Để công tác tuyên truyền về ATGT có hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào giảm TNGT, được người tham gia giao thông, người dân hưởng ứng một cách tích cực, từ đó tham gia giao thông có ý thức thì công tác tuyền truyền về ATGT cần được đổi mới hơn nữa.
Tuyên truyền về ATGT trước hết phải dễ hiểu, dễ nhớ, sát với người dân. Các hình thức, loại hình tuyên truyền cần cụ thể, sâu sắc về nội dung, sinh động hấp dẫn trong cách thể hiện nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông cho mọi đối tượng.
Công tác tuyên truyền cần thống nhất từ trên xuống, không để mỗi nơi, mỗi địa phương có một cách làm khác nhau. Hoạt động tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên, tránh tình trạng có nơi, có ngành chỉ làm vào những dịp cao điểm mà chưa có sự chủ động. Như tuyên truyền lưu động có thể đến được nhiều nơi, kể cả vùng sâu, vùng xa. Công tác tuyên truyền lưu động về ATGT cần gắn với tuyên truyền thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Vì vậy, cách thức tuyên truyền lưu động nhất thiết phải phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, tuyên truyền ở mỗi nơi mỗi khác cho phù hợp.
Khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật về giao thông, ngoài việc tuyên truyền những quy định của pháp luật, cần tuyên truyền quy định về xử phạt, mức phạt đối với từng hành vi vi phạm. Các phương tiện thông tin đại chúng cần tăng thời lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục về trật tự ATGT giúp người dân nhận thức được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với công tác bảo đảm ATGT.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần tránh tình trạng chỉ đưa thông tin một chiều mà cần có tin, bài, phóng sự phản ánh gương “người tốt, việc tốt”, những kiến nghị, giải pháp … và cả phản ánh những tiêu cực trong việc thực thi công vụ của lực lượng chức năng trong việc chấp hành pháp luật về ATGT.
Sử dụng một cách hiệu quả, phát huy tối đa sức mạnh của mạng lưới truyền thông nhằm chuyển tải một cách trực quan sinh động dễ hiểu các thông tin, thông điệp kiến thức vềATGT đến cộng đồng; huy động các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền pháp luật bảo đảm ATGT; tuyên truyền sâu rộng đến cơ sở, các khu công nghiệp...
Tăng cường tuyên truyền phòng, chống uống rượu bia đối với lái xe; tuân thủ quy định tốc độ; đội mũ bảo hiểm; quy tắc an toàn khi tham gia giao thông …Nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức ATGT trong trường học; giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền cần phải huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, không ngừng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, nhằm kiềm chế, giảm thiểu TNGT và ùn tắc giao thông, bảo đảm ATGT.