Hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo

Thứ năm - 11/07/2019 08:54
          Ngày nay, với chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, sinh sống, học tập, công tác ngày càng nhiều, trong số đó có bộ phận không nhỏ là người theo tôn giáo. Có những tôn giáo người nước ngoài tin theo đã được Nhà nước Việt Nam công nhận hoặc thừa nhận như Phật giáo, Công giáo, Hồi giáo, một số hệ phái Tin Lành,… nhưngcũng có những tôn giáo chưa được Nhà nước Việt Nam công nhận về tổ chức. Cùng với xu hướng hội nhập này, nhiều tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ thuộc các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cũng có các mối quan hệ ở các mức độ khác nhau với các tổ chức, cá nhân tôn giáo nước ngoài. Từ thực tế này đặt ra một yêu cầu cần phải có những quy định của pháp luật phù hợp với đời sống thực tiễn của hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài. Vậy thế nào là hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài; các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài hiện nay được quy định trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo (sau đây gọi chung là Luật) ra sao; so với các quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản hướng dẫn thi hành Pháp lệnh (sau đây gọi chung là Pháp lệnh) có gì mới không;… đó là mục tiêu mà bài viết này đặt ra.
Thế nào là hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài?
Trước hết, xoay quanh cách hiểu về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài. Thời gian qua cách hiểu về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài đã được nhiều nhà quản lý, nguyên làm công tác quản lý, nhà khoa họcquan tâm, nghiên cứu, đặc biệt trong quá trình xây dựng Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Có ý kiến cho rằng chỉ cần hiểu thế nào là yếu tố nước ngoài từ đó sẽ suy ra được thế nào là hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên hiểu trọn vẹn cả cụm từ hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài thay vì chỉ giải thích yếu tố nước ngoài như trên. Theo quy định của Luật, hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài mặc dù chưa được giải thích, nhưng qua các quy định liên quan đến gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài, sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam,… có thể hiểu hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài là hoạt động tôn giáo có ít nhất một bên tham gia là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài hoặc việc xác lập, thay đổi, chấm dứt hoạt động xảy ra tại nước ngoài.
Theo quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo thì hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài là một trong những nội dung được quan tâm xây dựng và có nhiều điểm mới, được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đánh giá là điểm sáng, tiến bộ của Luật so với các quy định của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh, Luật đã có nhiều đổi mới, bổ sung, cụ thể các quy định như sau:
1. Sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam:
          Pháp luật quy định về quyền sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, đó là được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở tôn giáo như tín đồ tôn giáo Việt Nam. Nếu họ có nhu cầu tập trung để sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở tôn giáo hợp pháp ở Việt Nam thì có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do. Bên cạnh quyền này, Pháp lệnh cũng quy định nghĩa vụ của người nước ngoài phải tuân thủ các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật có liên quan. Trong thực tế khi thực hiện quyền này, nhiều cơ sở tôn giáo của Việt Nam không đủ rộng; chức sắc, nhà tu hành không biết nhiều ngôn ngữ để giúp cho người nước ngoài thực hiện các lễ nghi tôn giáo; nhiều tôn giáo người nước ngoài theo nhưng hiện ở Việt Nam chưa có hoặc chưa được công nhận;có sự khác biệt về nghi lễ, giáo lý, đức tin giữa tôn giáo họ theo với tôn giáo ở Việt Nam nên mong muốn Nhà nước Việt Nam cho phép mượn hoặc thuê địa điểm không phải là cơ sở tôn giáo để sinh hoạt tôn giáo riêng.… điều này đã hạn chế quyền sinh hoạt tôn giáo tập trung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài.
Cũng nội dung này, hiện Điều 47 của Luật quy định: Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác gửi hồ sơ đề nghị đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm dự kiến sinh hoạt tôn giáo tập trung. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
Như vậy, có thể thấy quy định của Luật so với Pháp lệnh đã mở rộng thêm quyền cho người nước ngoài có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung, đó là bên cạnh việc họ có thể tập trung sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo của Việt Nam thì còn có thể sinh hoạt tại địa điểm hợp pháp khác. Và tại Điều 2 của Luật cũng đã quy định thế nào là địa điểm hợp pháp? Tại khoản 15 Điều 2 của Luật quy định địa điểm hợp pháp là đất, nhà ở, công trình mà tổ chức hoặc cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật. Quy định này đã khắc phục bất cập của Pháp lệnh.
2. Hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam:
Trên cơ sở kế thừa các quy định của Pháp lệnh, Luật đã quy định chủ thể được mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo là tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (Pháp lệnh quy định chủ thể là tín đồ, nhà tu hành, chức sắc). Luật cũng đã bổ sung hoạt động mà tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam được thực hiện, đó là “hoạt động tôn giáo”. Và để tránh các cá nhân mạo danh chức sắc tôn giáo nước ngoài, Luật quy định thành phần hồ sơ bổ sung“Văn bản chứng minh chức danh hoạt động tôn giáo của người được mời”.
Về thẩm quyền chấp thuận được giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nếu mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện các hoạt động tôn giáo ở một tỉnh; cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương nếu mời tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam để thực hiện hoạt động tôn giáo ở nhiều tỉnh hoặc hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo.
3. Việc tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo cho tổ chức của mình:
Pháp lệnh chưa có quy định cho tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo cho tổ chức mình. Việc không quy định này đã không tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức khi có nhu cầu được giao lưu, học hỏi từ bên ngoài.
Khắc phục tình trạng này, Luật đã quy định tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền này, tổ chức phải tuân thủ các quy định tại khoản 2, 3 Điều 48 của Luật và chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo phải tuân thủ quy định tại khoản 6 Điều 48 của Luật. Đây là quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo.
4. Việc mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo của nhóm người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tập trung:
Khác với quy định của Pháp lệnh, Luật quy định nhóm người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tập trung được trực tiếp mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo khi có nhu cầu (Pháp lệnh quy định việc mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo phải thông qua tổ chức tôn giáo). Khi thực hiện quyền này, nhóm người nước ngoài có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 48 đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương. Chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài khi giảng đạo cho nhóm người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tập trung phải tuân thủ quy định tại khoản 6 Điều 48 của Luật.
5. Người nước ngoài học tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam:
Trên cơ sở các quy định của Pháp lệnh, Luật quy định người nước ngoài có thể gửi hồ sơ (khi đang ở tại Việt Nam hoặc ở nước ngoài) đăng ký học tại các cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi đã vào học người nước ngoài phải là người cư trú hợp pháp ở Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tự nguyện đăng ký học và được cơ sở đào tạo tôn giáo đề nghị với cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương có trách nhiệm trả lời bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
6. Tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài:
Nếu như Pháp lệnh quy định tổ chức, cá nhân tôn giáo khi tham gia hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo tôn giáo ở nước ngoài có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở trung ương, thì Luật quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi cử chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài mới là chủ thể có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo được sự quản lý thống nhất, có tổ chức cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.
7. Phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài:
Luật quy định các trường hợp phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài bao gồm tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị (chức sắc) cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; tổ chức tôn giáo nước ngoài phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử cho công dân Việt Nam ở Việt Nam.
Đối với trường hợp tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Đây là quy định mới, phù hợp với thực tiễn hoạt động tôn giáo, với xu thế hội nhập và thông lệ quốc tế. Quy định này đã tạo điều kiện cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đề nghị phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị khi đáp ứng các điều kiện Luật định như: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; được đào tạo tôn giáo tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam; tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định điều kiện của người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc tại khoản 2 Điều 32; trách nhiệm của tổ chức tôn giáo có người được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử hoặc phong phẩm, suy cử phẩm vị cho người nước ngoài; trách nhiệm đăng ký của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đối với trường hợp công dân Việt Nam được tổ chức tôn giáo nước ngoài phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử ở nước ngoài khi về Việt Nam làm chức sắc, chức việc.
8. Hoạt động quan hệ quốc tế của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ:
Luật quy định quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ được thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế nhưng phải theo hiến chương của tổ chức tôn giáo và phù hợp với pháp luật Việt Nam; khi thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và pháp luật của quốc gia có liên quan.
9. Gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài:
Đây là quy định mới của Luật, mặc dù trong thực tiễn hoạt động của các tổ chức tôn giáo đã xuất hiện các hoạt động này nhưng Pháp lệnh chưa quy định. Để phù hợp với tình hình thực tiễn, Luật quy định trước khi gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.
Bên cạnh đó, Luật cũng quy định khi chấm dứt tham gia tổ chức tôn giáo nước ngoài, tổ chức tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày chấm dứt.
Có thể nói, các quy định của Luật liên quan đến hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài đã được quy định theo hướng mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho cả các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài. Bên cạnh việc quy định mang tính nguyên tắc về quyền và nghĩa vụ của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, mọi người, mỗi người, người chưa thành niên, người bị hạn chế quyền công dân, Luật đã quy định quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam (chương 2). Trên cơ sở các quy định mang tính nguyên tắc này, Luật dành 01 mục với 07 điều quy định về hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài, trong đó điểm mới tiến bộ phải kể đến đó là việc tạo điều kiện cho nhóm người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tập trung có thể thuê, mượn địa điểm để sinh hoạt tôn giáo; người nước ngoài có thể được tổ chức tôn giáo ở Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị; tổ chức tôn giáo ở Việt Nam có thể gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài…Với các quy định phù hợp tại Luật, hy vọng khi các tổ chức, cá nhân tôn giáo trong và ngoài nước áp dụng sẽ thuận lợi, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo./.
 

Tác giả: Phạm Quang Hà – Ban Tôn giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,620
  • Hôm nay365,329
  • Tháng hiện tại9,751,073
  • Tổng lượt truy cập455,146,195
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây