Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời đã phải tập trung giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, chống thù trong giặc ngoài, diệt giặc đói, giặc dốt, bảo vệ chính quyền cách mạng. Trong bối cảnh cam go, quyết liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, để khích lệ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện; theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, trong đó xác định: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc và chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều... Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi như lời hiệu triệu, thôi thúc đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, ra sức thi đua, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 72 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thi đua yêu nước đã trở thành phong trào rộng khắp, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực tinh thần, khí thế cách mạng mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Trong các giai đoạn cách mạng, các phong trào thi đua yêu nước luôn gắn kết chặt chẽ với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong từng lĩnh vực, từng cơ quan, đơn vị, địa phương, làm cho phong trào có nội dung và khí thế sôi nổi, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng, nỗ lực phấn đấu, giành được những thành tựu to lớn, góp phần đưa đất nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất của dân tộc ta.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các phong trào thi đua: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”... đã diễn ra sôi động; công nhân, nông dân, trí thức thi đua lao động, sản xuất, bộ đội, du kích thi đua giết giặc, diệt ác, trừ gian, cơ quan thi đua công tác, trường học thi đua dạy tốt, học tốt... Qua các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu mà điển hình là các anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Võ Thị Sáu, Tô Vĩnh Diện, Cù Chính Lan và các anh hùng La Văn cầu, Nguyễn Thị Chiên, Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm...
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, miền Nam tạm thời bị đế quốc Mỹ và tay sai chiếm đóng, nhân dân ta đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Khi miền Bắc bước vào thực hiện Kế hoạch 05 năm lần thứ nhất, miền Nam vùng lên với phong trào Đồng Khởi, các phong trào thi đua yêu nước nở rộ trên các lĩnh vực. Đó là phong trào thi đua “Ba nhất” trong Quân đội với mục tiêu cụ thể là: Nhất về huấn luyện quân sự, rèn luyện kỹ thuật; Nhất về gương mẫu, kỷ luật; Nhất về lao động và sản xuất; phong trào “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp và phong trào thi đua “Học tập, tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong” với năm mục tiêu: Cải tiến kỹ thuật và tăng năng suất; tăng vụ và vỡ hoang; phát triển nhiều ngành, nghề; cải tiến quản lý hợp tác xã; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong hợp tác xã; phong trào “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp với mục tiêu hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật; phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” trong thanh niên; phong trào “Ba đảm đang” trong phụ nữ; các phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt”... ở miền Nam; các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”... ở miền Bắc. Các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, anh hùng, củng cố niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực chiến đấu, lao động, sản xuất, góp phần quan trọng đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc cùng các chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh... ở miền Nam do Mỹ và tay sai tiến hành, đưa đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới vĩ đại của lịch sử dân tộc.
Qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu như: Mười nữ thanh niên xung phong hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); 12 nữ chiến sĩ “Tiểu đội thép” anh dũng hy sinh ở Truông Bồn (Nghệ An); Anh hùng Trịnh Tố Tâm với 53 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”; các anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Bùi Ngọc Dương, Vũ Xuân Thiều, Đặng Thùy Trâm; Anh hùng Lao động Hồ Giáo và nhiều tấm gương sáng ngời khác. Các phong trào đó đã viết nên những trang sử hào hùng, thực sự là trường học cách mạng tôi luyện những con người mới xã hội chủ nghĩa trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
Tiếp tục phát huy vai trò to lớn của phong trào thi đua yêu nước, khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, tư tưởng thi đua yêu nước Hồ Chí Minh ngày càng được vận dụng sáng tạo, linh hoạt với nội dung cụ thể, thiết thực, hình thức phong phú trên mọi lĩnh vực, ở các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương. Các phong trào thi đua yêu nước tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành động lực quan trọng, thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy, động viên, lôi cuốn đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo khí thế sôi nổi, hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điển hình là các cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân Việt Nam; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; phong trào “Năm xung kích - Bốn đồng hành”, cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới hải đảo” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; phong trào “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; phong trào “Thi đua Quyết thắng”, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong Quân đội nhân dân; các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” trong Công an nhân dân; phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động và nhiều phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, các địa phương.
Qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều tập thể, cá nhân lập được những chiến công, thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu, lao động, sản xuất, nghiên cứu khoa học, học tập, vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Chiến sĩ thi đua toàn quốc... Các phong trào thi đua yêu nước đã bám sát yêu cầu thực tiễn đất nước, gắn bó mật thiết với quyền lợi và cuộc sống của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của đất nước trên mọi lĩnh vực./.