Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ ba - 14/05/2019 16:16
Ngày 9/5/2019, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị định số 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư và Tập huấn lập hồ sơ điện tử theo Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự Hội nghị có Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng; Phó Cục trưởng Đỗ Văn Thuận; các đại biểu đại diện của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, các Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng Công ty nhà nước, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền Thông, Chi Cục Văn thư - lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ Lịch sử các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Qua đó, ngày 8 tháng 4 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 8 tháng 02 năm 2010. Đây là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất hiện nay về công tác văn thư, đặt ra những cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý thống nhất công tác văn thư trong phạm vi toàn quốc. Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đạt được qua 15 năm thực hiện Nghị định (2004 - 2019), xác định rõ những nguyên nhân dẫn đến thành công và chỉ ra những tồn tại trong việc thực hiện các nhiệm vụ công tác văn thư trong thời gian qua; đồng thời, triển khai Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 7 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về nội dung lập hồ sơ điện tử, thông qua tập huấn giới thiệu quy trình, các giải pháp ký số văn bản điện tử, lập và lưu trữ hồ sơ điện tử. Trình bày báo cáo tại trong phiên khai mạc Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đỗ Văn Thuận cho biết, qua 15 năm thực hiện Nghị định số 110/2004/NĐ-CP và Nghị định số 09/2010/NĐ-CP của Chính phủ, công tác văn thư, lưu trữ nói chung và công tác văn thư nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác văn thư đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của lãnh đạo các cấp và công chức, viên chức về vai trò của công tác văn thư đối với sự chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc hàng ngày của cơ quan, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật về công tác văn thư. Hệ thống văn bản quản lý nhà nước và văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về công tác văn thư ngày càng được hoàn thiện; chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các tỉnh ngày càng được nâng cao; việc quản lý văn bản, quản lý và sử dụng con dấu đúng quy định. Theo dự thảo Báo cáo của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước: Trung bình văn bản đến 1 năm đối với các bộ, ngành là 38.827 văn bản; UBND cấp tỉnh là 37.036 văn bản; cấp huyện là 12.422 văn bản; cấp xã là 6.970 văn bản. Tại các tỉnh, văn bản đến giấy chiếm khoảng 40%, văn bản đến điện tử chiếm khoảng 30%, văn bản đến điện tử kèm giấy chiếm khoảng 30%. Trung bình mỗi một năm các bộ, ngành, cơ quan Trung ương ban hành 15.146 văn bản; UBND cấp tỉnh là 19.955 văn bản, cấp huyện là 10.405 văn bản, cấp xã là 8.703 văn bản. Đồng thời, cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện công tác văn thư đã được quan tâm đầu tư, tập trung vào các công việc trọng tâm như: đầu tư, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn thư, phục vụ cho hoạt động điều hành, tác nghiệp của các cơ quan, tổ chức. Tổ chức, biên chế công chức, viên chức làm công tác văn thư ở các cấp bước đầu được tăng cường; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ được chú trọng; trình độ chuyên môn của cán bộ văn thư, lưu trữ được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức và xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị định số 110/2004/NĐ-CP tồn tại khó khăn, bất cập xuất phát từ các yêu cầu thực tế phát sinh trong công tác văn thư tại các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể như, Nghị định số110/2004/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư được ban hành chủ yếu đáp ứng được yêu cầu về quản lý văn bản, tài liệu giấy, chưa đáp ứng được yêu cầu phát sinh trong thực tiễn ban hành và quản lý văn bản điện tử, bao gồm các quy định như: quản lý văn bản, lập hồ sơ điện tử, giá trị pháp lý của văn bản điện tử, các hình thức sao từ văn bản điện tử sang văn bản giấy, từ văn bản giấy sang văn bản điện tử; quy định về quản lý và sử dụng thiết bị lưu khóa bí mật và chứng thư số trong công tác văn thư chưa đáp ứng kịp thời theo yêu cầu thực tiễn. Việc tuân thủ pháp luật trong công tác văn thư của lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan còn chưa nghiêm, chưa gắn trực tiếp với trách nhiệm và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư còn hạn chế, chủ yếu mới đáp ứng yêu cầu quản lý văn bản và điều hành công việc, chưa đáp ứng được yêu cầu của lập hồ sơ công việc. Đây là nội dung quan trọng vì nếu không được triển khai sớm ở các bộ ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ dẫn đến tình trạng không có hồ sơ điện tử để giao nộp vào Lưu trữ cơ quan, Lưu trữ lịch sử trong bối cảnh tài liệu điện tử đang từng bước thay thế tài liệu giấy. Hội nghị đã nhận được những ý kiến đóng góp của đại diện các bộ, ngành và địa phương dựa trên tình hình thực tiễn đặc thù của từng đơn vị nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả công tác văn thư trong thời gian đến. Các đại biểu cũng thảo luận, góp ý về hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số110/2004/NĐ-CP nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại, tiếp tục hoàn thiện công tác văn thư trên phạm vi toàn quốc; đồng thời, trao đổi, thảo luận về các giải pháp ký số văn bản điện tử, lập và lưu trữ hồ sơ điện tử theo tinh thần Chỉ thị số 35/CT-TTg. Nhân dịp này, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng đã trao tặng Giấy khen cho 29 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Nghị định số110/2004/NĐ-CP về công tác văn thư.
Tác giả: Thái Văn Kiện - Chi cục Văn thư - Lưu trữ