Đảm bảo quyền có việc làm và phát triển thị trường lao động

Thứ hai - 18/12/2023 23:11 773
      Hiến pháp năm 2013 tiếp tục hoàn thiện và quy định đầy đủ về quyền được có việc làm tại Điều 35: "Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương, được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu”.
      Việt Nam đã tham gia 25/189 công ước của ILO liên quan đến quyền của người lao động. Đây là mức độ cam kết cao, thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Bộ luật Lao động 2019 đã nội luật hóa nội hàm của một số công ước quan trọng của ILO (Công ước số 98, 88, 159). Cụ thể hóa quyền có việc làm, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp trong các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, hệ thống pháp luật Việt Nam như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại... đều ghi nhận quyền làm việc và tự do lựa chọn việc làm của cá nhân.
      Nhà nước Việt Nam ban hành các chính sách về việc làm và phát triển thị trường lao động để sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, góp phần tích cực vào việc hình thành thể chế kinh tế thị trường, tận dụng lợi thế để phát triển, tiến kịp khu vực và thế giới. Trên cơ sở Bộ luật Lao động,  Luật Việc làm và Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi kinh tế - xã hội, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành nhằm quy định cụ thể các chính sách về hỗ trợ tạo và tự tạo việc làm cho người lao động, nhất là cho các nhóm lao động yếu thế; các chính sách hỗ trợ người lao động thất nghiệp nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động (chính sách bảo hiểm thất nghiệp); các chính sách về tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, định hướng nghề nghiệp, thông tin dự báo thị trường lao động nhằm kết nối cung cầu lao động; các chính sách bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp... góp phần đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống cho người dân.
      Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 1.892 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 401 trường cao đẳng, 433 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên. Về tuyển sinh, đào tạo, giai đoạn 2016-2022 đã có 15.252.722 người được tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp là 3.241.989 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác là 12.010.733 người. Các kênh giao dịch việc làm trên thị trường lao động ngày càng đa dạng, gồm: 83 trung tâm dịch vụ việc làm (63 trung tâm dịch vụ việc làm do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập và 20 trung tâm thuộc ngành, tổ chức chính trị - xã hội) và trên 500 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.Từ năm 2016-2020, 11.077 ngàn người đã được tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp đạt 1.993 ngàn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác đạt 8.219 ngàn người. Giai đoạn 2016 - 2020, giải quyết việc làm cho 7.94 triệu lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng (tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 là 66%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 26.1%), chất lượng việc làm, năng suất lao động được củng cố, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên. Tín dụng chính sách xã hội góp phần hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 867 nghìn lao động, trong đó có trên 7 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi năm 2022 là 2,32%, giảm 0,88 điểm phần trăm so với năm 2021, trong đó khu vực thành thị là 2,79%; khu vực nông thôn là 2,03%.
       Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm và các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm và cung cấp thông tin thị trường lao động; đào tạo kỹ năng cho người lao động; thực hiện các chương trình, dự án việc làm và tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Từ năm 2021 đến hết tháng 6 năm 2023, hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 7,3 triệu lượt người; trong đó số có việc làm trên 2,3 triệu lượt người; 52.320 người được hỗ trợ học nghề; hơn 2,3 triệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp, chiếm hơn 96% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bình quân năm 2022 là 3.334.832 đồng/người/tháng; kết nối 63 website của các Trung tâm dịch vụ việc làm tại cổng thông tin điện tử việc làm Việt Nam với hơn 220 triệu lượt truy cập.
       Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 -2020 và 2021-2025, Việt Nam thực hiện nhiều giải pháp cơ cấu lại lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trong nước và đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi duy trì ở mức thấp và giảm dần. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị giảm từ mức 3,37% năm 2015 xuống còn khoảng 3,1% năm 2019. Do tác động của đại dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp năm 2020 là 3,88%. Tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đến năm 2020 khoảng 33,1%, giảm mạnh so với năm 2015 (43,6%), vượt mục tiêu đề ra (dưới 40%). Năm 2021, Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 308.410 người lao động. Trong 3 tháng đầu năm 2022, Quỹ quốc quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 57.922 người lao động.
       Hệ thống chính sách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh được tiếp tục hoàn thiện theo cơ chế thị trường; bảo đảm nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp; tiền lương tối thiểu vùng được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, khả năng chi trả của doanh nghiệp và bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; tiền lương bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương tăng trên 9%/năm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người lao động.
       Các giải pháp, chính sách giảm nghèo được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được triển khai mạnh mẽ, chuyển từ cách tiếp cận đơn chiều sang đa chiều, tập trung vào nhóm, hộ nghèo nhất. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của cả nước đã giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn khoảng 2,75% cuối năm 2020, bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 1,43%/năm. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện; tạo sinh kế và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
       Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người lao động bị mất việc, ngừng việc, phải tạm hoãn hợp đồng lao động và tự do như việc ban hành các gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng (năm 2020) và 26.000 tỷ đồng (cho đến tháng 7/2021) dành cho người khó khăn vì dịch COVID-19. Việt Nam cũng đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận, các điều kiện sống cơ bản, tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong xã hội cùng chung tay hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Ngân hàng Chính sách xã hội đã phê duyệt hồ sơ cho 2.368 lượt người sử dụng lao động vay vốn trên 2.067 tỷ đồng để trả lương cho 543.850 lượt người lao động. Đã giải ngân 2.011 tỷ đồng hỗ trợ 2.332 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 530.454 lượt người lao động; giải quyết hưởng hỗ trợ cho 12.868.602 lao động (gồm 11.778.559 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 1.090.043 người đã dừng tham gia) với số tiền hỗ trợ 30.519,9 tỷ đồng.
       Việt Nam chú trọng triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra, đặc biệt lưu ý phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có chương trình phù hợp để mở thêm các chuyên ngành mới liên quan đến Cách mạng công nghiệp 4.0; rà soát, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khẩn trương thực hiện chuyển đổi số để tăng cường kết nối cung - cầu lao động qua nền tảng số. Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, hoàn thiện chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn. 
       Việt Nam tiếp tục là thành viên tích cực của ILO, phối hợp chặt chẽ với ILO và các đối tác song phương trong thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm tại Việt Nam như dự án nâng cao năng lực Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia Phòng ngừa và Giảm thiểu Lao động trẻ em tại Việt Nam, Dự án thúc đẩy xây dựng khung khổ quan hệ lao động mới bảo đảm tôn trọng Tuyên bố của ILO về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động,dự án “An toàn và sức khỏe cho người lao động-An toàn và sức khỏe cho lao động trẻ”. Chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam - ILO về Việc làm bền vững 2017 - 2021; Chương trình Việc làm tốt hơn do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với ILO thực hiện. Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), tham gia tích cực các hoạt động của ILO, các nước trong và ngoài khu vực ASEAN. Việt Nam cũng chủ động tham gia các diễn đàn quốc tế trong lĩnh vực di cư lao động như Diễn đàn ASEAN về lao động di cư, Tiến trình Colombo (Hội đàm cấp bộ trưởng về quản lý việc làm ngoài nước và lao động theo hợp đồng cho các nước phái cử Châu Á) và Diễn đàn đối thoại cấp cao Abu Dhabi (diễn đàn đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia phái cử lao động).

Tác giả bài viết: V. Dịnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,176
  • Hôm nay67,871
  • Tháng hiện tại3,639,705
  • Tổng lượt truy cập390,182,758
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây