Các dân tộc thiểu số của tỉnh cư trú đan xen trên địa bàn 107/111 xã, phường, thị trấn; đa số cư trú vùng giáp ranh các tỉnh Tây nguyên, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái; các dân tộc sống đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Mỗi dân tộc điều có văn hóa truyền thống riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, lễ hội,…tạo nên bản sắc đặc trưng của từng dân tộc, bên cạnh đó có sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau góp phần làm bức tranh văn hóa tỉnh Bình Phước thống nhất, phong phú, đa dạng.
Hàng năm được sự quan tâm của các cấp, các ngành, tỉnh đã triển khai tuyên truyền chính sách trên các phương tiện truyền thông; hướng dẫn các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể quần chúng triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin đến các đối tượng thụ hưởng và quần chúng nhân dân; phối hợp các huyện, thị chỉ đạo việc cấp báo, tạp chí không thu tiền đến đối tượng thụ hưởng khi hệ thống bưu điện chuyển về UBND cấp xã; hướng dẫn cơ sở sử dụng ấn phẩm để tuyên truyền, phổ biến thông tin, tri thức đến đồng bào các dân tộc bằng các hình thức, phương tiện phù hợp ở địa phương.
Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh được thụ hưởng 19/19 loại báo, tạp chí, tổng số được cấp phát trong 3 năm qua với 454.639 tờ. Nội dung các ấn phẩm đa dạng, phong phú, nhiều lĩnh vực phù hợp với nhiều đối tượng vùng dân tộc thiểu số như: Tình hình chính trị trong nước và quốc tế; văn hóa dân tộc; phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hướng dẫn đồng báo dân tộc thiểu số áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; phổ biến tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; gương điển hình người tốt, việc tốt,… đã góp phần giúp đồng bào DTTS nâng cao được nhận thức, trình độ dân trí, từng bước phát triển kinh tế xã hội, tự vươn lên thoát nghèo, giữ vững an ninh chính trị tại địa phương, xây dựng đời sống văn hóa mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Theo Ban Dân tộc tỉnh, sau 03 năm thực hiện mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên việc cấp báo, tạp chí không thu tiền còn bộc lộ một số hạn chế, tình trạng nhận dồn, nhận trễ báo, tạp chí còn diễn ra ở nhiều thôn ấp; Việc quản lý ấn phẩm báo tạp chí tại các đơn vị, cá nhân được cấp chưa thực hiện tốt; Hệ thống cơ quan công tác dân tộc không được thụ hưởng các loại ấn phẩm; Bên cạnh đó, nguồn nhân lực làm công tác dân tộc các cấp mỏng, không có cán bộ chuyên trách làm công tác dân tộc cấp xã, khối lượng công việc lớn, do đó ít có điều kiện theo dõi thường xuyên chất lượng nội dung, hình thức tin, bài của các báo, tạp chí nên việc đánh giá gặp nhiều khó khăn.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh đề nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp không thu tiền báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025; Đồng thời, mở rộng đối tượng thụ hưởng cho cơ quan công tác dân tộc các cấp, cán bộ phụ trách công tác dân tộc cấp xã (nhất là các báo, tạp chí nghiên cứu, chuyên sâu, chuyên ngành).