Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ bảy - 07/05/2022 09:56
(CTTĐTBP) - Tai nạn đuối nước là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với trẻ em ở vùng nông thôn. Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra những vụ trẻ em đuối nước thương tâm, khiến dư luận hết sức lo lắng. Vấn đề phòng, chống đuối nước cho trẻ càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Những con số… buồn!
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, số trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước trong tỉnh còn khá cao: Năm 2016 có 24 trẻ, năm 2017 có 14 trẻ, năm 2018 có 16 trẻ, năm 2019 có 5 trẻ, năm 2020 có 6 trẻ và năm 2021 là 19 trẻ. Năm 2022, chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều trường hợp tử vong do đuối nước thương tâm, trong đó có 9 trẻ em. Đáng buồn nhất là dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, đã xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm làm 4 học sinh lớp 11 ở huyện Bù Đăng tử vong.
Cụ thể, trong lúc đang tổ chức đi chơi tại khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai, thuộc thôn 1, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, 5 học sinh lớp 11, Trường THPT Bù Đăng rủ nhau lội ngược dòng lên hướng có nước để tắm. Do địa hình chia cắt, nước lớn và chảy xiết đã cuốn trôi các em vào vòng xoáy. Dù được người dân xuống cứu nhưng 4 em đã tử vong. Ngày 2-5 tiếp tục xảy ra trường hợp em P.Đ.T (8 tuổi) ở thôn 1, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng bị nước cuốn trôi tử vong khi trốn mẹ đi tắm tại thác 34.
Đâu là nguyên nhân?
Liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm xảy ra thời gian qua đã để lại nỗi đau, sự tổn thất to lớn cho gia đình và xã hội. Qua đó, gióng lên hồi chuông cảnh báo về môi trường sống không đảm bảo an toàn cho trẻ. Thực tế hiện nay, hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm ở một số khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Song song đó là những hạn chế về nhận thức và kỹ năng ứng phó khi bị đuối nước ở trẻ và sự lơ là, chủ quan của người lớn trong việc chăm sóc, quản lý con em mình.
Theo ông Nguyễn Văn Lưu, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng, là địa phương có nhiều sông, suối, hồ, đập, thác nước… dòng nước chảy xiết, không ổn định, đặc biệt trong mùa mưa dễ xảy ra tai nạn nên UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn và trường học tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em. Tuy nhiên, do điều kiện công việc, tâm lý chủ quan, nhiều phụ huynh vẫn chưa thật sự quan tâm, quản lý con, nhất là ở vùng nông thôn.
Mặt khác, ở độ tuổi hiếu động, nhiều em có tâm lý ham chơi, ưa mạo hiểm nên đã trốn gia đình đi tắm sông, tắm suối, đùa nghịch ở ngay cả những địa điểm thường xuyên xảy ra đuối nước và phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Tại các địa phương vùng sâu, xa, khu vui chơi dành cho trẻ em rất ít, các nhà văn hóa hầu như chỉ để phục vụ hội họp của thôn, xóm… Trong khi số hồ bơi an toàn, đạt chuẩn đáp ứng nhu cầu vui chơi và học tập kỹ năng bơi lội, phòng chống tai nạn đuối nước còn rất hạn chế.
Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể số lượng trẻ biết bơi trên địa bàn tỉnh thế nhưng thực tế không ít học sinh biết bơi nhưng không trang bị đủ kiến thức để ứng phó trước những tình huống nguy hiểm. Minh chứng là một số vụ việc học sinh cứu được bạn nhưng không cứu được chính mình.
Chị Nguyễn Thị Hồng ở thôn 3, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng chia sẻ: “Con gái tôi đã được phổ biến kiến thức bơi lội tại địa phương và nhà trường nhưng chủ yếu là lý thuyết chứ chưa có điều kiện thực hành. Theo tôi, học bơi thôi chưa đủ, nhà trường cần dạy trẻ kỹ năng bơi cứu đuối, bơi tự cứu và sơ, cấp cứu tại cộng đồng. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng để khi các con gặp tình huống đuối nước có thể tồn tại dưới môi trường nước, chờ người lớn tới cứu”.
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước và bảo đảm an toàn cho trẻ em, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Ông Trần Văn Xuân, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trên cơ sở chỉ đạo, sở sẽ phối hợp các cấp, ngành liên quan khắc phục những hạn chế, tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức về tai nạn đuối nước cho trẻ và cả người lớn. Củng cố cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo viên và hướng dẫn viên dạy bơi; vận động các gia đình chủ động đưa trẻ đi học bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương để tổ chức các lớp dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ.
Chúng tôi sẽ tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em tại các địa phương. Xác minh, điều tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân đối với các vụ việc tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước gây tử vong ở trẻ em...
Ông Trần Văn Xuân, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hộ
Bình Phước là nơi có nhiều ao, hồ, kênh, rạch, sông, suối… tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước. Việc phòng ngừa tai nạn thương tích ở trẻ em nói chung và đuối nước nói riêng là rất cần thiết, đòi hỏi phải có sự đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em là phải dạy trẻ kỹ năng bơi lội ngay từ nhỏ; hướng dẫn trẻ các nguyên tắc an toàn khi bơi và xử lý tình huống đuối nước. Đặc biệt, cha mẹ cần chủ động hơn trong việc quản lý và đảm bảo môi trường vui chơi an toàn cho trẻ. Có như vậy mới tránh được những rủi ro tai nạn thương tâm đối với trẻ./.