MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH CỦA TỈNH BÌNH PHƯỚC VÀ ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT ĐẦU TƯ CỦA TỈNH TRONG THỜI GIAN TỚI
Sở Ngoại Vụ
2023-03-22T15:00:19+07:00
2023-03-22T15:00:19+07:00
https://binhphuoc.gov.vn/vi/sngoaivu/kinh-te-dau-tu/mot-so-thong-tin-ve-tiem-nang-the-manh-cua-tinh-binh-phuoc-va-dinh-huong-thu-hut-dau-tu-cua-tinh-trong-thoi-gian-toi-759.html
https://tinhuybinhphuoc.vn/uploads/tong-quan/2016_02/binh-phuoc.jpg
Bình Phước : Cổng thông tin điện tử
https://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ tư - 22/03/2023 14:58
MỘT SỐ THÔNG TIN VỀ TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH CỦA TỈNH BÌNH PHƯỚC VÀ ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT ĐẦU TƯ CỦA TỈNH TRONG THỜI GIAN TỚI
I. Thông tin chung về tỉnh Bình Phước
Bình Phước là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với diện tích 6.877 km2, tiếp giáp với tỉnh Bình Dương, Lâm Đồng, Đăk Nông, Tây Ninh và Vương Quốc Campuchia, cách thành phố Hồ Chí Minh 110 km. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố, 03 thị xã, 07 huyện, dân số 1 triệu người. Thành phố Đồng Xoài là Trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh.
Trong nhiệm kỳ qua, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 của tỉnh đạt 7,9%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến năm 2020 tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 24,7%, Công nghiệp 40,3%, dịch vụ 35%. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, đến năm 2020 đạt 70.042 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người cao hơn mức bình quân cả nước, năm 2020 đạt 69,3 triệu đồng, tương đương với 3.000 đô la Mỹ, gấp 1,74 lần so với năm 2015.
Năm 2022, kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh và có tốc độ tăng trưởng khá, tăng 8,42% so với năm 2021. Trong đó ngành nông lâm thủy sản tăng 3,19%, ngành công nghiệp xây dựng tăng 14,46% (trong đó công nghiệp tăng 15,97%), dịch vụ tăng 8,62%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,67%; kinh tế số chiếm tỷ trọng 5%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) tăng 23,08% so với năm 2021; Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh, với mức tăng 23,54%.
Thu ngân sách năm 2022 là 14.282 tỷ đồng, bằng 117% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 100,22% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua và tăng 4% so với cùng kỳ . Kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỷ 140,75 triệu USD tăng 9,53% so cùng kỳ năm 2021.
Thu hút đầu tư trong nước và phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Thu hút đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 10.800 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm đạt 1.150 doanh nghiệp, tăng 7,9% so với năm 2021, đạt 104,5% kế hoạch năm. Số hợp tác xã thành lập mới trong năm là 30 hợp tác xã, đạt 100% kế hoạch. Thu hút đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 150 triệu USD.
II. Tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bình Phước
1. Vị trí
Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, là 01 trong 8 tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long với Tây Nguyên và với quốc tế, đặc biệt với Campuchia, Lào, Thái Lan.
Nhìn về tương lai, Bình Phước có điều kiện thuận lợi ngày càng gia tăng cho sự phát triển của tỉnh và cả vùng.
2. Cơ sở hạ tầng
Hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại, tỉnh có các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 13, 14, ĐT.741 thuận lợi trong kết nối giao thông liên vùng, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Campuchia qua cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư. Dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường cao tốc Chơn Thành - Đăk Nông, đường ĐT753 và Cầu Mã Đà nâng cấp thành quốc lộ để kết nối với sân bay quốc tế Long Thành tỉnh Đồng Nai và cảng Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển đến cảng biển, cảng hàng không, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa đang khẩn trương triển khai. Tương lai có đường sắt xuyên Á, hứa hẹn tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hệ thống cấp điện, nước của Bình Phước đáp ứng tốt cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mạng lưới bưu chính, viễn thông đã phủ khắp các xã, phường, thị trấn, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc quốc tế truyền dẫn thông tin kỹ thuật số. Sóng điện thoại di động phủ rộng trên địa bàn tỉnh. Mạng lưới cáp quang được truyền dẫn đến hầu hết các trạm viễn thông ở các xã, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
3. Đất đai
Tỉnh Bình Phước có diện tích lớn nhất miền Nam, với tổng diện tích 687.355 ha; trong đó đất nông nghiệp 616.307 ha, đất phi nông nghiệp 70.975 ha. Đất đai Bình Phước màu mỡ (chủ yếu đất đỏ Bazan), khí hậu ôn hòa rất thuận lợi cho trồng các cây công nghiệp dài ngày như cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn trái và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bình Phước là thủ phủ của cả nước về cây Cao Su và cây Điều, với diện tích Cao Su 247.000 ha và diện tích Điều là 141.595 ha.
Ngoài ra tỉnh có thuận lợi là quỹ đất sạch rộng lớn của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam có thể giao về cho địa phương để phát triển các khu công nghiệp, thuơng mại - dịch vụ và đô thị.
Bình Phước có 15 KCN đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 12 KCN đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân trên 68% (còn 3 KCN đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng); trong đó, có Khu công nghiệp Becamex Bình Phước (2.450 ha), tỷ lệ lấp đầy 11,6% và khu công nghiệp Minh Hưng - Sikiko diện tích 655 ha, tỷ lệ lấp đầy 39,7%. Đây là hai khu công nghiệp mới, có quy mô diện tích khá lớn, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại và giao thông đi lại thuận tiện, rất thích hợp cho các nhà đầu tư.
Ngoài ra, tỉnh Bình Phước được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho mở rộng 3 KCN với diện tích 1.375 ha (KCN Bắc Đồng Phú 317 ha; KCN Nam Đồng Phú 480 ha; KCN Minh Hưng III là 578 ha) sẽ hoàn thiện trong năm 2023; có khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư với diện tích 28.000 ha sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.
Tại Quy hoạch tỉnh đã được các Bộ ngành thẩm định và chủ trương của tỉnh là mở mới, quy hoạch các KCN đến 2030 khoảng 10.000 ha (trong đó có các KCN Đông Nam Đồng Phú với diện tích 4.200 ha).
Về thu hút đầu tư, đến nay toàn tỉnh có 375 dự án đầu tư nước ngoài FDI với tổng số vốn đầu tư 3 tỷ 498 triệu USD.
Hiện nay các khu công nghiệp của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương trong vùng Đông Nam bộ đã lắp đầy và giá thuê mặt bằng rất cao 150 USD/m2 cho 50 năm, nên các nhà đầu tư đã dịch chuyển đến tỉnh Bình Phước để đầu tư với quỹ đất rộng, mặt bằng sạch và giá thuê đất thấp, khoảng từ 80 - 90 USD/m2.
4. Nguồn nhân lực
Tỉnh Bình Phước có nguồn nhân lực dồi dào, dân số toàn tỉnh 01 triệu người, trong đó lực lượng lao động của tỉnh từ 15 tuổi trở lên là trên 617 ngàn người, chiếm tỷ lệ 61% so với dân số. Lao động thành thị chiếm 18,79% và lao động nông thôn chiếm 71,21%. Dân số Bình Phước hiện tại là dân số vàng, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đây có thể coi là lợi thế so sánh của Bình Phước so với các địa phương khác cũng như bình diện chung của cả nước khi cơ cấu dân số trẻ hơn.
Cơ cấu lao động thời gian qua đã có sự chuyển dịch, giảm tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, phù hợp với tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay của tỉnh. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo trên 53 ngàn lao động, tỷ lệ học viên ra trường có việc làm đạt trên 95%.
Chất lượng giáo dục phổ thông của tỉnh hiện nay là rất tốt. Tỉnh đang có chủ trương mời gọi các nhà đầu tư có thương hiệu, uy tín như Công ty Cổ phần FPT để xây dựng Trường liên cấp có chất lượng cao, Trường đại học hoặc phân hiệu đại học; quan tâm phát triển các cơ sở đào tạo giáo dục dạy nghề nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho các nhà đầu tư.
Hiện tại, tỉnh đang có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nơi; quy hoạch các dự án nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp; xây dựng bệnh viện, trường học, các thiết chế văn hóa để đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
5. Môi trường đầu tư kinh doanh
5.1. Về chính sách ưu đãi đầu tư:
Tỉnh Bình Phước đã ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong đó ngoài quy định đầy đủ nội dung ưu đãi theo quy định của Chính phủ Việt Nam, tỉnh còn quy định một số chính sách ưu đãi đặc thù riêng cho xã hội hóa các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, du lịch; chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ đối với dự án đầu tư các sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh; hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
a) Đối với lĩnh vực xã hội hóa giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, du lịch
- Dự án đầu tư xã hội hóa không thuộc các đô thị: Được Nhà nước cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình xã hội hóa theo hình thức cho thuê đất miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê.
- Dự án đầu tư xã hội hóa thuộc các đô thị:
+ Đối với khu vực đô thị thuộc thành phố Đồng Xoài: Miễn 25 năm tiền thuê đất nếu không thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư; miễn 30 năm tiền thuê đất nếu thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư; miễn 35 năm tiền thuê đất nếu thuộc danh mục lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
+ Đối với khu vực đô thị thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn: Miễn 30 năm tiền thuê đất nếu không thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư; miễn 35 năm tiền thuê đất nếu thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư; miễn 40 năm tiền thuê đất nếu thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
+ Đối với khu vực đô thị thuộc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn: Miễn 35 năm tiền thuê đất nếu không thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư; miễn 40 năm tiền thuê đất nếu thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư; miễn tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê nếu thuộc danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư.
b) Đối với dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
Dự án chế biến chuyên sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị từ gỗ, chế biến mủ cao su, chế biến hạt điều, hạt tiêu, chế biến trái cây được ngân sách nhà nước hỗ trợ 10 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án.
c) Đối với dự án đầu tư các sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh, gồm: Sản phẩm chế biến hạt điều, chế biến trái cây, chế biến sản phẩm cao su, chế biến gỗ; chế biến thực phẩm từ thịt heo, gà (là sản phẩm tiêu dùng cuối cùng không phải qua công đoạn chế biến khác); sản phẩm công nghiệp cơ khí, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ
Khi nhà đầu tư khởi công xây dựng các hạng mục trong khu đất thực hiện dự án, tỉnh Bình Phước sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu như hệ thống điện, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, đường giao thông đến bên ngoài hàng rào khu đất thực hiện dự án.
5.2. Về cải cách thủ tục hành chính
Tỉnh đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính được giải quyết theo phương thức dịch vụ công trực tuyến toàn phần và kết nối trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Nhà đầu tư khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ cần liên hệ trực tuyến hoặc trực tiếp với một đầu mối là Trung tâm Phục vụ hành chính công để hướng dẫn thủ tục, tiếp nhận hồ sơ và nhận kết quả giải quyết. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư tại tất cả các khâu đều được rút ngắn còn bằng 2/3 thời gian so với quy định của Chính phủ. Công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp cũng được tỉnh quan tâm, với mục tiêu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng các nền tảng để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp.
5.3. Về quy hoạch của tỉnh
Chiến lược quy hoạch và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng của tỉnh đã được triển khai xây dựng sớm, phù hợp với quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng Đông Nam bộ. Dự kiến trong quý I năm 2022 tỉnh sẽ hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trên cơ sở đó tỉnh sẽ xác định dự án và thứ tự ưu tiên để kêu gọi thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2030.
III. Định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới
1. Về công nghiệp
a) Công nghiệp chế biến gỗ
Tỉnh có lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào từ gỗ cao su với diện tích 247.000 ha. Diện tích khai thác trung bình hàng năm khoảng 20.000 ha, sản lượng khoảng 4 triệu m3/năm. Ngoài ra còn có diện tích rừng tràm, gỗ điều và nguồn nguyên liệu nhập từ các tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông và cả Campuchia. Hiện nay Bình Phước có khoảng 300 cơ sở chế biến gỗ, trong đó 96 doanh nghiệp có quy mô lớn bao gồm 10 doanh nghiệp FDI, số doanh nghiệp ngành gỗ còn lại có quy mô nhỏ và vừa. Đứng đầu trong việc sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này là Nhà máy gỗ MDF VRG Dongwha do liên doanh giữa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Tập đoàn Dongwha của Hàn Quốc, công suất 1.000 m3/ngày và 300.000 m3/năm. Đặc biệt thời gian qua Bình Phước đang được phía thủ phủ gỗ Yoshino, Nhật Bản xem là điểm đến tiếp nhận gỗ nguyên liệu của Yoshino để sản xuất thành phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất lắp ráp xuất khẩu.
Thời gian tới, tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư chế biến gỗ, đồ gỗ nội thất quy mô lớn để nâng cao giá trị nguồn nguyên liệu gỗ của địa phương. Bình Phước mong muốn được đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng mối quan hệ hợp tác hai chiều trong ngành gỗ với Nhật Bản và Hàn Quốc.
b) Công nghiệp chế biến thực phẩm
- Về trồng trọt: Tỉnh có nguồn nguyên liệu dồi dào như: Diện tích cây điều 141.595 ha, hồ tiêu 15.000 ha, cây ăn trái 12.358 ha, rau củ các loại 27.663 ha. Tuy nhiên, các sản phẩm trồng trọt chủ yếu là sơ chế, xuất bán thô, chưa qua chế biến sâu nên giá trị gia tăng thấp và chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương.
