Phát triển văn hóa lấy con người làm trung tâm

Thứ hai - 14/08/2023 09:29
BPO - Bình Phước là tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ có lịch sử phát triển lâu đời. Địa phương hiện có 41 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có những dân tộc đã sinh sống lâu đời và có những dân tộc mới di cư từ các địa phương khác đến lập nghiệp. Do đó, văn hóa của tỉnh Bình Phước hết sức đa dạng, phong phú. Đây là yếu tố có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và là nguồn lực để xây dựng, phát triển tỉnh Bình Phước trong thời kỳ mới.
Phát triển văn hóa lấy con người làm trung tâm

Gắn phát triển văn hóa với phát triển con người

Phát triển văn hóa các cộng đồng tộc người ở Bình Phước trước hết phải phát triển con người Bình Phước. Phát triển con người ở đây không chỉ là phát triển thể trạng, trí tuệ mà còn phát triển về nhân cách, đạo đức. Phát triển nhân cách, đạo đức con người giúp mỗi gia đình, mỗi con người phát triển hoàn thiện hơn cả về trí, thể và mỹ. Mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc đang sinh sống ở Bình Phước có thể khác nhau về dân tộc, xuất xứ nhưng về đạo đức và nhân cách của mỗi cá nhân hay mỗi cộng đồng đều có những điểm chung. Khi con người có đủ trí tuệ, đạo đức và nhân cách, ý thức bảo tồn văn hóa, sáng tạo văn hóa và phát triển văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng sẽ được phát triển và nâng cao. Ở chiều ngược lại, văn hóa phát triển sẽ góp phần vun bồi nhân cách đạo đức, trí tuệ và sức sáng tạo của cá nhân, cộng đồng.

Đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Lộc Ninh luôn chú trọng gìn giữ và phát huy nhạc ngũ âm trong đời sống văn hóa tinh thần Ảnh Trương Hiện
Nhãn

Vấn đề phát triển lấy con người làm trung tâm, là yếu tố quan trọng để thực hiện chính sách phát triển văn hóa đã được thể hiện trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước xác định: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Phát triển nói chung, phát triển văn hóa nói riêng lấy con người làm trung tâm thể hiện tính nhân văn trong chính sách, thể hiện sự đúng đắn, phù hợp với sự phát triển hiện nay của nhân loại. Bởi vì, con người sáng tạo ra văn hóa và cũng chính con người hưởng thụ văn hóa. Với 41 dân tộc đang sinh sống, phát triển văn hóa gắn với phát triển con người sẽ giúp Bình Phước có nguồn lực văn hóa to lớn để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xây dựng các biểu trưng để nhắc nhớ

Biểu trưng để nhắc nhớ là một trong những giải pháp tác động vào tâm thức người dân, cộng đồng. Vấn đề này, trên thế giới, nhiều quốc gia, đơn vị, công ty cũng rất chú trọng và thực hiện từ lâu. Ở Đông Nam Á, Singapore có biểu trưng là con sư tử, Albani là con đại bàng vàng, Úc là kangaroo, Đan Mạch là thiên nga trắng… Mục đích của biểu trưng là tạo hình ảnh biểu tượng sâu sắc cho cộng đồng, đồng thời tạo ấn tượng nhớ mãi cho du khách khi đến Bình Phước.

Biểu trưng có hai hình thức là hình ảnh và ngôn ngữ, tùy hoàn cảnh, mục đích, vị trí và thời điểm, địa phương lựa chọn hình thức nào cho phù hợp. Về biểu trưng ngôn ngữ, hiện nay Bình Phước đã khái quát được đặc trưng của Bình Phước là “yêu quê hương đất nước, yêu hòa bình, nhân ái, trọng nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Trên cơ sở này, tỉnh cần xây dựng một biểu trưng ngôn ngữ để nhắc nhớ trong cộng đồng. Đó có thể là “Đùm bọc và yêu thương”. Thực tế trong suốt quá trình từ khi khẩn hoang cho đến ngày nay, các cộng đồng dân tộc ở Bình Phước luôn yêu thương, đùm bọc nhau trong cuộc sống, trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Ngày nay, với 41 dân tộc cùng sinh sống, sự đùm bọc và yêu thương nhau tiếp tục duy trì và phát triển, tạo cho Bình Phước luôn có một xã hội ổn định, an toàn và phát triển. Nếu không có sự đùm bọc và yêu thương, các cộng đồng dân tộc không thể có cuộc sống an cư, lạc nghiệp và phát triển như hiện nay trên quê hương Bình Phước.

Cồng chiêng của đồng bào dân tộc S'tiêng góp phần tạo không gian văn hóa đặc trưng của tỉnh Bình Phước Ảnh Trương Hiện
Nhãn

Đối với biểu tượng là hình ảnh, Bình Phước hiện nay rất thiếu. Là địa phương có văn hóa của 41 dân tộc, có thiên nhiên hùng vĩ, có nhiều truyền thuyết trở nên huyền thoại, có núi Bà Rá linh thiêng…, Bình Phước có nhiều nội dung để lựa chọn xây dựng làm biểu trưng. Ở Tây Nguyên, tại tỉnh Gia Lai, đi đâu cũng có thể thấy hình ảnh của hoa văn thổ cẩm, hình ảnh của cây nêu. Họ đặt các biểu trưng hình ảnh ở những vị trí rất đắc địa, ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy. Vậy Bình Phước chọn hình ảnh, nội dung thuộc lĩnh vực nào để xây dựng làm biểu trưng? Điều này cần nghiên cứu kỹ dựa trên các đặc trưng văn hóa của các dân tộc, của tỉnh và địa phương. Đó có thể là một loài vật đặc hữu ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập hoặc một con vật thường xuất hiện trên hoa văn thổ cẩm của người S’tiêng làm biểu trưng. Các biểu trưng là một trong những biểu hiện góp phần vun đắp lòng tự hào về quê hương, xứ sở, nhắc nhớ giá trị văn hóa cộng đồng, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, văn hóa và con người Bình Phước.

Ứng dụng công nghệ số vào phát triển văn hóa, con người Bình Phước

Xu thế phát triển của thời đại 4.0 hiện nay, vấn đề công nghệ đang lan tỏa vào từng ngõ ngách của cuộc sống và xã hội. Cư dân Bình Phước cũng không nằm ngoài quy luật đó. 

Việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ hiện đại vào phát triển văn hóa, con người Bình Phước trước hết là ứng dụng vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản. Những di sản văn hóa của các cộng đồng dân tộc ở Bình Phước cần được tư liệu hóa bằng các phần mềm để quản lý và phát huy. Các phần mềm cần dễ tương tác, dễ kết nối và tìm kiếm để người dân trong tỉnh có thể tiếp cận một cách thuận lợi nhất, tương tác nhất. Công tác bảo tồn, phát huy cũng cần ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhiều nơi đã sử dụng các loại hình kỹ thuật công nghệ cao để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Chẳng hạn: ứng dụng công nghệ số vào hoạt động bảo quản hiện vật, trưng bày giới thiệu văn hóa trong bảo tàng, giới thiệu văn hóa trên các nền tảng mạng xã hội.

Công nghệ số với người dân - chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa cũng là vấn đề đáng quan tâm. Trong thời buổi khoa học - công nghệ phát triển, xã hội phát triển thì việc sáng tạo và hưởng thụ văn hóa cũng cần phải khoa học. Những loại hình, thành tố lạc hậu, phản cảm, không còn phù hợp cần loại bỏ để nâng cao đời sống tinh thần. Tiến tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Ứng dụng công nghệ số trong phát triển văn hóa, con người Bình Phước còn có thể góp phần tạo ra các sản phẩm văn hóa để phục vụ công chúng, xây dựng những hình thức quảng bá trên các nền tảng số để người dân khắp nơi có thể biết đến các thành tố, loại hình văn hóa độc đáo của các cộng đồng dân tộc ở Bình Phước. Từ đó, tạo điều kiện để sản phẩm văn hóa tham gia phát triển du lịch, gián tiếp góp phần nâng cao đời sống cho người dân và giảm nghèo bền vững. Chẳng hạn: xây dựng các mô hình du lịch gắn với văn hóa đồng bào các dân tộc, mô hình du lịch gắn với rừng tự nhiên và văn hóa khai thác rừng tự nhiên ở Bù Gia Mập, từ đó xây dựng các sản phẩm ẩm thực, nghề thủ công truyền thống để người dân có điều kiện nâng cao thu nhập, góp phần bảo tồn các di sản văn hóa liên quan.

GS.TS Cao Việt Hiếu - Hiệu trưởng Trường Đại học Bình Dương
Th.S Phạm Hữu Hiến - Giảng viên Trường Đại học Bình Dương

Nguồn tin: Báo Bình Phước:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay661,354
  • Tháng hiện tại9,239,632
  • Tổng lượt truy cập469,132,319
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây