn nhỏ, chúng tôi đã được nghe kể và tập đánh cồng chiêng. Rồi những năm 1980, đội múa cồng chiêng của thôn đã đi biểu diễn nhiều nơi, qua tận các tỉnh Tây Nguyên. Âm vang của cồng chiêng đã được duy trì nhiều đời. Do đó, đến thế hệ chúng tôi vẫn luôn mong muốn gìn giữ, duy trì văn hóa của cha ông. Tôi sẽ tiếp tục tập hợp những người đam mê và am hiểu cồng chiêng để truyền dạy cho lớp trẻ bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể cồng chiêng.
Những thanh âm độc đáo của cồng chiêng đang được người già trong thôn quan tâm gìn giữ. Gần 70 tuổi, ông Điểu Cha Reo vẫn nặng lòng với cồng chiêng của dân tộc mình. Ông chia sẻ: Tôi đam mê và đánh cồng chiêng từ khi còn trẻ tới nay. Giờ nhiều thanh niên không biết đánh cồng chiêng khiến tôi rất buồn. Tôi mong các bạn trẻ bớt uống rượu, cố gắng tập luyện đánh cồng chiêng để gìn giữ văn hóa của đồng bào mình. Tôi cũng mong các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, có giải pháp để bảo tồn, gìn giữ văn hóa của đồng bào M’nông.
Theo bà Trần Thị Thu Trang, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đắk Nhau, trên địa bàn xã có 14 thành phần dân tộc sinh sống. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn định hướng, chỉ đạo duy trì và gìn giữ giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Bởi lẽ, khi đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc được quan tâm chú trọng sẽ là sức mạnh mềm, tạo động lực cho sự phát triển toàn diện của địa phương.
Là một trong những người tiên phong của đội văn nghệ thôn 4, xã Đường 10 trong đó có nhóm hát then, đàn tính, bà Đặng Thị Thu (65 tuổi) luôn gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của làn điệu then. Bà Thu chia sẻ: Tôi đam mê văn nghệ. Tiếng hát, nhất là hát then giúp tôi "át" đi mọi khó khăn, mệt nhọc trong cuộc sống. Không chỉ vậy, từ một vài người lớn tuổi, nay đội hát then, đàn tính của thôn 4 đã kết nối được hàng chục người tham gia.
Cô giáo trẻ Hoàng Thị Xuyến ở thôn 4, xã Đường 10 cũng bày tỏ niềm vui, xen lẫn tự hào khi được tham gia đội văn nghệ hát then, đàn tính. Theo cô, đàn tính, hát then đã được công nhận là di sản văn hóa của thế giới thì việc lưu giữ và bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể nhân loại này càng cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó, “Sau những giờ lên lớp, thời gian rảnh trong tuần, tôi đều tham gia tập luyện với các cô, chú trong đội. Điều đó giúp cuộc sống thêm thi vị” - cô Xuyến cho biết.
Xã Đường 10 có 21 dân tộc anh em cùng sinh sống. Các đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã cùng nhau xây dựng nên những giá trị văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thời gian qua, lĩnh vực đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Bù Đăng luôn được quan tâm bảo tồn. Huyện đã bảo tồn, lưu giữ và phát triển nghệ thuật trình diễn cồng chiêng, kỹ thuật chế biến rượu cần, nghề dệt thổ cẩm, các lễ hội truyền thống lưu truyền qua nhiều thế hệ như Lễ hội Mừng lúa mới, Lễ hội Cầu bông… Nghị quyết phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Đảng bộ huyện đã đưa nội dung phát triển văn hóa là nòng cốt. Từ đó tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa, gìn giữ và bảo tồn văn hóa các dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng THỊ DIỆU HIỀN
Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững; tổ chức trưng bày, trình diễn, giới thiệu, truyền dạy các loại hình di sản đặc sắc; hình thành và định hình một số nội dung biểu diễn, vui chơi giải trí phù hợp với nhu cầu xã hội và mang tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ cao. Tất cả đã tạo nét văn hóa riêng, thể hiện sự phong phú, đa dạng đời sống văn hóa tinh thần các dân tộc trên địa bàn huyện Bù Đăng.