- Về chăn nuôi: Những năm qua chăn nuôi của tỉnh đã có bước phát triển đột phá, giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm tỷ trọng 20% trong cơ cấu ngành nông nghiệp; đặc biệt chăn nuôi heo, gà với quy mô trang trại công nghiệp phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Tổng đàn heo của tỉnh hiện có khoảng 02 triệu con, gia cầm 09 triệu con. Hiện tại, tỉnh chỉ có 01 dự án đầu tư chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt của Công ty TNHH CPV Food (Thái Lan) với tổng vốn đầu tư 110 triệu đô la Mỹ đang hoạt động.
Thời gian tới tỉnh ưu tiên thu hút các dự án đầu tư chế biến thực phẩm từ các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi như chế biến hạt điều, chế biến trái cây, chế biến gia vị, chế biến thực phẩm từ thịt heo, gà theo hướng chế biến sâu, không thu hút dự án sử dụng công nghệ cũ, thu hút những dự án có khả năng cạnh tranh quốc tế cao về quy mô, năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội, tiết kiệm tài nguyên. Ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, khu vực FDI có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại, thị trường tiêu thụ và hình thành nhiều vệ tinh phục vụ nhằm phát huy lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương.
c) Công nghiệp chế biến các sản phẩm cao su
Bình Phước là địa phương có diện tích cây cao su lớn nhất nước, với hơn 247.000 ha, sản lượng mủ khô đạt 300.000 tấn/năm. Hiện nay sản phẩm mủ cao su của tỉnh chủ yếu qua công đoạn sơ chế rồi xuất khẩu, chưa có dự án chế biến sâu các sản phẩm từ mủ cao su.
Sắp tới, tỉnh kêu gọi thu hút các dự án sản xuất xăm lốp ô tô, các linh kiện trong ngành sản xuất ô tô có sử dụng nguyên liệu từ mủ cao su; các sản phẩm từ mủ cao su phục vụ tiêu dùng; các dự án có công nghệ và dây chuyền sản xuất hiện đại.
d) Công nghiệp điện tử
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 04 công ty sản xuất về linh kiện điện tử, với tổng vốn đầu tư là 42,6 triệu đô la Mỹ, chiếm 1,3% tổng vốn FDI của tỉnh, trong đó có Công ty TNHH Sung Ju là Công ty con của Tập đoàn Samsung với vốn đầu tư là 09 triệu đô la Mỹ. Sản phẩm chủ yếu là nguyên phụ liệu, sản phẩm CDP, DVDP linh kiện điện tử, ép nhựa và đầu nối hệ thống làm linh kiện điện tử cho ngành ô tô. Thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp điện tử của tỉnh còn thấp, do vậy thời gian tới, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các tập đoàn lớn đầu tư vào ngành công nghiệp điện tử, sản xuất linh phụ kiện điện tử xuất khẩu.
đ) Công nghiệp hỗ trợ
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 13 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, công nghiệp cơ khí với tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu đô la Mỹ, chiếm 1,8% tổng vốn FDI của tỉnh. Sản phẩm chủ yếu gồm: Khung, vỏ, bánh xe, đèn xe, còi xe và các chi tiết phụ tùng ô tô, các loại khuôn mẫu có độ chính xác cao, chi tiết cơ khí, chi tiết nhựa tiêu chuẩn chất lượng cao. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh đối với lĩnh vực này có quy mô, nguồn lực còn hạn chế, chưa phát huy được hết tiềm năng. Do đó trong thời gian tới, Tỉnh ưu tiên mời gọi các tập đoàn lớn để đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc thiết bị trong lĩnh vực công nông nghiệp.
e) Hạ tầng khu công nghiệp
Trong số các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp hiện nay của tỉnh chỉ có 01 nhà đầu tư có vốn đầu tư FDI đến từ Hàn Quốc đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, quy mô diện tích 192 ha, vốn đầu tư 13 triệu đô la Mỹ. Đây là khu công nghiệp dành riêng cho nhà đầu tư Hàn Quốc, được đầu tư bài bản và có tiến độ lấp đầy nhanh nhất. Tỉnh mời gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp quan tâm đến tìm hiểu đầu tư xây dựng hạ tầng 06 khu công nghiệp tại huyện Đồng Phú mỗi khu quy mô khoảng 500 ha, 01 khu công nghiệp tại huyện Chơn Thành quy mô 300 ha và 01 khu công nghiệp tại huyện Hớn Quản quy mô 220 ha.
2. Về phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ
Hiện tại Bình Phước có 11 đô thị là trung tâm hành chính, văn hóa xã hội của tỉnh và 11 huyện thị. Phần lớn các đô thị trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, ít dân cư thành thị, tạo ra thị trường không hấp dẫn, khó đẩy mạnh đầu tư cung cấp hạ tầng, dịch vụ, tiện ích. Do đó thời gian tới, tỉnh khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư đối với lĩnh vực này.
Định hướng phát triển đô thị của tỉnh trong giai đoạn tới đó là: Phát triển các khu đô thị kết hợp với thương mại dịch vụ và vui chơi giải trí, bao gồm: khu nghỉ dưỡng, khách sạn 04 sao, 05 sao, trung tâm thương mại, sân golf, cụ thể: tỉnh kêu gọi đầu tư 04 dự án khu phức hợp sân golf, đô thị và thương mại tại Hồ Phước Hòa huyện Chơn Thành; Hồ Suối Giai huyện Đồng phú; Trảng cỏ Bàu Lạch huyện Bù Đăng và ven hồ Thác Mơ thị xã Phước Long.
Về trung tâm thương mại, siêu thị: Toàn tỉnh có 03 Trung tâm thương mại, 05 siêu thị tổng hợp, 02 siêu thị chuyên doanh, số lượng còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân và các nhà đầu tư. Trong thời gian tới, tỉnh kêu gọi thu hút đầu tư xây dựng 06 trung tâm thương mại mang tầm cỡ tại Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long, Chơn Thành, Đồng Phú, Phú Riềng; 04 siêu thị tại Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long, Chơn Thành. Ngoài ra, tỉnh mời gọi đầu tư xây dựng chợ đầu mối; hạ tầng thương mại biên giới; hệ thống trung tâm logistic - cảng ICD.
3. Về du lịch
Tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhưng chưa được khai thác. Đến nay tỉnh chỉ có Khu du di tích lịch sử Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết tại huyện Lộc Ninh đã đưa vào khai thác, tuy nhiên quy mô còn nhỏ, chưa có khách sạn 04 sao, 05 sao.
Thời gian tới, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các dự án du lịch gắn liền với việc xây dựng khách sạn 04 sao, 05 sao tại Hồ Suối Cam thành phố Đồng Xoài, Khu du lịch hồ Suối Giai huyện Đồng Phú, Khu du lịch Bà Rá thị xã Phước Long, Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch huyện Bù Đăng, mở rộng Khu du lịch Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết huyện Lộc Ninh.
4. Về nông nghiệp
Với lợi thế quỹ đất nông nghiệp rộng lớn và màu mở, tỉnh có chủ trương phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này đến Bình Phước đầu tư, trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và chuỗi giá trị, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và thị trường Châu âu, Hoa Kỳ.
5. Về dạy nghề
Hiện tại Bình Phước có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động, trong đó có 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 4 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 6 đơn vị có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Nhìn chung các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, mới chỉ đáp ứng cơ bản nhu cầu lao động cho doanh nghiệp ở trình độ tay nghề bậc thấp.
Thời gian tới, tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư 02 dự án Trường đào tạo nghề trình độ trung cấp và cao đẳng với quy mô tối thiểu 3.000 học viên/trường và 02 dự án đầu tư trường đại học hoặc phân hiệu đại học với quy mô tối thiểu 2.000 sinh viên/trường tại thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành, huyện Đồng Phú để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cán bộ quản lý và đào tạo lao động có tay nghề bậc cao cho doanh nghiệp.
6. Về y tế
Bình Phước hiện chỉ có 01 bệnh viện tư nhân với quy mô 200 giường bệnh, còn lại là những phòng khám tư nhân với quy mô nhỏ, do đó người bệnh rất hạn chế trong việc lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh có chất lượng cao.
Trong thời gian tới, tỉnh quan tâm thu hút đầu tư xây dựng các bệnh viện tư nhân, cụ thể: Địa bàn huyện Lộc Ninh, quy mô tối thiểu 100 giường bệnh; địa bàn thị xã Bình Long và thị xã Phước Long mỗi địa phương 01 bệnh viện đa khoa, quy mô tối thiểu 150 giường bệnh; địa bàn thành phố Đồng Xoài, quy mô tối thiểu 200 giường bệnh.
Trên đây là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Bình Phước và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới. Tỉnh Bình Phước luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chúng tôi cam kết luôn sát cánh và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguồn tin: NGUYỄN THỊ HẰNG