Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 273-KH/TU ngày 20/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo nguồn cải cách tiền lương, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức và địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và xã hội, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; là văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và mỗi người dân, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả việc huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực kinh tế - xã hội cho phát triển đất nước, nâng cao cuộc sống Nhân dân.
Đồng thời, tham gia rà soát các chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng lấy tiết kiệm là mục tiêu, chống lãng phí là nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi. Tập trung xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu; quy định cụ thể hành vi vi phạm, hình thức xử lý; chú trọng các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực như đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tín dụng, quản lý tài sản công, đầu tư công, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Rà soát, đề xuất, ban hành theo thẩm quyền tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, chế độ chi tiêu công làm căn cứ để giảm hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, tài nguyên, lao động, thời gian lao động, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước phải xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của tỉnh để phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng và Nhân dân. Tăng cường dân chủ cơ sở, tạo điều kiện cho hoạt động thanh tra nhân dân và giám sát của cộng đồng dân cư ở cơ sở; kịp thời phát hiện, thông tin, phản ánh, ngăn chặn hành vi gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, sáng kiến; có biện pháp thiết thực bảo vệ người đấu tranh, tố giác hành vi gây lãng phí, thất thoát.
Bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế, hương ước, quy ước của cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư gắn với các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội./.