Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ bảy - 08/07/2023 08:52 454
Ngày 27/8/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 4438/BTTTT-KHTC về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc CTMTQG PTKTXH vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: 2021-2025.
Theo đó, nội dung hướng dẫn thực hiện chương trình như sau:
Về nguyên tắc thực hiện:
- Quán triệt thực hiện đầy đủ các nguyên tắc quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP.
- Đảm bảo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao năng lực công tác thông tin tuyên truyền và thông tin đối ngoại góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển (Viết tắt là Quyết định số 1191/QĐ-TTg) và không trùng lặp với việc thực hiện bằng nguồn vốn nhà nước ở các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án khác.
- Thông tin đối ngoại vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi phải góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của Việt Nam và góp phần giữ gìn, phát huy quan hệ hữu nghị, hợp tác phát triển với các quốc gia có chung đường Biên giới với Việt Nam.
- Có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan được giao kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
- Đảm bảo thực hiện công tác giám sát, đánh giá thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ trì nội dung thành phần (Bộ TTTT), cơ quan chủ chương trình (Ủy ban Dân tộc) và các cơ quan, tổ chức liên quan theo quy định của pháp luật.
Về mục tiêu thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
Mục tiêu thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện theo mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg. Trong phạm vi Chương trình giai đoạn 2021-2025, tập trung thực hiện các mục tiêu cụ thể sau:
- Cung cấp các tài liệu chính thống (bằng ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng nước ngoài và tiếng dân tộc thiểu số) nhằm phục vụ công tác thông tin đối ngoại cho các Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các huyện biên giới, các đồn Biên phòng.
- Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thông tin đối ngoại cho các lực lượng thông tin đối ngoại khu vực biên giới và các đồn Biên phòng.
Về nội dung thực hiện thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miến núi:
1. Sản xuất các sản phẩm thông tin phục vụ công tác thông tin đối ngoại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
a) Mục tiêu: Tăng cường nội dung thông tin đối ngoại tại các địa bàn huyện, xã có đường biên giới quốc gia để nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức và nhân dân trong công tác đối ngoại góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển;
b) Yêu cầu:
- Yêu cầu về nội dung:
+ Sản phẩm thông tin phải có nội dung phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.
+ Sản phẩm thông tin phải gắn với thực hiện mục tiêu thông tin đối ngoại khu vực biên giới, có nội dung thiết yếu, chuyên sâu, có ý nghĩa thực tiễn, có giá trị lan tỏa.
+ Phù hợp với tình hình thực tế và khả năng tiếp cận thông tin của nhân dân khu vực biên giới.
+ Không trùng lặp với việc thực hiện nhiệm vụ của các chương trình, đề án khác sử dụng nguồn vốn nhà nước.
- Về hình thức, ngôn ngữ thể hiện: Dễ tiếp cận đối với đối tượng tuyên truyền, phù hợp với điều kiện cụ thể của nhân dân khu vực biên giới quốc gia.
c) Nội dung thông tin, tuyên truyền:
- Chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
- Tuyên truyền công tác dân tộc, chính sách dân tộc về bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển của các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là khu vực biên giới, qua đó góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
- Tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút đầu tư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực biên giới.
- Các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc khu vực biên giới gắn với phát triển du lịch.
- Thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở vùng dân tộc thiểu số, gồm: các quyền kinh tế, quyền tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nước sạch và vệ sinh môi trường, nhà ở, thông tin, việc làm).
- Đấu tranh với các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, lợi dụng không gian mạng nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu vực biên giới; những nỗ lực, quyết tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
d) Hình thức sản phẩm thông tin đối ngoại:
Bản tin (thể hiện dưới dạng âm thanh, chữ viết, hình ảnh), tài liệu (thông tin chuyên đề, sổ tay nghiệp vụ), tờ rơi, tờ gấp, áp phích, thư viện điện tử, video clip và các sản phẩm thông tin điện tử khác. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác sản xuất các sản phẩm thông tin có chủ đề nội dung chuyên sâu, có giá trị, ý nghĩa lâu dài;
đ) Về ngôn ngữ: Căn cứ thực tế về nhu cầu, tập quán, sử dụng ngôn ngữ của nhân dân khu vực biên giới; các sản phẩm thông tin đối ngoại được sản xuất bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số, ngôn ngữ nước ngoài, ngôn ngữ các nước có chung đường biên giới với Việt Nam (tiếng Lào, tiếng Campuchia, tiếng Trung Quốc) phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền và thông tin đối ngoại;
e) Thực hiện in, nhân bản, phát hành, phát sóng, đăng các sản phẩm thông tin đối ngoại phục vụ đối tượng, địa bàn thụ hưởng; ưu tiên đối với vùng biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống;
g) Trên cơ sở nội dung sản phẩm thông tin đối ngoại do các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương tổ chức sản xuất và cung cấp bằng kinh phí ngân sách nhà nước; Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Công an và các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan triển khai lựa chọn và tổ chức chuyển ngữ bằng tiếng dân tộc, tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Campuchia, tiếng Trung Quốc; số hóa các tài liệu, tư liệu và đưa vào cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới;
h) Tổ chức thực hiện:
- Ở các cơ quan Trung ương: Các cơ quan được giao kinh phí thực hiện Tiểu dự án 10.1 theo quy định tại Phụ lục X kèm theo Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (bao gồm: Ủy ban Dân tộc, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), có trách nhiệm:
+ Xây dựng, đề xuất kế hoạch thực hiện nhiệm vụ gửi Bộ TTTT tổng hợp, báo cáo theo quy định (theo Biểu mẫu đính kèm Văn bản này)
+ Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định hiện hành;
+ Báo cáo kết quả thực hiện cho Bộ TTTT để tổng hợp, báo cáo theo quy định;
+ Gửi sản phẩm thông tin đối ngoại đã hoàn thành (dưới dạng số hóa) về Bộ TTTT (Cục Thông tin đối ngoại) để đưa vào cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới.
- Ở các địa phương: Căn cứ nguồn kinh phí của Chương trình do Trung ương phân bổ và nguồn kinh phí đối ứng của địa phương, chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với cơ quan có chức năng tham mưu cho UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác dân tộc:
+ Tham mưu cho UBND cấp tỉnh về công tác tổ chức triển khai xây dựng, trình cấp có thẩm quyền tại đia phương xem xét, phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ; gửi kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cho Bộ TTTT tổng hợp, báo cáo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo quy định (theo Biểu mẫu đính kèm Văn bản này).
+ Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ cho Bộ TTTT để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
+ Gửi sản phẩm thông tin đối ngoại đã hoàn thành (dưới dạng số hóa) về Bộ TTTT (Cục Thông tin đối ngoại) để đưa vào cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới.
2. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới
a) Mục tiêu: Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thông tin đối ngoại khu vực biên giới cho các Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức có nhu cầu sử dụng, nhất là các đồn biên phòng và các huyện, các xã khu vực biên giới;
b) Nội dung thực hiện: Xây dựng phần mềm, cơ sở dữ liệu, thuê dịch vụ công nghệ thông tin (nếu có) và duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thông tin đối ngoại;
c) Tổ chức thực hiện:
+ Bộ TTTT chủ trì xây dựng, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin đối ngoại phục vụ công tác chỉ đạo hoạt động thông tin đối ngoại trên phạm vi cả nước và khu vực biên giới; phối hợp với các cơ quan liên quan chuyển ngữ bằng tiếng Anh, tiếng Lào, tiếng Campuchia, tiếng Trung Quốc, tiếng dân tộc thiểu số, số hóa các tài liệu, sản phẩm thông tin, tuyên truyền để đưa vào cơ sở dữ liệu.
+ Các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh phối hợp cung cấp các sản phẩm thông tin phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại khu vực biên giới để phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu, đảm bảo đủ chức năng hỗ trợ phục vụ công tác thông tin đối ngoại, cung cấp thông tin định hướng và tài liệu đến các địa phương, các huyện, xã có đường biên giới, các đồn Biên phòng trên toàn tuyến biên giới.
3. Bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nghiệp vụ thông tin đối ngoại
a) Đối tượng:
- Cán bộ làm công tác quản lý, cán bộ chuyên trách, phụ trách công tác thông tin đối ngoại tại các Sở Thông tin và Truyền thông, cán bộ làm công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện; Lãnh đạo các huyện, các xã biên giới; cán bộ, công chức Phòng Văn hóa - Thông tin thuộc UBND cấp huyện.
- Lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí, các đài phát thanh, truyền hình địa phương; Trang thông tin điện tử thông tin đối ngoại của các sở, ban, ngành, UBND các cấp.
- Cán bộ Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố được phân công kiêm nhiệm, phụ trách thực hiện công tác thông tin đối ngoại; tập trung ưu tiên cán bộ làm công tác tuyên truyền, trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ tại các đồn biên phòng, cửa khẩu, cảng biển, tiếp xúc với người nước ngoài.
- Già làng, Trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
- Các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
b) Nội dung thực hiện:
- Xây dựng chương trình; biên soạn, số hóa, in, phát hành tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ thông tin đối ngoại cho các lực lượng tham gia hoạt động thông tin đối ngoại khu vực biên giới.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các đối tượng, bao gồm hình thức trực tuyến, trực tiếp và kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Thời gian tập huấn do các cơ quan chủ trì quyết định phù hợp với đối tượng, nội dung tập huấn; đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, tránh hình thức.
4. Tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, chương trình, giao lưu quốc tế giới thiệu về đất nước Việt Nam và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi
a) Nội dung thực hiện:
- Tổ chức tìm hiểu thực tế, trao đổi nghiệp vụ phục vụ công tác thông tin đối ngoại ở trong nước và địa bàn các nước có chung đường biên giới với Việt Nam.
- Tổ chức các chương trình, sự kiện lồng ghép hoạt động thông tin đối ngoại với các hoạt động giao lưu, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, văn hóa của các tỉnh biên giới với các tỉnh bạn có chung đường biên giới nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống với các quốc gia láng giềng; giới thiệu, quảng bá những thành tựu của Việt Nam đến nhân dân các nước có chung đường biên giới, tăng cường hợp tác kinh tế giữa các tỉnh biên giới.
- Tổ chức các hình thức tuyên truyền đối ngoại phù hợp nhân các dịp kỷ niệm, các sự kiện quan trọng giữa Việt Nam với các quốc gia có chung đường biên giới.
- Tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới với các nước láng giềng; giao lưu với lực lượng bảo vệ biên giới các nước có chung đường biên giới.
b) Tổ chức thực hiện: Các cơ quan Trung ương, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quản lý và các quy định của pháp luật. Các cơ quan Trung ương khi thực hiện nội dung này cần có sự phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương liên quan để đảm bảo hiệu quả, tránh trùng lặp./.

Tác giả bài viết: Mạnh Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập739
  • Hôm nay100,209
  • Tháng hiện tại4,240,507
  • Tổng lượt truy cập390,783,560
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây