Trên địa bàn tỉnh Bình Phước có các hệ thống sông, suối với 4 sông lớn: sông Bé, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Măng và gần 100 con sông, suối khác. Ngoài ra còn một số hồ nước tự nhiên dưới dạng các bàu chứa nước. Do đặc điểm địa hình, đặc điểm các sông, suối và do nhu cầu sử dụng nước nên Nhà nước đã xây dựng một số đập chắn tạo thành các hồ lớn trong vùng như hồ Dầu Tiếng (ở phía tây, giáp với tỉnh Tây Ninh) trên sông Sài Gòn; hồ Thác Mơ, hồ thủy điện Cần Đơn, hồ Sóc Miêng trên sông Bé; hồ Suối Giai, hồ Suối Lam, hồ Suối Cam, hồ Sóc Xiêm và một số hồ nhỏ ở đầu nguồn khác.
Toàn tỉnh có 6 nhóm đất, trong đó nhóm đất đỏ vàng có tỷ trọng cao nhất, chiếm đến 80,19% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, kế đến là nhóm đất xám 13,20%, nhóm đất dốc tụ 2,99%, nhóm đất đen 0,26%, nhóm đất phù sa 0,12% và cuối cùng là nhóm đất xói mòn trơ sỏi đá chỉ chiếm 0,04% diện tích tự nhiên. Chỉ riêng hai nhóm đất: đỏ vàng và xám đã chiếm đến 93,39% tổng diện tích tự nhiên; đặc biệt trong đó, hai loại đất nâu đỏ và nâu vàng trên bazan, là những đất có nhiều ưu điểm cho sử dụng nông nghiệp có quy mô lên đến 442.277ha (64,34% diện tích tự nhiên).
Khoáng sản ở Bình Phước tương đối phong phú về chủng loại và đa dạng về loại hình, nguồn gốc. Trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã phát hiện được 91 mỏ, điểm quặng, điểm khoáng hóa với 20 loại khoáng sản thuộc 4 nhóm: vật liệu xây dựng, kim loại, phi kim loại và nhóm nguyên liệu. Trong đó nguyên vật liệu xây dựng (đá, cát, sét, laterit, puzơlan) kaolin, đá vôi... là loại khoáng sản có triển vọng và quan trọng nhất của tỉnh. Tài nguyên khoáng sản được phân bố rải rác chủ yếu vùng phía tây và một ít ở trung tâm.
Vị trí của rừng Bình Phước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái tại điều kiện tốt cho việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, các tỉnh lân cận nói riêng như: Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM,… Rừng Bình Phước có tác dụng tham gia điều hòa dòng chảy của các con sông lớn như sông Bé, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Giảm lũ lụt đột ngột đối với các tỉnh vùng ven biển và đảm bảo nguồn sinh thủy trong mùa khô.
Hệ thống điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt được đảm bảo. Có 99% hộ dân sử dụng điện. Toàn tỉnh có 06 nhà máy thủy điện với 297 MW, đang triển khai các dự án điện mặt trời với công suất thiết kế 850 MWp, cuối năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động 01 dự án với công suất khoảng 450 MWp và vận hành đường dây 220 kV Lộc Ninh - Bình Long 2 để đấu nối các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện Lộc Ninh hòa hệ thống điện lưới quốc gia.
Kết cấu hạ tầng hệ thống thủy lợi và cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh được quan tâm đầu tư nâng cấp, cơ bản đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt tập trung cho người dân toàn tỉnh, cung cấp nguồn nước tưới cho các vùng chuyên canh nông nghiệp. Có 98% dân số nông thôn và 99% dân số đô thị sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (đạt mục tiêu Nghị quyết).
Kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất các lĩnh vực xã hội như: Trường học, y tế, các trạm trại…. thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; hoạt động hiệu quả.