ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ ẤM NO TRÊN VÙNG ĐẤT MỚI

Thứ tư - 08/02/2023 14:29
        Nhờ nguồn lao động ổn định, trẻ khỏe, chăm chỉ làm việc, chính sách đãi ngộ công nhân tốt, nội bộ đoàn kết, thống nhất và tổ chức sản xuất hợp lý… nên năm 2022, Nông trường Cao su Tân Hưng, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) - đơn vị với hơn 90% lao động trực tiếp là người DTTS đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, đứng nhất Công ty về sản lượng và thu nhập. Xuân này, cán bộ và công nhân của Nông trường đã có một cái Tết vui tươi, đầm ấm, đủ đầy.
 
Thành quả lao động của anh chị em công nhân
cạo mủ cao su sau một ngày làm việc (Ảnh Thanh Liêm)
 
         Do khó khăn về nguồn lao động nên năm 2015, lãnh đạo Nông trường Cao su Tân Hưng ra Nghệ An tuyển công nhân. Biết được thông tin tuyển dụng lao động, vợ chồng anh Và Bá Giờ và chị Mùa Y Hương (cùng SN 1993, dân tộc Mông) tham gia đăng ký trúng tuyển và quyết định rời quê hương để vào Bình Phước làm việc. Thử việc chừng 10 ngày, thấy tay nghề khéo léo nên anh chị được nhận vào cạo mủ chính thức cho Nông trường. Qua 7 năm làm việc, càng làm, anh chị càng thấy đam mê với nghề hơn. “Chúng tôi vào Nông trường làm việc đến nay đã được 7 năm rồi. Thu nhập cũng tốt lắm, nghề cạo mủ cao su đã mang lại cho cả gia đình tôi cuộc sống ổn định”, anh Và Bá Giờ bộc bạch.
        Được sự giới thiệu của những người đã vào làm việc tại Nông trường, cách đây hơn 1 năm, vợ chồng anh Cụt Văn Chan (SN 1993) và chị Moong Thị Lan (SN 1994, cùng dân Khơ Mú) cũng được tuyển dụng vào Nông trường Tân Hưng cạo mủ. Chị Lan tâm sự: “Vợ chồng tôi vào Bình Phước làm cạo mủ cao su mới hơn 1 năm nhưng cuộc sống đã ổn rồi. Thu nhập của 2 vợ chồng cộng lại mỗi tháng cũng hơn 20 triệu đồng, đủ để tiêu xài và nuôi 3 đứa con ăn học. Giờ thì sống khỏe với nghề rồi, chắc vợ chồng tôi không đi đâu nữa”.

Chị Moong Thị Lan, dân tộc Khơ Mú thu hoạch mủ cao su (Ảnh Thanh Liêm)
 
       Kể về “thời khóa biểu” điển hình cho 1 ngày, anh chị Chan - Lan cho biết, mỗi ngày, một người cạo từ 500 - 550 cây (hơn 1ha). Sáng thức dậy lúc 3-4 giờ để có mặt tại lô cao su. Sau đó cầm đục đi cạo mủ, đến khoảng 7 giờ là xong. Công việc tiếp theo là đi bóc mủ tạp (hay còn gọi là lột mủ chén) rồi vào ăn bữa lỡ. Sau đó ngồi tại chỗ thư giãn, khoảng 8 - 8h 30 xách xô đi trút mủ. Công đoạn trút mủ và giao mủ kéo dài khoảng 1 tiếng là xong. “Thường thì 10 giờ hằng ngày là công nhân ở đây xong việc, trở về nhà ăn cơm trưa, chiều đến làm việc nhà và nuôi dạy con cái”, chị Lan cho biết.
       Tương tự, cũng theo sự giới thiệu, vợ chồng Lỳ A Pó (19 tuổi) và vợ là Giàng Thị Chua (18 tuổi, quê Điện Biên) cũng là những “lính mới” gia nhập công nhân cạo mủ tại Nông trường Cao su Tân Hưng được gần 1 năm nay. Yêu nhau ngoài quê nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn không có tiền làm đám cưới, nên cặp đôi dắt nhau đến Nông trường làm việc. Sau thời gian ngắn, cả hai thích nghi khá tốt với nghề nghiệp mới, vùng đất mới. Một đám cưới đầm ấm được tổ chức với sự tham gia của đông đảo người thân, bạn bè đã giúp anh Pó và chị Chua chính thức nên duyên vợ chồng.
Vợ chồng anh Mùa Bá Chống và chị Lầu Y Mái Sinh
trở về nhà sau một ngày lao động (Ảnh Thanh Liêm)

         Ông Nguyễn Đình Bình - Giám đốc Nông trường Tân Hưng cho biết, thời điểm 2013 - 2015, Nông trường gặp rất nhiều khó khăn về lao động, do nhiều người bỏ cạo mủ để ra làm tại các khu công nghiệp hoặc đi làm việc khác. Trước thực trạng đó, Ban Giám đốc Nông trường phải ra tận Nghệ An và các tỉnh phía Bắc tìm kiếm lao động. Lúc đầu tuyển được 35 người, sau thời gian làm việc ổn định, những người này lại giới thiệu người thân, hàng xóm ở quê. Tiếng lành đồn xa, cứ thế số lượng lao động dần được lấp đầy và đến nay đã đi vào ổn định.
         Hiện, Nông trường có tổng số 420 cán bộ, nhân viên, người lao động, trong đó 358 người cạo mủ trực tiếp. Trong số 358 lao động trực tiếp có trên 90% là người DTTS, chủ yếu là dân tộc: Mông, Mnông, Khơ Mú, Tày, Nùng, Thái… đến từ các tỉnh phía Bắc.
Vợ chồng anh Và Bá Giờ và chị Mùa Y Hương với thành quả lao động
 sau một ngày làm việc (Ảnh Thanh Liêm)

        Công nhân là đồng bào DTTS thích ứng với công việc mới rất nhanh. Đến đây làm việc, mọi người được Nông trường sắp xếp nơi ăn ở và được đào tạo nghề miễn phí trước khi giao khoán vườn cây khai thác. So với những nghề khác, nghề cạo mủ vất vả hơn, nhưng bù lại thu nhập ổn định ở mức khá. Một ngày làm việc của công nhân cạo mủ chỉ kéo dài nửa ngày, khoảng 4 tiếng. Nếu có bận việc nhà, ốm đau thì có thể nhờ người khác làm thay, sau đó “đổi trả công".
        Đặc biệt chỉ 20 năm “cầm đục, xách xô” là được về hưu. Nếu đi cạo mủ sớm thì tuổi về hưu chỉ xêm xêm 40, lúc này có lương hưu nhưng vẫn thừa sức để làm việc khác kiếm thêm thu nhập. Nông trường được ví như vùng “đất lành chim đậu”, Giám đốc Nguyễn Đình Bình chia sẻ.
 
 

Tác giả: Bùi Thanh Liêm

Nguồn tin: baodantoc.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập928
  • Hôm nay39,151
  • Tháng hiện tại19,881,683
  • Tổng lượt truy cập479,774,370
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây