Thị trường nông sản tháng 8/2020

Thứ ba - 08/09/2020 15:40
(CTTĐTBP) - Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá giao dịch sắn lát tháng 8/2020 tại khu vực Tây Ninh, Bình Phước tiếp tục tăng; cà phê trong nước biến động tăng cùng xu hướng thị trường thế giới và giá tiêu cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 8/2020; giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng giảm 13,1%, còn xuất khẩu cao su 8 tháng năm 2020 giảm 12,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Giá sắn lát tiếp tục tăng

Trong tháng 8 năm 2020, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn ước đạt 200 nghìn tấn, tương đương 73 USD, đưa khối lượng xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,78 triệu tấn với giá trị 619 triệu USD; tăng 15,6% về khối lượng và 3,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn bình quân 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt 347,4 USD/tấn, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại thị trường trong nước, giá giao dịch sắn lát tháng 8/2020 tại khu vực Tây Ninh, Bình Phước tiếp tục tăng do tồn kho thấp, mặc dù nhu cầu mua từ nhà máy chậm, dao động ở mức 5.300 - 5.400 đồng/kg. Giá tinh bột sắn nội địa tại Tây Ninh cũng ở mức cao đạt 9.400 - 10.000 đồng/kg. Hiện bệnh khảm lá sắn đã lây lan ra 18 tỉnh, diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá sắn gồm 54.374ha, trong đó nhiễm nặng 5.740ha và đã phòng trừ 2.068ha.

Giá cà phê tăng cùng xu hướng thị trường thế giới

Xuất khẩu cà phê tháng 8 năm 2020 ước đạt 110 nghìn tấn với giá trị đạt 197 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm 2020 đạt 1,16 triệu tấn và 1,98 tỷ USD, giảm 1,3% về khối lượng và giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đức, Hoa Kỳ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 với thị phần lần lượt là 13,6% (đạt 243,5 triệu USD), 9% (đạt 160,3 triệu USD) và 7,8% (đạt 139,4 triệu USD).
 
ca phe
Giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 800 đồng/kg lên mức 32.900 - 33.400 đồng/kg
 
Giá trị xuất khẩu cà phê tăng mạnh tại các thị trường: Ba Lan (tăng 52,6%, đạt 26,2 triệu USD), Nhật Bản (tăng 15,1%, đạt 117 triệu USD) và Bỉ (tăng 10,6%, đạt 81,7 triệu USD), trong khi giảm mạnh nhất tại thị trường Anh (giảm 26%, đạt 37,4 triệu USD) và thị trường Thái Lan (giảm 19%, đạt 33,6 triệu USD). Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2020 đạt 1.788 USD/tấn, giảm nhẹ 0,03% so với cùng kỳ năm 2019.

Thị trường cà phê trong nước biến động tăng cùng xu hướng thị trường thế giới. So với tháng 7/2020, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 800 đồng/kg lên mức 32.900 - 33.400 đồng/kg. Giá cà phê cao nhất ở khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng. Cà phê Robusta giá FOB giao tại cảng thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,6% lên mức 34.400 đồng/kg. Một số địa phương trồng cà phê tại khu vực Tây Nguyên gặp khó khăn với tình trạng thiếu nước kéo dài, cùng với sản lượng thấp có thể sẽ đẩy giá nội địa tăng trong thời gian tới.

Giá tiêu trong nước có dấu hiệu tăng

Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 8 năm 2020 ước đạt 18 nghìn tấn với giá trị đạt 45 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu tiêu 8 tháng đầu năm 2020 đạt 203 nghìn tấn và 445 triệu USD, giảm 7,4% về khối lượng và giảm 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Ba thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam tiếp tục là Hoa Kỳ, Ấn Độ và Đức, chiếm 30,8% trong tổng giá trị xuất khẩu tiêu của Việt Nam. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng năm 2020 đạt 2.169 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019.
 
tieu
Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng giảm 15% so với cùng kỳ năm 2019
 
Tại thị trường trong nước, giá tiêu cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng trong tháng 8/2020. Cụ thể, so với tháng trước, giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng 1.500 đồng/kg lên mức 49.500 đồng/kg; giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông tăng 2.000 đồng/kg lên 48.500 đồng/kg; giá tiêu tại Đồng Nai tăng 2.500 đồng/kg lên 47.500 đồng/kg.

Giá hạt điều xuất khẩu giảm 13,1% so cùng kỳ 2019

Trong tháng 08/2020, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 45 nghìn tấn với giá trị 261 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 8 tháng đầu năm 2020 đạt 312 nghìn tấn và 1,99 tỷ USD, tăng 9% về khối lượng nhưng giảm 5,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm thị phần lần lượt là 35,2%, 13% và 10,6% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Giá trị xuất khẩu điều tăng mạnh nhất tại thị trường Nhật Bản, tăng 88,6%; ngược lại thị trường có giá trị xuất khẩu điều giảm mạnh nhất là Nga, giảm 40,8%. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2020 đạt 6.614 USD/tấn, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 08/2020 ước đạt 141 nghìn tấn với giá trị đạt 148 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu hạt điều 8 tháng đầu năm 2020 đạt 924 nghìn tấn và 1,14 tỷ USD, giảm 18,4% về khối lượng và giảm 23,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường nhập khẩu hạt điều chính trong tháng 7 năm 2020 là Campuchia, Tanzania, Bờ Biển Ngà. Tại thị trường trong nước, giá điều nguyên liệu biến động trái chiều trong tháng 8/2020. Cụ thể, điều khô mua xô tại Bình Phước từ 24.500 đồng/kg tăng lên 26.000 đồng/kg; tại Đắk Lắk, điều tươi chưa phân loại ổn định ở mức 30.500 đồng/kg, điều khô loại 1 ở mức 50.000 đồng/kg; tại Đồng Nai, điều thô mua xô giảm mạnh từ 42.000 đồng/kg xuống còn 33.000 đồng/kg.
 
pink and blue galaxy gaming youtube channel art
Khối lượng xuất khẩu hạt điều 8 tháng năm 2020 đạt 312 nghìn tấn
 
Trên thị trường thế giới, Ấn Độ không niêm yết giá điều xuất khẩu kể từ giữa tháng 7, khả năng tiếp tục có một chu kỳ gián đoạn mới do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trên thị trường nội địa Ấn Độ, nhu cầu bán lẻ không có biến động lớn do lũ lụt tiếp tục ảnh hưởng đến vùng Mumbai-Rajasthan. Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến ngành điều Việt Nam trong thời gian vừa qua. Giá điều nhân liên tục giảm trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi đã dự trữ nguyên liệu với giá cao nhưng phải xuất khẩu đi với giá thấp.

Các doanh nghiệp thường dự trữ điều thô từ cuối năm trước để chế biến xuất khẩu cho năm sau. Vào thời điểm cuối năm 2019, giá điều thô khá cao, từ 1.200 đến 1.500 USD/tấn. Đến đầu năm 2020, giá điều thô giảm xuống còn 1.000 USD/tấn, kéo giá điều nhân giảm theo khiến cho doanh nghiệp lỗ nặng, buộc phải sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngừng hoạt động. Ngoài ra, việc giá điều giảm khiến khách hàng chú ý nhiều hơn đến chất lượng, nên nhiều vụ tranh chấp thương mại đã xảy ra, nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về.

Giá cao su xuất khẩu giảm 6,2% so cùng kỳ 2019

Khối lượng xuất khẩu cao su tháng 8/2020 ước đạt 220 nghìn tấn, giá trị 267 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm 2020 đạt 905 nghìn tấn, giá trị 1,15 tỷ USD, giảm 5,9% về khối lượng và giảm 12,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2020 khoảng 1.290,5 USD/tấn, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020, chiếm thị phần lần lượt là 72,3%, 4,4% và 2,6%.

Khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 8/2020 ước đạt 91 nghìn tấn, giá trị đạt 108 triệu USD; nâng khối lượng nhập khẩu cao su 8 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam lên 555 nghìn tấn, giá trị 745 triệu USD; tăng 27% về lượng nhưng giảm 0,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu của Việt Nam là Campuchia (18,5%), Hàn Quốc (chiếm 17,2%) và Nhật Bản (12,2%).

Thị trường mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động trái chiều trong tháng 8. Tại Bình Phước, giá thu mua mủ nước tăng lên 245 đồng/độ, mủ cao su dạng thô ổn định ở mức 12.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá mủ tại Đồng Nai giảm 400 đồng/kg xuống còn 9.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Osaka (OSE) có xu hướng tăng trong tháng 8. Các nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động giao dịch ngăn ngừa rủi ro khi chứng khoán phố Wall và Tokyo tăng, đồng thời cũng kỳ vọng về nền kinh tế tại Trung Quốc (thị trường nhập khẩu hàng đầu) hồi phục, hỗ trợ giá. Giá cao su physical trên thị trường châu Á diễn biến tăng cùng chiều với thị trường kỳ hạn. Cụ thể, RSS3 Thái Lan ngày 19/8 ở mức 1,74 USD/kg, tăng 0,14 USD/kg; STR20 Thái Lan ở mức 1,35 USD/kg, tăng 0,06 USD/kg; SMR20 Malaysia ở mức 1,32 USD/kg, tăng 0,08 USD/kg; SIR20 Indonesia ở mức 1,32 USD/kg, tăng 0,08 USD/kg so với ngày 3/8./.

Tác giả: Hải Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,162
  • Hôm nay25,673
  • Tháng hiện tại1,291,817
  • Tổng lượt truy cập437,095,436
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây