Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, chiều 24/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết.
Phù hợp với thông lệ quốc tế
Theo Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Cục Hoạt động hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc.
Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với quân số khoảng 320 người.
Lực lượng tham gia của Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Về tài chính, nguồn tiền bồi hoàn của Liên hợp quốc, khoảng hơn 4,8 triệu USD và sự hỗ trợ của quốc tế trị giá hơn 20 triệu USD, đã góp phần giảm đáng kể ngân sách Nhà nước đầu tư cho việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam.
Thực hiện Đề án Công an Nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực làm công tác chuẩn bị lực lượng như: đào tạo, huấn luyện cán bộ theo các tiêu chuẩn của Liên hợp quốc; nghiên cứu, đánh giá các địa bàn có thể cử lực lượng triển khai; thiết lập mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với các cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc…
Trong thời gian tới, dự kiến thành lập Văn phòng Thường trực về Công an Nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo hình thức kiêm nhiệm để thúc đẩy công tác chuẩn bị; hoàn thiện cơ sở pháp lý, phấn đấu cử cán bộ, sỹ quan Công an Nhân dân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại các phái bộ của Liên hợp quốc từ năm 2021.
Việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Hiện việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là một nhiệm vụ mới, chưa được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật của Quốc hội để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về lĩnh vực này.
[Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực, thực chất vào hoạt động của LHQ]
Trong quá trình triển khai công tác này phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là về cơ sở pháp lý như cơ chế xây dựng lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, công tác quản lý nhà nước, bảo đảm nguồn lực, chế độ, chính sách đối với việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nhằm quán triệt quan điểm của Đảng về đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thông lệ quốc tế, các điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên tại Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Cũng theo Tờ trình, dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương 17 điều, được áp dụng đối với các sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ thuộc Bộ Quốc phòng; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sỹ thuộc Bộ Công an được cử tham gia; cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết được Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày cho thấy Ủy ban cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, trách nhiệm với cộng đồng thế giới của Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; là cơ hội để mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực của lực lượng vũ trang nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Ủy ban cũng tán thành việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 10 theo quy trình một kỳ họp.
Nhất trí thông qua tại Kỳ họp thứ 10
Thảo luận tại hội trường, hầu hết các đại biểu đều nhất trí đề nghị thông qua dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Kỳ họp thứ 10 theo quy trình một kỳ họp.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), việc Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là hiện thực hóa đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Đảng và Nhà nước Việt Nam; qua đó khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín, vị thế của Việt nam trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới, góp phần bảo vệ hòa bình bền vững cho đất nước.
Đại biểu nêu: Tại Khoản 219 Hiến pháp 2013, Hội đồng Quốc phòng, an ninh được phép đưa lực lượng vũ trang tham gia các hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình khu vực và trên thế giới.
Từ những cơ sở chính trị pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc ban hành Nghị quyết về tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này là đúng đắn, cần thiết. Đại biểu cũng tán thành Nghị quyết này thông qua tại Kỳ họp thứ 10 theo quy trình một kỳ họp như Tờ trình Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Quang cảnh phiên họp chiều 24/10
Đồng quan điểm, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) bày tỏ đồng tình cao với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo quy trình một kỳ họp; thống nhất với việc xác định các nguyên tắc nhất quán, xuyên suốt trong xây dựng và tổ chức lực lượng của Việt Nam tham gia hoạt động này.
Chia sẻ với Chính phủ, Quốc hội việc cân nhắc thận trọng trong xác định việc tham gia của lực lượng vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, đại biểu thấy rằng trước những diễn biến khó lường, bất ổn, bất định của thế giới, những thách thức mới, tình huống mới đối với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển sẽ làm nảy sinh những yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với các hoạt động của lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.
Việt Nam, với những ưu thế, vị thế, uy tín, kinh nghiệm của mình, trong đó có cả những kinh nghiệm từ quá trình tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình và các hoạt động đối ngoại song phương, đa phương trong thời gian qua, cần phải đặt ra nhiệm vụ phải chủ động tham gia đảm nhiệm các nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại biểu cũng kiến nghị xem xét có quy định về việc mở rộng thêm một số đối tượng, lực lượng để đào tạo, huấn luyện theo chuẩn Liên hợp quốc, sẵn sàng đáp ứng, chủ động tham gia khi có yêu cầu.
Để việc tham gia của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc thực sự chủ động, hiệu quả, khẳng định được vị thế và trách nhiệm của Việt Nam, cần phải đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng lực lượng.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình với đại biểu
Giải trình một số câu hỏi được các đại biểu nêu tại hội trường đối với dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết về nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tại Điều 4, dự thảo Nghị quyết quy định việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hội đồng Quốc phòng, an ninh quyết định, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và quản lý Nhà nước của Chính phủ.
Nguyên tắc này nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân và thẩm quyền của Hội đồng Quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó, đảm bảo độc lập, tự chủ và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia là nguyên tắc quan trọng để khẳng định Việt Nam hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn hình thức, quy mô, thời gian, địa bàn triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam.
Về hình thức, lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Điều 5 dự thảo Nghị quyết quy định có hai hình thức tham gia gồm đơn vị và cá nhân. Các hình thức này phù hợp với quy định của Liên hợp quốc và khả năng tham gia của Việt Nam.
Việt Nam rất tích cực trong việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. (Ảnh: Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc)
Trên thực tế đối với hình thức đơn vị, Việt Nam đã cử 2 lượt bệnh viện dã chiến cấp 2 với 126 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia. Đối với hình thức cá nhân, Việt Nam gửi 50 lượt sỹ quan tham gia tại 22 phái bộ là Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Trụ sở Liên hợp quốc.
Dự thảo Nghị quyết quy định các lĩnh vực tham gia gồm tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, thông tin liên lạc, công binh, quân y, cảnh sát. Đây là những lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện, khả năng và nguồn lực để tham gia.
Trên thực tế, Việt Nam đã và đang tham gia tích cực trong các lĩnh vực: tham mưu, hậu cần, quân y, quan sát viên quân sự. Quá trình thực hiện nhiệm vụ đều khẳng định năng lực và hiệu quả, được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Về kinh phí và chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc quy định tại Điều 13 và Điều 14, theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, Việt Nam đã chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc từ năm 2014. Tuy nhiên, hiện nay chưa được bố trí nguồn ngân sách riêng để triển khai nhiệm vụ này.
Trong khi đó, kinh phí bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và tuân thủ theo Luật Ngân sách Nhà nước nhưng không thể chi cho nhiệm vụ này.
Vì vậy, dự thảo Nghị quyết quy định ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nhằm tạo cơ sở pháp lý để bố trí nguồn lực cho hoạt động này theo đúng quy định.
Mặt khác, hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc luôn ở trong môi trường điều kiện làm việc đặc biệt khó khăn, gian khổ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về an ninh, an toàn. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết quy định, lực lượng trực tiếp và gián tiếp tham gia này được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh, từ trần... trong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét, giải quyết chế độ chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và của Liên hợp quốc./.