sct

Các nước ASEAN xây dựng thành phố du lịch không thuốc lá

Thứ tư - 21/11/2018 08:22
(TTĐN) - Ngày 20/11 tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế phối hợp với Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương tổ chức Hội nghị các nước khu vực ASEAN về xây dựng thành phố không thuốc lá (SCAN) lần thứ 6. Hội nghị có chủ đề “Xây dựng môi trường du lịch không thuốc lá”.
Hội nghị xây dựng thành phố không thuốc lá tại TP Hội An, sáng 20/11
Hội nghị xây dựng thành phố không thuốc lá tại TP Hội An, sáng 20/11

Tham dự hội nghị có hơn 100 đại biểu quốc tế đại diện cho các thành phố du lịch không khói thuốc lá của các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Myanmar, Malaysia, Philippines, Mông Cổ; lãnh đạo Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế, Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương cùng các đại diện một số bộ, ngành và các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Hội nghị lần thứ 6 được tổ chức tại Việt Nam với mục tiêu công nhận và quảng bá cho các địa điểm, thành phố du lịch, các di sản văn hóa du lịch không khói thuốc lá, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia, các thành phố, các địa điểm du lịch trong khu vực ASEAN và châu Á Thái Bình Dương về việc triển khai môi trường du lịch không khói thuốc lá, tăng cường mạng lưới hợp tác về thực thi môi trường du lịch không khói thuốc giữa các quốc gia trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Việt Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, Ủy viên Hội đồng Quản lý Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá cho biết: Tại Việt Nam công tác xây dựng thành phố du lịch không khói thuốc lá đã được Bộ Y tế và Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá triển khai từ năm 2009 tại Hội An, Quảng Nam và mở rộng thêm một số tỉnh, thành phố khác như: Hạ Long, Huế, Nha Trang, Hải Phòng…

Tại các thành phố này, quy định cấm hút thuốc lá được triển khai trước hết tại các nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch, lịch sử, văn hóa, các cơ quan công sở, trường học, bệnh viện. Việc xây dựng môi trường du lịch không khói thuốc không những giúp tạo dựng hình ảnh du lịch xanh, sạch, đẹp trong mắt du khách quốc tế mà còn giúp bảo vệ sức khỏe cho mọi người.

Với những gánh nặng về bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đang trở thành vấn đề y tế cộng đồng được ưu tiên hàng đầu trên thế giới. Các giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả mà các quốc gia đang nỗ lực triển khai gồm: Thực hiện môi trường 100% không khói thuốc; in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm diện tích lớn trên bao bì sản phẩm thuốc lá; tăng thuế thuốc lá; thực thi cấm toàn diện quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá. Trong đó, công tác xây dựng thành phố không khói thuốc đang trở thành xu thế được nhiều nước thực hiện.

Tại Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng mô hình thành phố du lịch không khói thuốc ở một số tỉnh, thành phố du lịch như Hội An, Huế, Hạ Long, Nha Trang…, với sự hỗ trợ của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá, hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc đã và đang triển khai rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố.

Hàng trăm ngàn biển báo, pa nô cấm hút thuốc được treo, dán tại các địa điểm du lịch, các cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học nhắc nhở người dân và du khách tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá. Trên vé vào cửa và các bảng thông tin hướng dẫn tại nhiều điểm di tích, khu du lịch cũng ghi rõ quy định cấm hút thuốc lá.

Tại các thành phố du lịch, hoạt động truyền thông quảng bá thành phố không khói thuốc còn được lồng ghép qua các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch như: Đại hội Thể thao bãi biển không khói thuốc lá tại Đà Nẵng, Lễ hội Đền Đô không khói thuốc lá tại Bắc Ninh, Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản không khói thuốc lá tại Hội An, Lễ hội Hoa Anh đào không khói thuốc lá tại Hạ Long… với sự tham gia của hàng chục ngàn người.

Báo cáo của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá về điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam năm 2016 cho thấy, việc thực thi phòng chống tác hại của thuốc lá bước đầu đã có hiệu quả.

Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%); tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%). Tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị giảm rõ rệt 6,5% (từ 45,2% xuống 38,7%).

Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể so với năm 2010 tại hầu hết các địa điểm: Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nhà hàng giảm từ 84,9% xuống 80,7%; tại nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%), tại các trường đại học, cao đẳng giảm 16,4% (từ 54,3% xuống 37,9%), trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,4% xuống 19,4%).

Đây là những chỉ số cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam và mô hình thành phố du lịch không khói thuốc đã chứng minh hiệu quả bước đầu trong việc góp phần đem lại cuộc sống văn minh, trong sạch và lành mạnh hơn không chỉ cho người dân địa phương và còn với khách du lịch đến tham quan tại các tỉnh, thành phố này.

Tại Hội nghị, đại diện Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá khẳng định, trong thời gian tới Quỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ các tỉnh, thành phố đẩy mạnh xây dựng môi trường không khói thuốc, thực thi quy định cấm hút thuốc lá tại các nơi công cộng, chú trọng tới các khu vực trong nhà của nhà hàng, quán bar, quán cà phê, các điểm du lịch; tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật về địa điểm cấm hút thuốc lá; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định cấm hút thuốc lá…/.

Nguồn tin: Tuấn Hồng theo TTXVN:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,466
  • Hôm nay324,040
  • Tháng hiện tại6,039,903
  • Tổng lượt truy cập489,903,341
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây