Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực hơn nữa trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết về quản lý CTRSH của hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện, từng bước triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả các cơ chế, chính sách, pháp luật về công tác quản lý CTRSH trên địa bàn. Đặc biệt lưu ý các nội dung sau phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024 ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai công tác phân loại CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo quy định của pháp luật về giá (quy định tại khoản 6 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường và được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 73 Luật Giá).
Đồng thời, thực hiện nội dung về quản lý CTRSH trong quy hoạch cấp tỉnh, bố trí quỹ đất cho khu xử lý CTRSH, thực hiện việc giao đất kịp thời để triển khai xây dựng và vận hành khu xử lý CTRSH trên địa bàn; bố trí kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý CTRSH.
Thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho việc đầu tư đồng bộ hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; khuyến khích xã hội hóa trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Sớm có kế hoạch chuyển đổi công nghệ xử lý CTRSH, ưu tiên áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu về giảm tỷ lệ chôn lấp trực tiếp dưới 30% vào năm 2025. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông phổ biến, tuyên truyền các quy định về quản lý CTRSH nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý CTRSH đến từng hộ gia đình, người dân./.