Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, quán triệt, triển khai các nhiệm vụ tại Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, đảm bảo đúng quy định.
Đồng thời, giao Sở Y tế là cơ quan đầu mối tham mưu UBND tỉnh theo dõi, hướng dẫn, điều phối, đôn đốc, chỉ đạo các hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tại Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW. Phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm ổn định, củng cố tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác dân số các cấp, đảm bảo đủ nhân lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chỉ đạo cơ quan, đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng viên chức theo đúng vị trí việc làm. Quan tâm đến việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút đội ngũ cán bộ làm công tác dân số theo quy định hiện hành. Thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác dân số đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành và tổng số lượng công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền giao, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc ưu tiên, bố trí nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng các kế hoạch chi tiết để thực hiện các nhiệm vụ được giao, đảm bảo đúng quy định. Chủ động tham mưu UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế, UBND tỉnh theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ trên cơ sở đề nghị của Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hằng năm, giai đoạn theo quy định của pháp luật, trong đó có việc đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành y tế nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình UBND tỉnh quyết định cử công chức, viên chức ngành y tế đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành. Thẩm định, trình UBND tỉnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành y tế trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, với cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện lồng ghép các yếu tố dân số vào trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương; phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai, thực hiện. Bố trí kinh phí từ ngân sách của địa phương để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về dân số và chi trả chế độ cho các đối tượng chính sách, hỗ trợ chính sách cho cộng tác viên dân số theo đúng quy định của pháp luật. Căn cứ quy định của pháp luật hiện hành và tổng số lượng công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền giao, ưu tiên, bố trí nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp, gắn bó lâu dài tại y tế cơ sở, nhất là vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng, xử lý vi phạm trong tổ chức thực hiện; kịp thời phát hiện, giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao./.