Đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, các bộ, ngành trung ương cùng dự buổi làm việc.
Tiếp và làm việc với Chủ tịch nước và các thành viên đoàn công tác có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Một số hình ảnh tại buổi làm việc
Phát biểu quán triệt tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao công tác chuẩn bị các nội dung phục vụ buổi làm việc của tỉnh Bình Phước. Trên tinh thần chương trình làm việc, sau khi nghe báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước về tình hình, kết quả thực hiện công tác an ninh, quốc phòng, đối ngoại, cải cách tư pháp 9 tháng đầu năm; phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023, đại diện các bộ, ngành, đơn vị sẽ trực tiếp tham gia thảo luận, đánh giá, đóng góp ý kiến để buổi làm việc diễn ra đạt kết quả cao.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Báo cáo với Chủ tịch nước và đoàn công tác, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết: 9 tháng đầu năm, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Tội phạm về trật tự xã hội xảy ra 569 vụ, giảm 23 vụ so với cùng kỳ năm 2022; tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế phát hiện 361 vụ/ 326 đối tượng, giảm 53 vụ; tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường phát hiện 187 vụ/ 169 đối tượng, giảm 91 vụ; tội phạm về ma túy phát hiện 255 vụ/ 398 đối tượng. Tai nạn giao thông xảy ra 110 vụ, làm 99 người chết, 40 người bị thương.
Công tác ngoại giao, quân sự, quốc phòng được duy trì ổn định. Bình Phước thường xuyên phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin kịp thời với chính quyền và lực lượng vũ trang với 3 tỉnh giáp biên với Vương quốc Campuchia.
Công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp được các cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực triển khai. Hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra 2 cấp đã thụ lý điều tra 1.399 vụ, 2.253 bị can; đã giải quyết 930 vụ, 1.745 bị can, đạt 66,47%... Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được cấp ủy, ngành, địa phương quan tâm.
Đại diện các sở, ngành, đơn vị của Bình Phước báo cáo kết quả hoạt động các lĩnh vực
Tại hội nghị, Bình Phước đã kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch nước và đoàn công tác 5 vấn đề chính, trong đó: Kiến nghị Chính phủ sớm triển khai đề án phát triển khu dân cư biên giới và đưa vào quy hoạch đất ở để có cơ sở pháp lý trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Chính phủ nghiên cứu có chương trình đào tạo tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ cơ sở, tăng cường hỗ trợ đào tạo năng lực cho cán bộ người dân tộc thiểu số để đảm bảo nguồn lực chất lượng cao cho các địa phương. Bộ Ngoại giao phối hợp với bộ, ngành trung ương trao đổi với cơ quan chức năng của Vương quốc Campuchia tạo điều kiện thuận lợi để xử lý hiệu quả vấn đề tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, mua bán người…
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, kinh tế của Bình Phước duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 7,92%; GRDP bình quân đầu người đạt 93,2%; cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng hướng; thu hút vốn FDI được 110 dự án, với số vốn 1.272 triệu USD, lũy kế toàn tỉnh đến nay có 378 dự án FDI, với tổng số vốn trên 4 tỷ USD. Văn hóa xã hội có nhiều nét nổi bật, an sinh xã hội đảm bảo, nhiều chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, nhất là chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội. Công tác quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác đối ngoại được duy trì, củng cố, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực, được nhân dân đánh giá cao.
|
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đóng góp ý kiến liên quan đến công tác an ninh, quốc phòng, đối ngoại, cải cách tư pháp của Bình Phước 9 tháng đầu năm 2023
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Sau 26 năm chia tách từ tỉnh Sông Bé cũ, Bình Phước từ một tỉnh nghèo đến nay đã có bước phát triển vượt bậc. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,42%, trong đó kinh tế số chiếm tỷ trọng 5% GRDP; thu ngân sách đạt trên 14,5 ngàn tỷ đồng. Hiện Bình Phước được Chính phủ phê duyệt 13 khu công nghiệp, trong đó 12 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 68%. 6 tháng đầu năm 2023, Bình Phước trong top 10 tỉnh thu hút vốn FDI đứng đầu cả nước.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường tiếp thu các ý kiến góp ý của thành viên đoàn công tác
Bên cạnh những thành tích nổi bật, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận Bình Phước vẫn là một tỉnh khó khăn, đến nay vẫn chưa cân đối thu - chi ngân sách. Lãnh đạo tỉnh nỗ lực phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ sẽ tự chủ thu - chi ngân sách.
Liên quan đến ý kiến của thành viên đoàn công tác trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường ghi nhận và khẳng định thời gian tới tỉnh sẽ nỗ lực hơn nữa để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường trao tặng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bức tranh tam long hội tụ
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ vui mừng với những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Phước đạt được trên tất cả các lĩnh vực. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Bình Phước có đường biên giới dài, người dân cả nước hội tụ. Do đó việc tỉnh giữ vững an ninh chính trị, quốc phòng an ninh, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hợp tác, phát triển là điều đáng ghi nhận…
Liên quan đến công tác an ninh, quốc phòng, đối ngoại, cải cách tư pháp, trên tinh thần trao đổi, góp ý thẳng thắn của các bộ, ngành trung ương về kết quả thực hiện, những khó khăn vướng mắc, một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ đạo: Bình Phước cần tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Về quốc phòng, an ninh, Chủ tịch nước lưu ý tỉnh cần nắm chắc, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để có phương án đấu tranh hiệu quả, tránh để bị động, bất ngờ khi có tình huống xảy ra. Muốn làm được điều này, cần phải phát huy vai trò của già làng trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương trong tỉnh.
Liên quan đến công tác đối ngoại, Chủ tịch nước đề nghị Bình Phước cần duy trì, phát huy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp với 3 tỉnh liền kề thuộc Vương quốc Campuchia; trong đó lực lượng chức năng phải tăng cường mối quan hệ hợp tác để bảo vệ vững chắc an ninh biên giới quốc gia.