Bình Phước là tỉnh miền núi thuộc miền Đông Nam Bộ, diện tích tự nhiên 6.876,76 km2 , nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ, cầu nối của vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và Campuchia. Dân số toàn tỉnh 1.049.394 người, có 40 thành phần dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, với 206.416 người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh; đồng bào DTTS sinh sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố; chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tập trung ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh. Toàn tỉnh có 58 xã thuộc vùng DTTS và miền núi, gồm: 05 xã khu vực III, 03 xã khu vực II, 50 xã khu vực I; 25 thôn đặc biệt khó khăn.
Từ năm 2019-2023, công tác tổ chức các đợt kiểm tra, phúc tra tình hình triển khai thực hiện Chương trình như sau:
- Năm 2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch kiểm tra , thành lập 05 Đoàn kiểm tra đi kiểm tra thực tế tại 07 huyện (Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Hớn Quản, Phú Riềng, Đồng Phú) để kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình năm 2019 và phúc tra nhu cầu đăng ký giảm nghèo đồng bào DTTS năm 2020.
- Năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch kiểm tra và thành lập Đoàn kiểm tra đi thực tế tại 6 huyện (Bù Đăng, Bù Gia Mập, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp, Phú Riềng) kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình năm 2020 và phúc tra nhu cầu đăng ký giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào DTTS năm 2021. Đồng thời, các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các cấp đã thực hiện lồng ghép tổ chức các đợt phúc tra kết quả rà soát hộ nghèo hằng năm.
- Năm 2022, UBMTTQVN tỉnh đã tổ chức giám sát trực tiếp việc thực hiện Chương trình tại 04 huyện, thị xã (Bình Long, Hớn Quản, Bù Đốp, Phú Riềng), mỗi huyện, thị xã giám sát tại 01 xã và giám sát trực tiếp đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Qua giám sát, đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót của các đơn vị.
- Năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức kiểm tra định kỳ Chương trình tại 02 huyện (Bù Đăng, Bù Gia Mập); thực hiện lồng ghép nắm tình hình công tác dân tộc, kiểm tra chính sách dân tộc, thăm, tặng quà cho đồng bào DTTS,…
Đồng thời, HĐND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh thường xuyên tổ chức giám sát việc thực hiện Chương trình hằng năm và thẩm định hồ sơ đối tượng được thụ hưởng theo quy định; các ngành theo lĩnh vực được phân công, các địa phương thụ hưởng Chương trình đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, từ việc điều tra khảo sát, bình xét hộ nghèo đến việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ phải đảm bảo chặt chẽ, khách quan, chính xác để nắm rõ tình hình cụ thể của từng hộ nghèo đồng bào DTTS về đối tượng, điều kiện hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân, nhu cầu hỗ trợ, giải pháp thực hiện, trên tinh thần rõ:“Rõ đối tượng, rõ hoàn cảnh, rõ chính sách hỗ trợ, rõ kết quả”.
Ngoài ra, tùy thuộc vào nhiệm vụ được phân công, các ngành cũng đã quan tâm thực hiện, lồng ghép việc kiểm tra, hướng dẫn kịp thời để các địa phương thực hiện hiệu quả từng chính sách của Chương trình. Nhất là Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động chính sách tín dụng định kỳ và đột xuất (quản lý chặt chẽ nguồn vốn tín dụng từ bình xét, sử dụng vốn đến khi trả nợ vốn vay).