Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành đơn giá trồng rừng thay thế trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật trồng rừng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, làm cơ sở để chủ dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác nộp tiền theo đơn giá trồng rừng của tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh chủ trương cho chủ dự án thực hiện trồng rừng thay thế trong trường hợp tỉnh còn quỹ đất; chỉ đề xuất trồng rừng thay thế sang tỉnh khác khi không còn quỹ đất hoặc còn quỹ đất nhưng điều kiện lập địa không phù hợp để trồng rừng.
Đồng thời, rà soát kinh phí trồng rừng thay thế chủ dự án đã nộp vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh nhưng chưa có kế hoạch, nội dung chi, chưa sử dụng trước ngày Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực thi hành, để khẩn trương tổ chức trồng rừng thay thế theo quy định, đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế không thấp hơn diện tích do các chủ dự án nộp tiền.
UBND các huyện, thị xã có rừng chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ căn cứ Quyết định số 225/QĐ-UBND ngày 05/02/2024 của UBND tỉnh về công bố hiện trạng rừng tỉnh Bình Phước năm 2023, rà soát diện tích đất quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất để thực hiện trồng rừng thay thế. Trên cơ sở kết quả rà soát, báo cáo, đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh bố trí trồng rừng thay thế theo đúng quy định. Hỗ trợ trồng rừng sản xuất loài cây gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi) trên đất quy hoạch cho rừng sản xuất giao cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định.
Bên cạnh đó, giao các đơn vị chủ rừng chủ động rà soát quỹ đất tại đơn vị đủ điều kiện trong rừng thay thế, báo cáo UBND các huyện, thị xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh bố trí trồng rừng thay thế theo quy định./.