Tham dự buổi lễ, có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, địa phương và nhân dân trên địa bàn.
Tại buổi lễ, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.Theo đó, sau khi thành lập thị xã Chơn Thành và thành lập 5 phường thuộc thị xã, tỉnh Bình Phước không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc, nhưng có tăng 1 thị xã (thị xã Chơn Thành), giảm 1 huyện (huyện Chơn Thành), giảm 1 thị trấn và 4 xã, tăng 5 phường; có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 3 thị xã và 7 huyện) và 111 đơn vị hành chính cấp xã.
Thị xã Chơn Thành sau khi thành lập có 390,34 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 121.083 người; có 9 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 5 phường: Hưng Long, Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành và 4 xã: Minh Lập, Minh Thắng, Nha Bích, Quang Minh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành cho đại diện lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị xã Chơn Thành
Với địa hình tương đối bằng phẳng, vị trí địa lý gần các trung tâm công nghiệp lớn, có các tuyến đường huyết mạch chạy qua như Quốc lộ 13, 14, đường Hồ Chí Minh, thị xã Chơn Thành có vị trí thuận lợi về giao thương hàng hóa, có vai trò kết nối tỉnh Bình Phước với các trung tâm phát triển như TP.HCM, Bình Dương và Vương quốc Campuchia (qua cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị thị xã Chơn Thành cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt nghiêm túc, thực hiện tốt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng; đặc biệt là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, Kế hoạch 5 năm; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đô thị, phát triển đô thị bền vững như: “xây dựng văn hoá và lối sống đô thị văn minh”, “hoàn thiện quy hoạch không gian văn hóa đô thị đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của người dân, chú trọng tạo dựng nhiều không gian văn hóa công cộng”, “ưu tiên nguồn lực phát triển các dịch vụ xã hội cơ bản tại đô thị, nhất là dịch vụ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ”, “khuyến khích các đô thị xây dựng thương hiệu gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế của đô thị. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tại các đô thị”… .
Thứ hai, chú trọng công tác xây dựng Đảng, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quan tâm xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân ngay từ cơ sở; tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã, coi đây nguồn lực quan trọng để thị xã có thể phát triển nhanh và bền vững.
Thứ ba, tập trung xây dựng Chơn Thành trở thành một đô thị với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, văn minh, hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh; từng bước phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, có bản sắc riêng với điểm nhấn của một đô thị trẻ, năng động. Khẳng định được vai trò là trung tâm công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bình Phước; đồng thời đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, phấn đấu hoàn thành các tiêu chuẩn của đô thị loại III vào năm 2030 theo định hướng tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước. Đặc biệt, cần chú trọng công tác quy hoạch và kế hoạch phát triển của thị xã; huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ; quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái; có định hướng, kế hoạch cụ thể nhằm thu hút, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, coi đây là vấn đề then chốt, quyết định sự thành công trong chiến lược phát triển bền vững của thị xã; quan tâm bố trí, đầu tư nguồn lực trong giai đoạn tới để xây dựng, bổ sung các cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu cũng như để đáp ứng nhu cầu mới phát sinh do việc tập trung dân cư, phát triển mới các khu công nghiệp, khu đô thị.
Thứ tư, tiếp tục phát huy nội lực, tiềm năng và thế mạnh địa phương, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư để phát triển và nâng cao chất lượng đô thị; đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chủ động tháo gỡ khó khăn, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện cho doanh nghiệp, người dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Thứ năm, tăng trưởng kinh tế cần gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, qua đó, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; bảo đảm giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, công tác xóa đói giảm nghèo, công tác đền ơn đáp nghĩa tại địa phương. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm./.