I. Khái quát tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương có tác động ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện công tác dân vận chính quyền.
Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, của HĐND và UBND về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025. Mặc dù được kế thừa những điều kiện thuận lợi sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, tuy nhiên ngay từ đầu năm 2021 toàn tỉnh nói chung và của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nói riêng đã đối diện với nhiều khó khăn thách thức do tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều lao động bị tạm ngưng hoặc bị mất việc làm; nhiều gia đình, trong đó có các gia đình người có công, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc, công nhân lao động... gặp nhiều khó khăn. Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tình hình dịch bệnh Covid-19 từng bước được kiểm soát, cùng với các chính sách hỗ trợ trực tiếp, chính sách cho vay trả lương, hỗ trợ tín dụng... đã được kịp thời triển khai giúp cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn; các doanh nghiệp từng bước ổn định sản xuất. Người dân, doanh nghiệp luôn an tâm, tin tưởng với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các biện pháp chống dịch đi đôi với duy trì sản xuất bền vững. Tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương tại địa phương được giữ vững, trong đó có vai trò quan trọng trong việc thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền của các ngành, các địa phương cũng như tại đơn vị.
II. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Ngay từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của về việc tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới và tỉnh ban hành Chương trình phối hợp số 22 - CTr/BCSĐ - BDVTU ngày 17/4/2017 giữa Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy về việc phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2017 – 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch số 162/KH-SLĐTBXH ngày 19/9/2016 về việc trển khai thực hiện tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong đơn vị; Kế hoạch số 160/KH-SLĐTBXH ngày 14/9/2016 về phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 – 2020; Tổ chức quản triệt Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 23/6/2016 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 15/7/2016 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 01/8/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Hàng năm đều ban hành Kế hoạch thực hiện công tác dân vận chính quyền tại đơn vị để triển khai Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác Dân vận giữa Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng như Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện công tác dân vận chính quyền hàng năm; trong đó, trong năm 2021 Sở đã ban hành Kế hoạch số 169/KH-SLĐTBXH ngày 21/7/2021 thực hiện công tác dân vận chính quyền trong hoạt động của cơ quan năm 2021.
III. Kết quả thực hiện
1. Kết quả thực hiện các nội dung trọng tâm công tác dân vận chính quyền năm 2021.
1.1. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Công tác dân vận chính quyền tại đơn vị là nhiệm vụ quan trọng được Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở quán triệt triển khai thường xuyên. Tại Hội nghị cán bộ công chức viên chức được tổ chức đầu năm 2021, từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đã phát huy tinh thần dân chủ trong việc tham gia góp ý xây dựng Kế hoạch công tác chuyên môn; Quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan; Quy chế chi tiêu nội bộ; Nội quy cơ quan; Quy chế về công tác thi đua khen thưởng... Trên cơ sở đó cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chủ động tham gia thực hiện các hoạt động của công tác quản lý nhà nước và công tác dân vận trong phạm vi nhiệm vụ được giao, đồng thời giám sát mọi hoạt động tại đơn vị đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động cơ quan, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Với đặc thù là cơ quan chuyên môn thực hiện công tác an sinh xã hội, thường xuyên làm việc tiếp xúc với người dân và người lao động; mỗi cán bộ, công chức ngoài việc thực hiện chuyên môn còn kết hợp công tác dân vận để vận động, khích lệ người dân tích cực tham gia học nghề; tìm việc làm; tăng gia sản xuất để thoái nghèo; thực hiện các hoạt động giúp đỡ, chăm lo cho người có công, người neo đơn, người tàn tật... đây là hoạt động thường xuyên gắn với nhiệm vụ chuyên môn của ngành.
1.2. Kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 14/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021; Nghị quyết số 36/NQ-HDND ngày 10/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; Quyết định số 3307/QĐ-UBND ngày 28/12/2020 của UBND về việc giao kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao, tính đến hết tháng 9/2021 tiến độ thực hiện đạt các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Giải quyết việc làm cho 28.101/38.000 lao động, đạt 73,95% kế hoạch năm 2021.
- Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị trong giai đoạn 6 tháng đầu năm khoảng 3%, đạt so với chỉ tiêu giao, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên hiện nay tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dự kiến vượt trên 3%.
- Đào tạo nghề cho 11.828/7.000 lao động đạt 168,97% kế hoạch năm.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 60,3% (gần đạt theo KH cả năm là 61%).
- Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 22,19%, đạt 70% kế hoạch năm.
- Tổ chức tư vấn nghề, giới thiệu việc làm cho 9.107 lao động; tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm thu hút 93 doanh nghiệp và 1.715 lao động tham gia; hỗ trợ học nghề cho 75 lao động.
- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức Lễ viếng, lễ an táng 101 hài cốt liệt sỹ về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh; tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà cho đối tượng chính sách người có công nhân dịp Tết nguyên đán Tân Sửu là 20.999 phần với tổng số tiền 8.601.610.000 đồng, trong dịp ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 là 22.494 phần với tổng số tiền là 7.903.799.800 đồng. Phối hợp với đội K72/ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh lấy 72 mẫu sinh phẩm giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin để gửi giám định. Tiếp nhận, giải giải quyết 3.066 hồ sơ người có công.
- Tổng hợp báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo chính thức năm 2020. Theo đó, toàn tỉnh giảm được 3.123 hộ nghèo tương đương giảm 1,22% tỷ lệ hộ nghèo, đạt 122% chỉ tiêu được giao (trong đó hộ nghèo DTTS giảm được 1.548 hộ/1.297 hộ, đạt 119% kế hoạch đề ra, đưa số hộ nghèo DTTS giảm từ 3.351 hộ xuống còn 1.803 hộ). Tham mưu UBND tỉnh mua và cấp phát thẻ BHYT cho 6.599 người nghèo, 6.495 cận nghèo, 78.613 người DTTS sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, 74.582 người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, 9.203 người thuộc hộ gia đình là nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình. Tham mưu vận động hỗ trợ quà Tết Nguyên đán Tân Sửu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được 12.893 phần quà trị giá 9.642.700.000 đồng. Phối Sở Tài chính tham mưu phân bổ kinh phí hỗ trợ tiền điện năm 2021 cho cho 3.568 hộ nghèo với tổng kinh phí 2.354 triệu đồng; triển khai mới 35 mô hình giảm nghèo với kinh phí 13.676,5 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư công của tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh thực hiện chương trình giảm 2.000 hộ nghèo năm 2021 (trong đó 1.000 hộ nghèo là ĐBDT), kết quả thực hiện sẽ được tổng hợp báo cáo sau khi kết thúc năm 2021.
- Quản lý, theo dõi việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng cho 20.052 đối tượng là người người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…(trong đó đối tượng được nuôi dưỡng tập trung là 181 người tại 06 cơ sở trợ giúp xã hội) đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội đều được hưởng trợ giúp xã hội hàng tháng và được cấp phát thẻ BHYT. Tham mưu vận động hỗ trợ quà Tết nguyên đán năm 2021 đối tượng bảo trợ xã hội là 21.567 phần quà trị giá 10.783.500.000 đồng; đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội: 183 phần quà trị giá 91.500.000 đồng; đối tượng khác 7.506 phần quà trị giá 3.556.800.000 đồng.
- Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới; phòng chống tệ nạn xã hội được triển khai thực hiện có nhiều chuyển biến tích cự; đặc biệt nhân dịp bầu cử HDND các cấp, đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn cho 1.406 nữ đại biểu lần đầu ứng cử đại biểu HĐND các cấp, góp phần thành công trong việc thúc đẩy quyền tham gia của phụ nữ trong các hoạt động của chính quyền.
- Thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19, Sở đã chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương tổng hợp trình phê duyệt danh sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP cho 79.485 người với tổng kinh phí 81.578.090.000 đồng (đã chi hỗ trợ 67.844 người với số tiền 67.847.340.000 đồng), phê duyệt danh sách 251 hộ kinh doanh với tổng kinh phí 753.000.000 đồng (đã chi trả cho 18 hộ với số tiền 54.000.000 đồng). Đối với người dân Bình Phước đang ở tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai gặp khó khắn do dịch bệnh Covid-19 theo Công văn số 2589/UBND-NC: Đã hỗ trợ qua dịch vụ trả tiền của Bưu điện cho 304 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật với số tiền 304 triệu đồng (1.000.000đ/người); 9.250 người là lao động khó khăn, không có thu nhập dự trữ 6.475 triệu đồng (700.000đ/người). Tham mưu phân bổ 559,74 tấn gạo từ nguồn dự trữ Quốc gia cho các địa phương cấp phát cho các hộ khó khăn. Công tác hỗ trợ vẫn còn tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
1.3. Kết quả thực hiện cải cách hành chính; tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy; phong trào thi đua “Dân vận khéo” và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
- Ngay từ đầu năm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành các kế hoạch về cải cách hành chính, kiểm soát, kiểm tra, rà soát thủ tục hành chính. Củng cố, tăng cường hiệu quả hoạt động bộ phận một cửa tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng xử lý văn bản thông qua phần mềm quản lý văn bản trong chỉ đạo, điều hành mọi mặt công tác của Sở, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong việc phê duyệt văn bản tại đơn vị và trao đổi công việc giữa các cơ quan đơn vị. Việc thực hiện cải cách hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch; tại đơn vị hiện có 160 thủ tục hành chính, trong đó thủ tục trên môi trường điện tử mức độ 4 đạt tỷ lệ 98,13% (157/160 thủ tục); thủ tục đã tích hợp lên cổng dịch vụ công Quốc gia đạt tỷ lệ 93,75% (150/160 thủ tục). Hoàn thành chuyển đổi quy trình quản lý chất lượng ISO từ TCVN 9001:2008 sang TCVN 9001:2015.
- Duy trì kết quả thực tinh gọn bộ máy theo Đề án 999 của Tỉnh ủy, theo đó đã hoàn thành việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy (giảm từ giảm từ 15 đầu mối xuống còn 8 đầu mối); việc thực hiện tinh giảm biên chế theo lộ trình được UBND tỉnh giao đảm bảo yêu cầu, cụ thể biên chế hành chính giảm đạt tỷ lệ 10,69%; biên chế sự nghiệp đã giảm đạt tỷ lệ 10,34%. Ban hành kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, kế hoạch chuyển đổi vị trì việc làm. Cử 2 công chức đi học lớp cáo cấp lý luận chính chỉ, 3 viên chức đi học lớp chuyên viên.
- Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được tổ chức triển khai xuyên suốt gắn với hoạt động chuyên môn tại đơn vị và sẽ được đánh giá, tổng hợp báo cáo trong thời điểm cuối năm.
1.4. Việc nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức.
Việc nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức luôn được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh trong Quy chế làm việc của cơ quan; kịp thời quán triệt, triển khai đến cán bộ, công chức và người lao động chấp hành kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời gian làm việc. Hàng năm Ban Thanh tra nhân dân thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về giờ giấc làm việc; việc thực hiện Quy chế văn hóa công sở, quy chế làm việc… Qua đó góp phần nâng cao ý thức tự giác và chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan. Ngoài ra, thường xuyên lồng gép trong các cuộc họp, các buổi sinh hoạt pháp luật của cơ quan để tuyên truyền, quán triệt, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức về công tác dân vận gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho cán bộ, công chức có ý thức trau dồi, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, xây dựng tác phong gần dân, giữ mối quan hệ tốt với nhân dân, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, kiên quyết chống thói quan liêu, cửa quyền, lạm quyền, hạch sách, nhũng nhiễu người dân trong quá trình thi hành công vụ.
1.5. Công tác phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền vững mạnh.
Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ chính trị khóa XI về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, “quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền” Sở luôn đặt công tác phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng để góp phần triển khai thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với lĩnh vực quản lý của ngành như giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo trợ xã hội... Việc giám sát đã đóng góp ý kiến thiết thực, hiệu quả cũng như phản ánh tích cực các vấn đề liên quan đến trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ đã góp phần xây dựng chính quyền Sở Lao động – Thương binh và Xã hội luôn hoàn thiện, trong sạch, vững mạnh. Nổi bật trong thời gian qua là công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP trong năm 2020 và Nghị quyết 68/NQ-CP đang triển khai năm 2021. Qua giám sát đã kịp thời phát hiện những bất cập và có kiến nghị để các địa phương kịp thời điều chỉnh, bổ sung và ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai các gói hỗ trợ đảm bảo đúng uy định, đúng chế độ, đúng đối tượng.
2. Kết quả thực hiện công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết
khiếu nại, tố cáo của công dân, các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài
2.1. Kết quả thực hiện công tác tiếp dân
- Công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định. Sở bố trí phòng tiếp dân và phân công Thanh tra Sở cử cán bộ tiếp công dân để tiếp nhận, giải quyết kịp thời những thắc mắc, khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện nghiêm túc nội quy tiếp công dân, Giám đốc Sở duy trì lịch tiếp công dân định kỳ. Bên cạnh đó để phục vụ triển khai các gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Sở đã thành lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến của công dân và doanh nghiệp cần hỏi thông tin hoặc có kiến nghị cần giải đáp...
- Công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Tiếp công
dân được thực hiện thường xuyên và niêm yết trên trang webside của Sở. Việc thực hiện Luật Tiếp công dân đảm bảo đúng quy định.
- Từ đầu năm đến nay tiếp công dân tại phòng tiếp dân với 42 lượt người hỏi chế độ người có công với cách mạng, chính sách lao động; đường dây nóng đã tiếp nhận 168 lượt câu hỏi của người dân liên quan đến các đối tượng được hỗ trợ, thủ tục đăng ký... Các nội dung đã được các phòng chuyên môn giải thích, hướng dẫn cụ thể.
2.2. Kết quả xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
(Không phát sinh đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại và tố cáo của công dân liên quan đến lĩnh vực của ngành).
2.3. Kết quả giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài.
(Không phát sinh vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài).
III. Đánh giá chung
1. Ưu điểm:
Đảng ủy, Ban Giám đốc sở rất quan tâm, chú trọng trong công tác dân vận. Việc triển khai thực hiện nghiêm túc tạo nên sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ, đạo đức công vụ, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại đơn vị.
2. Khó khăn, hạn chế và nguyên nhân:
Việc tuyên truyền, quán triệt và phương pháp triển khai công tác dân vận đôi lúc còn lúng túng và chưa được phong phú. Nguyên nhân: cán bộ thực hiện công tác này chưa được tập huấn nên chưa có nhiều kinh nghiệm thực hiện.
Việc giải quyết thủ tục hành chính liên thông 3 cấp có lúc còn chưa đúng hạn, nguyên nhân do điều kiện nhân sự và thiết bị ở cấp xã còn khó khăn; Nhiều thủ tục hành chính về chính sách người có công, bảo trợ xã hội xử lý trên môi trường điện tử không đảm bảo, chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện của ngành. Lý do là các thủ tục đã được nâng lên mức độ 4, tuy nhiên các đối tượng áp dụng đa số là người cao tuổi, nhiều trường hợp đối tượng bảo trợ xã hội là người tâm thần, người già cô đơn, trẻ em bị bỏ rơi... không có khả năng sử dụng thiết bị công nghệ nên khó khăn trong việc nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến.
3. Những kinh nghiệm rút ra
Công tác dân vận chính quyền gắn với việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở phát huy hiệu quả quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại đơn vị.
Việc quán triệt để mọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu rõ vị trí, vai trò và xác định trách nhiệm cá nhân đối với công tác dân vận trong đơn vị sẽ giúp cho mọi hoạt động trong việc thực thi nhiệm vụ, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, trao đổi, giải quyết công việc được chuyển biến tích cực, đáp ứng được mọi nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành các mục tiêu của ngành đã được Tỉnh ủy, HĐND và UBND giao.
Kế hoạch số 3307/KH-UBND ngày 28/12/2020 của UBND tỉnh V/v giao kế hoạch phát triển KTXH năm 2021, ngành LĐTBXH được giao các chỉ tiêu cơ bản như sau:
- Lao động được giải quyết việc làm: 38.000 người
- Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị: <3,2%
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo: 61%
- Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHYT: 33%
- Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm trong năm: 1% (2.000 hộ)