Nhân dân hiểu hơn về “cuộc chiến không tiếng súng”
Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng đến nay, công tác đấu tranh PCTNTC của nước ta đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cách làm ngày càng bài bản, có những bước tiến mạnh hơn, hiệu quả hơn. Những việc làm ấy được nhân dân đồng tình ủng hộ và được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Để giữ “ngọn lửa” đấu tranh, chống tham nhũng kiên trì, kiên quyết, hơn 10 năm qua, dư luận và đông đảo cán bộ, đảng viên đều đánh giá chính là hành động quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông là niềm tin, chỗ dựa vững chắc trong cuộc chiến này. Những bài viết, những phát ngôn và cả những giọt nước mắt của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp nhân dân cả nước hiểu hơn về “cuộc chiến không tiếng súng” nhưng đầy cam go, vất vả của Ban Chỉ đạo, cũng như sự quyết tâm, kiên trì, bền bỉ PCTNTC của Đảng và Nhà nước ta.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì buổi họp báo sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII
Năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC được thành lập trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Từ đó Đảng, Nhà nước ta có một cơ quan đầu mối chỉ đạo công tác PCTNTC đồng bộ, thông suốt. Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Thị Thinh chia sẻ: Nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao. Cho nên cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, phải chấn chỉnh, uốn nắn ngay từ trong suy nghĩ, nhận thức thì mới có thể PCTNTC từ sớm, từ xa, “cả ngọn lẫn gốc” tình trạng này.
Đã có nhiều đại án được Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo, yêu cầu đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, tâm phục, khẩu phục. Đáng chú ý, đến nay đã có hơn 180 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị xử lý kỷ luật, dù là đương chức hay đã về hưu cho thấy sự quyết liệt “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không chừa một ai”.
Theo dõi sự vào cuộc quyết liệt của ban chỉ đạo PCTNTC từ Trung ương đến địa phương, ông Ngô Văn Hóa, Bí thư Chi bộ thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập tâm đắc câu nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”. Ông cho biết, người dân địa phương rất phấn khởi với những kết quả trong công tác đấu tranh PCTNTC của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua.
Đồng quan điểm, ông Đào Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Nghĩa chia sẻ: “Công cuộc PCTNTC của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua đã lấy được niềm tin trong nhân dân. Chúng tôi tin cuộc chiến sẽ không dừng lại ở đó”.
Còn theo ông Hoàng Kim Khai ở phường Long Phước, thị xã Phước Long, quan điểm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta rất mạnh mẽ, quyết liệt. Người dân thấy có những vụ tham nhũng rất tinh vi, nhưng vẫn khám phá thành công.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rất rõ: “Xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, xử lý một người để cứu muôn người” và theo cố Tổng Bí thư, vấn đề không phải xử lý mà phải “phòng bệnh”. Nói về công tác PCTNTC, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” và yêu cầu “quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn, quyền lực tới đâu, trách nhiệm tới đó”. Trách nhiệm như một sự ràng buộc quyền lực để mọi người không được lạm quyền. Những câu nói rất ý nghĩa, mang tính khái quát cao cho giới nghiên cứu lý luận, cho nhân dân và cho những người tìm hiểu về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chúng ta.
Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng “giặc nội xâm”
Mặc dù cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực đã quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, nghiêm khắc hơn, nhưng vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ, đảng viên không biết sợ. Thực tiễn đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa. Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, điều quan trọng là chúng ta phải xây dựng thể chế để các cá nhân tham gia vào hệ thống chính trị không có cơ hội, không dám và không thể tham nhũng. Làm được điều đó chúng ta mới giải quyết được triệt để nạn tham nhũng.
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xem là cẩm nang về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời cung cấp hệ thống cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Theo Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trong 10 năm qua, những quyết định của Trung ương mà đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công cuộc phòng, chống tham nhũng của nước ta đã tiến những bước mới. Theo xếp hạng của tổ chức minh bạch thế giới, Việt Nam từ vị trí 130 lên 83. Điều đó cho thấy, chúng ta đã dần khắc chế, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực, trước hết là trong bộ máy, sau là ra xã hội. Đó là nỗ lực lớn, động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là củng cố lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Vì thế, được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, công tác đấu tranh PCTNTC sẽ tiếp tục đem lại những kết quả tích cực, như phát biểu tại buổi họp báo sau khi nhận nhiệm vụ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Tôi tin tưởng rằng, công tác này sẽ được tiếp tục triển khai với phương hướng, cường độ, tần suất, nhịp điệu không thay đổi và nhất định chúng ta sẽ chiến thắng “giặc nội xâm””.
Các cơ quan sẽ tập trung PCTNTC trước hết từ những cơ quan có chức năng PCTNTC; đẩy lùi tham nhũng vặt bằng những giải pháp cụ thể; mở rộng PCTNTC ngoài khu vực nhà nước, góp phần làm trong sạch tổ chức Ðảng, bộ máy cơ quan nhà nước. Các biện pháp kiểm soát quyền lực, chấn chỉnh đạo đức công vụ, tác phong, lề lối phục vụ nhân dân sẽ được tăng cường.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước TÔ LÂM
|