Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ với diện tích 6.873,6 km2, là nơi cư trú của 43 thành phần dân tộc; Có 3 huyện biên giới là Bù Gia Mập, Bù Đốp và Lộc Ninh với chiều dài đường biên giới 260,433km, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Campuchia (Mondulkiri, Kratié, Tabong Khmum). Hiện nay, tỉnh Bình Phước đang quản lý 4 cửa khẩu và một lối mở, trong đó có một cửa khẩu quốc tế (Cửa khẩu Hoa Lư). Là địa bàn trung chuyển giữa Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, nên Bình Phước có địa hình rất đa dạng, gồm cả địa hình cao nguyên, đồi núi và đồng bằng.
Trong 05 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Bình Phước thực hiện chương trình đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã đưa quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, tốc độ tăng trưởng đạt khá; chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững; cơ cấu chuyển dịch đúng hướng. Đặc biệt công nghiệp, thương mại và dịch vụ đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Chương trình phát triển công nghiệp - xây dựng đạt kết quả cao, đóng góp 40,5% giá trị trong cơ cấu kinh tế. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 95% trong toàn ngành công nghiệp. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 13,91%. Trên địa bàn tỉnh có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha trong đó, có 05 khu đã lấp đầy; đã quy hoạch 40 cụm công nghiệp với diện tích 1.600ha. Chính sách thu hút đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm nên ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn có năng lực đến đầu tư tại tỉnh.
Chương trình phát triển thương mại - dịch vụ, xuất - nhập khẩu, mặc dù có nhiều khó khăn, chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan, song cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,38% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước thực hiện 28.166,29 tỷ đồng, tăng 15,12% so với cùng kỳ năm trước. Sàn giao dịch nông sản Bình Phước được thành lập và hroạt động đạt kết quả bước đầu trong giao dịch, hợp đồng cung ứng sản phẩm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2021 đang phục hồi và tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm trước, tuy tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay vẫn diễn ra phức tạp nhưng đã được kiểm soát chặt chẽ nên các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động ổn định và có kinh nghiệm sản xuất trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng phát triển chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu toàn ngành.
Trong 6 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh có 620 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 11.930 tỷ đồng, tăng 18,8% về số doanh nghiệp và tăng 64% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ, đạt 52% kế hoạch năm; có 63 doanh nghiệp đăng ký giải thể tăng 48% so với cùng kỳ, 210 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 5,2% so với cùng kỳ, 176 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại. Lũy kế đến nay có 9.303 doanh nghiệp đăng ký thành lập, với số vốn đăng ký là 162.039 tỷ đồng; có 25 hợp tác xã thành lập mới, đạt 125% kế hoạch năm, lũy kế toàn tỉnh đến nay có 254 hợp tác xã.
Chương trình phát triển du lịch được triển khai với nỗ lực cao và hiệu quả, du lịch khởi sắc rõ nét; hạ tầng du lịch được đẩy mạnh đầu tư. Hiện có 07 dự án trọng điểm về phát triển du lịch với tổng số vốn thu hút đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng trong đó, 02 dự án đã hoàn thành (dự án khu Di tích lịch sử và du lịch sinh thái Căn cứ Bộ chỉ huy miền - Tà Thiết, khu bảo tồn văn hóa, dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo).
Phát huy những thành tựu đã đạt được, Bình Phước đang nỗ lực phấn đấu cùng cả nước vươn lên thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội, với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp, thuộc nhóm các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam Bộ.
Bình Phước đã và đang là địa điểm đầu tư tin cậy của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.