Công tác quản lý Nhà nước về đất đai Tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Thứ sáu - 28/02/2020 15:22
Vừa qua Bộ Nội vụ có ý kiến chỉ đạo về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo. Văn phòng UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện. Theo đó, Bộ Nội vụ chỉ đạo tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng tại địa phương, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo trong năm 2021. Ban Tôn giáo với vai trò là cơ quan tham mưu trực tiếp giúp Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xem xét, cho ý kiến để Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về đất đai tôn giáo.
1. Khái quát tình hình tôn giáo
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 08 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Hồi giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam và đạo Baha’i với tổng số 351 cơ sở tôn giáo, 322 chức sắc, 2.098 chức việc, 239.193 tín đồ, trong đó: Phật giáo có khoảng 61.738 tín đồ, 146 chức sắc, 757 chức việc, 175 cơ sở tôn giáo; Công giáo 107.499 tín đồ, 69 chức sắc, 563 chức việc, hơn 200 tu sỹ, 102 cơ sở tôn giáo; Tin lành có 35 hệ phái, 11 hệ phái đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân và cấp đăng ký hoạt động, với 62 cơ sở thờ tự, 82 chức sắc, 616 chức việc, với khoảng 65.003 tín đồ; Cao Đài có 08 cơ sở, khoảng 4.194 tín đồ, 19 chức sắc, 137 chức việc; Các tôn giáo khác: Hồi giáo có 559 tín đồ, 06 chức sắc, 04 chức việc, 02 cơ sở thờ tự; Phật giáo Hòa Hảo có 121 tín đồ; Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam có 96 tín đồ, 12 chức việc; đạo Baha’i có 33 tín đồ.
2. Thực trạng sử dụng đất đai tôn giáo
Công tác quản lý nhà, đất liên quan đến tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước được các địa phương quan tâm thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, từng bước đảm bảo nhu cầu về nhà, đất và nơi sinh hoạt tôn giáo cho chức sắc, tín đồ các tổ chức tôn giáo. Thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo trên địa bàn tỉnh Bình Phước, việc giao đất, cấp GCNQSD đất tôn giáo do Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định trên cơ sở lấy ý kiến phối hợp của Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo). Kết quả đến nay, về cơ bản các cơ sở tôn giáo hoạt động hợp pháp đã được giao đất, cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất đúng theo quy định của pháp luật; đa số các cơ sở tôn giáo đã chấp hành tốt việc sử dụng đất, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự đúng quy định.
Tính đến tháng 1/2020, UBND tỉnh đã xem xét giao đất, cấp GCNQSD đất cho 302/351 cơ sở tôn giáo với tổng diện tích 2.182.726m2, cụ thể: Phật giáo 962.856m2; Công giáo 1.091.449m2; Tin lành 95.357m2; Cao Đài và tôn giáo khác 33.074m2. Trong tổng diện tích đất được giao cho các cơ sở tôn giáo, có một phần diện tích đất được các cơ sở tôn giáo sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và các mục đích khác như cơ sở hoạt động từ thiện, các trường mầm non tư thục…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện còn có 49 cơ sở tôn giáo chưa được giao đất, cấp GCNQSD đất, trong đó: Phật giáo: 10; Công giáo: 07; Tin lành: 29; Cao Đài 01; Tịnh độ Cư sĩ: 01; Baha’i: 01, lý do: Một số cơ sở đang tranh chấp dân sự, đất thuộc lâm phần, đất quốc phòng chưa giao về cho địa phương quản lý…; còn lại đa số là cơ sở mới được thành lập và đang trong quá trình lập hồ sơ xin giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.   
3. Một số kết quả đạt được
Trong thời gian qua, công tác quản lý nhà, đất liên quan đến tôn giáo được UBND tỉnh chú trọng, thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương liên quan rà soát tình hình quản lý sử dụng nhà, đất của các cơ sở tôn giáo cũng như việc quản lý, bố trí, sử dụng các cơ sở nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo của các cơ quan nhà nước được giao sử dụng, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, không để xảy ra tranh chấp, khiếu nại, kiến nghị kéo dài hình thành điểm nóng. Công tác quản lý nhà, đất liên quan đến tôn giáo được các địa phương quan tâm thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từng bước đảm bảo nhu cầu về nhà, đất và nơi sinh hoạt tôn giáo cho chức sắc, tín đồ các tổ chức tôn giáo.
 Thực hiện Luật Đất đai 2013 và các quy định có liên quan, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định, chỉ đạo, hướng dẫn về công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, trong đó có quy định hạn mức đất xây dựng các công trình tôn giáo. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ phối hợp với các ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê tổng thể về tình hình quản lý, sử dụng nhà, đất có liên quan đến tôn giáo tại địa phương; những khó khăn vướng mắc về nhà, đất liên quan đến tôn giáo; tình trạng kiến nghị, đòi lại cơ sở, tài sản có nguồn gốc tôn giáo tại địa phương, để từ đó có hướng giải quyết kịp thời và đúng theo quy định của pháp luật.
Kết quả đến nay cơ bản các cơ sở tôn giáo hoạt động hợp pháp đã được giao đất, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất đúng theo quy định của pháp luật; đa số các cơ sở tôn giáo đã chấp hành tốt việc sử dụng đất, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự đúng quy định. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số cơ sở tôn giáo chưa chấp hành tốt việc quản lý, sử dụng đất và xây dựng cơ sở thờ tự khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng.
4. Một số khó khăn tồn tại, hạn chế
Do số lượng tín đồ trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu về cơ sở thờ tự lớn, trong khi đó quỹ đất tôn giáo của địa phương không còn hoặc hiện nay chưa có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tôn giáo để bố trí giao đất, cấp GCNQSD đất cho các cơ sở tôn giáo để xây dựng cơ sở thờ tự. Vì vậy, việc giao đất, cấp GCNQSD đất cho các cơ sở tôn giáo được thực hiện trên cơ sở thu hồi đất của cá nhân, hộ gia đình do không còn nhu cầu sử dụng có văn bản xin trả lại đất cho Nhà nước để xem xét, giao lại cho các cơ sở tôn giáo.
Việc quy hoạch tổng thể về sử dụng đất tôn giáo chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn và quan tâm đúng mức. Chính vì thiếu quy hoạch cho nên mỗi khi tổ chức tôn giáo có nhu cầu xin cấp đất để xây dựng cơ sở thờ tự thì chính quyền địa phương rất lúng túng, bị động trong giải quyết.
Công tác quản lý về nhà, đất nói chung và tôn giáo nói riêng ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, do đó dẫn đến tình trạng xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự trái pháp luật. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất đai của các cơ sở tôn giáo nhất là việc sử dụng đất đai của các cá nhân chưa được thực hiện thường xuyên liên tục.
5. Giải pháp và kiến nghị, đề xuất
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai tôn giáo, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo đề xuất một số giải pháp của địa phương trong thời gian tới là:
Một là, tiếp tục quán triệt và xác định rõ những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc giao đất, cấp GCNQSD đất cho các cơ sở tôn giáo để xây dựng các công trình thờ tự nhằm phục vụ nhu cầu tôn giáo chính đáng và hợp pháp của tín đồ; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các chức sắc, nhà tu hành, chức việc, tín đồ các tôn giáo hiểu đúng đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhà, đất liên quan đến tôn giáo theo tinh thần Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Hai là, đối với cơ sở nhà, đất liên quan đến tôn giáo do Nhà nước đang quản lý và sử dụng: Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của pháp luật cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bên cạnh đó, bố trí sử dụng hợp lý phục vụ các mục tiêu công cộng, không để xảy ra tình trạng tư nhân nhân hóa.
Ba là, đối với những cơ sở tôn giáo chưa được giao đất, cấp GCNQSD đất hiện nay đang còn vướng mắc tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với giáo hội giải quyết dứt điểm và hướng dẫn cơ sở tôn giáo lập thủ tục hồ sơ giao đất, cấp GCNQSD đất theo quy định của pháp luật.
Bốn là, yêu cầu các cơ sở tôn giáo trên địa bàn tỉnh tiếp tục thống kê, rà soát, kê khai đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật để từ đó có hướng quy hoạch sử dụng đất tôn giáo hiệu quả, đúng mục đích và thuận lợi cho công tác quản lý.
Năm là, chỉ đạo các cấp, ngành có liên quan thường xuyên phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức, cơ sở tôn giáo có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai như: sử dụng đất được cấp không đúng mục đích, lấn chiếm đất đai, mua bán, sang nhượng đất đai trái pháp luật ...để từ đó chấn chỉnh, khắc phục việc quản lý đất đai của các cơ sở tôn giáo theo quy định của pháp luật./.
 

Tác giả: Minh Tuấn - Ban Tôn giáo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,244
  • Hôm nay30,352
  • Tháng hiện tại10,292,157
  • Tổng lượt truy cập470,184,844
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây