Kết quả điều hành giá phù hợp với kịch bản được dự báo

Chủ nhật - 30/06/2024 22:26
Sáng 28/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành giá của Chính phủ đã chủ trì phiên họp tổng kết, đánh giá công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát 9 tháng đầu năm 2018 và dự báo, kiến nghị điều hành giá những tháng cuối năm.
Kết quả điều hành giá phù hợp với kịch bản được dự báo
Sáng 28/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Điều hành giá của Chính phủ đã chủ trì phiên họp tổng kết, đánh giá công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát 9 tháng đầu năm 2018 và dự báo, kiến nghị điều hành giá những tháng cuối năm.

Kiểm soát tốc độ tăng CPI


Theo báo cáo của nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo, mặt bằng giá tháng 9/2018 chịu tác động bởi các yếu tố như giá một số loại nhiên liệu xăng dầu, LPG tăng; giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình; một số mặt hàng khác còn lại cơ bản không có biến động lớn. Dự báo chỉ số giá CPI tháng 9/2018 có thể tăng trong khoảng 0,5-0,6% so với tháng 8/2018, tăng 3,88 -3,99% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 3,1-3,2% so với tháng 12/2017.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp
9 tháng đầu năm, CPI bình quân biến động theo hướng tăng dần qua các tháng từ mức 2,65% (tháng 1) tiến dần đến mức 3,01% (bình quân 5 tháng), tăng với tốc độ nhanh hơn trong 2 tháng tiếp theo lên mức 3,45% (bình quân 7 tháng) và tăng chậm lại trong 2 tháng gần đây, dự kiến chạm mức 3,56-3,57% (bình quân 9 tháng).
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 9 tháng đầu năm tương đối sát với dự báo, trong đó, một số yếu tố làm gia tăng sức ép lên mặt bằng giá mang tính quy luật hàng năm như giá một số mặt hàng tăng cao vào dịp lễ, Tết và nhanh chóng giảm trở về bình thường sau Tết. Trong các tháng gần đây, mặt bằng giá thị trường trong nước chịu áp lực lớn từ biến động tăng cao của giá xăng dầu thế giới; giá thịt lợn hồi phục và hiện đang ở mức cao; giá LPG tăng theo diễn biến giá thế giới; giá vật liệu xây dựng tăng trong các tháng gần đây; giá điện nước lũy tiến tăng vào mùa nắng nóng, giá một số dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng trong các tháng cao điểm mùa du lịch…
Về tác động của việc điều hành giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường: Giá dịch vụ y tế tăng 2,54% trong tháng 4 nhưng giảm 7,58% trong tháng 7 nên tổng tác động làm giảm CPI trong 9 tháng đầu năm; giá dịch vụ giáo dục tăng tập trung từ tháng 8 và tháng 9 là thời điểm bắt đầu năm học mới. Nhìn chung, tuy CPI trong các tháng gần đây có dấu hiệu tăng trở lại nhưng tình hình lạm phát 9 tháng đầu năm diễn biến vẫn theo như dự báo từ đầu năm.
Công tác quản lý, điều hành giá trong 9 tháng đầu năm đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá quan tâm và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; các bộ, ngành, địa phương đã chủ động trong thực hiện các giải pháp, vì vậy đã góp phần tích cực trong việc kiểm soát tốc độ tăng CPI, tạo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao. Các địa phương đã chủ động trong công tác phối hợp điều hành, tính toán kịch bản chỉ số giá phù hợp, kịp thời đề xuất các giải pháp ứng phó cho Chính phủ và Ban Chỉ đạo điều hành giá để ổn định mặt bằng giá cả trong nước, qua đó góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện các biện pháp kiểm soát lạm phát trong 9 tháng qua, bám sát thực tiễn, tăng tính dự báo và tính chủ động, diễn biến của lạm phát tháng 9 và 9 tháng cơ bản trùng khớp với dự báo từ đầu năm đến nay. Các bộ, ngành, địa phương đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp, điều hành sâu sát, khoa học, quyết liệt do đó đạt được nhiều kết quả tích cực trong kiểm soát lạm phát.
“CPI tháng 9 dù là tháng cao điểm trong khai giảng năm học mới, giá học phí, dịch vụ giáo dục tăng cùng với giá dầu thế giới tăng cao, nhưng chỉ tăng 0,59% so với tháng trước, thấp hơn dự báo, là thành công lớn trong điều hành”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lạm phát bình quân của 9 tháng năm 2018 chỉ tăng 3,57% so với bình quân của năm 2017. Lạm phát cơ bản bình quân của tháng 9 chỉ tăng 0,14% so với tháng trước, lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng của 2018 chỉ tăng 1,41% (mục tiêu đặt ra là 1,6-1,8%).
Cùng với diễn biến giá, diễn biến trên thị trường chứng khoán cũng đạt được nhiều kết quả rất tích cực, góp phần ổn định chung cho nền kinh tế vĩ mô, tác động tích cực đến đầu tư kinh doanh và tăng trưởng.
Toàn cảnh phiên họp
Tiếp tục chủ động trong điều hành giá
Theo Phó Thủ tướng, từ nay đến cuối năm chỉ số CPI vẫn còn thách thức nhưng trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành chủ động, đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá, điều hành lạm phát cơ bản trong khoảng 1,5 – 1,6%.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương, Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, nhất là vào mùa rét, sử dụng Quỹ bình ổn giá một cách phù hợp trên cơ sở Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI nói chung. Sớm nghiên cứu giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng sinh học E5, phấn đấu tăng tỷ trọng sử dụng nhiên liệu sinh học so với tổng lượng cung xăng dầu ra thị trường, đáp ứng hai mục tiêu bảo vệ môi trường và giảm mặt bằng giá xăng dầu. Trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến và tỷ giá tăng cao, có thể sử dụng Quỹ bình ổn giá và ngừng trích lập quỹ.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đẩy mạnh điều hòa cung cầu đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là đối với sản phẩm thịt lợn, phối hợp với Bộ Công Thương có giải pháp bình ổn giá thực phẩm thành phẩm, khắc phục tình trạng mất cân đối cục bộ, tâm lý kỳ vọng, “găm” hàng chờ giá cao như hiện nay; theo dõi sát dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan rộng ở Trung Quốc, không để ảnh hưởng đến đàn lợn trong nước; cùng với các cơ quan hữu quan xúc tiến các thủ tục kiểm dịch động, thực vật, nhất là lương thực, thực phẩm sang các tỉnh của Trung Quốc.
Đối với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức tốt đấu thầu thuốc tập trung trong kế hoạch 2018, sớm chuẩn bị khung khổ chính sách đấu thầu trong năm 2019, kiên quyết thí điểm đấu thầu vật tư y tế tại Bộ Y tế. Bộ Y tế khẩn trương ban hành thông tư để kết cấu chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế ngay trong năm 2018.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính, NHNN phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ, tiếp tục điều hòa tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước, làm cho lượng tiền được lưu thông, giảm áp lực lạm phát. Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước và hệ thống tài chính địa phương tăng cường hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành, không để dồn vào cuối năm và đầu năm.
Bộ Thông tin và truyền thông bên cạnh kiểm soát giá cả của các dịch vụ do Bộ quản lý, cần tăng cường tuyên truyền, nhất là kiểm soát thông tin trên mạng, hạn chế thông tin không đúng, ảnh hưởng tâm lý người sản xuất và người tiêu dùng.
Về đánh giá và xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài chính, Công Thương, NHNN, Tổng cục Thống kê và các cơ quan đánh giá sát thực tình hình, bám sát diễn biến, trình Chính phủ kịch bản điều hành của năm 2019 với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4%, chú ý đến 3 loại tác động là giá cả thị trường thế giới, điều hành của Nhà nước và yếu tố thiên tai.
V.B
Nguồn tin: www.mof.gov.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,186
  • Hôm nay218,718
  • Tháng hiện tại6,931,582
  • Tổng lượt truy cập490,795,020
KQ TTHC
sổ tay đảng viên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây