Giá cà phê biến động giảm
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu cà phê tháng 4/2020 ước đạt 165 ngàn tấn với giá trị đạt 272 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm 2020 đạt 654 ngàn tấn và 1,11 tỷ USD, tăng 3,7% về khối lượng và tăng 1,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đức, Ý và Mỹ tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 với thị phần lần lượt là 16% (133,7 triệu USD), 8,6% (72,2 triệu USD ) và 8,5% (70,7 triệu USD).
Trong tháng 4/2020, giá cà phê thế giới biến động giảm. Cụ thể giá xuất khẩu bình quân tháng 4 đạt 1.648 USD/tấn, giảm 5% so với tháng 3/2020 và giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2019. Giá cà phê trong nước biến động giảm cùng xu hướng thị trường thế giới. So với tháng 3/2020, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 600 - 800 đồng/kg xuống mức 28.400 - 28.900 đồng/kg.
Giá cà phê giảm do tiêu thụ cà phê toàn cầu giảm dưới tác động của đại dịch Covid-19 và sức ép bán hàng vụ mới từ Brazil. Giá cà phê cũng chịu ảnh hưởng lớn từ biến động tỷ giá của đồng Real của Brazil (Brl), sự mất giá của đồng nội tệ Brazil tạo ra sức cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu nước này trên thị trường cà phê thế giới, đồng thời gây sức ép lên giá cà phê toàn cầu. Bên cạnh đó, giá dầu sụt giảm khiến các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo làm giá giảm sâu trên khắp các thị trường hàng hóa.
Giá tiêu trong nước có xu hướng tăng
Tại thị trường trong nước, giá hạt tiêu có xu hướng tăng trong tháng 4/2020
Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, khối lượng xuất khẩu tháng 4/2020 ước đạt 36 ngàn tấn, với giá trị đạt 73 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu tiêu 4 tháng đầu năm 2020 đạt 117 ngàn tấn và 249 triệu USD, tăng 8,3% về khối lượng nhưng giảm 12% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Năm thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 lần lượt là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Myanma, Pakistan và Đức, với 39,2% thị phần. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 3 tháng năm 2020 đạt 2.185 USD/tấn, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trên thị trường thế giới, giá tiêu trong tháng 4/2020 biến động không đồng nhất giữa các thị trường. Giá tiêu đen giao tại cảng của Brazil và Malaysia đều giữ ổn định, trong khi giá tại Ấn Độ có xu hướng giảm. Ngược lại, giá tiêu của Việt Nam và Indonesia lại có xu hướng tăng. Tại cảng Hồ Chí Minh, giá tiêu đen trung bình tăng từ 1.995 USD/tấn lên 2.145 USD/tấn và giá tiêu đen tại cảng Lampung (Indonesia) đã tăng từ 1.813 USD/tấn lên 1.995 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, giá hạt tiêu có xu hướng tăng trong tháng 4/2020, trong đó giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai tăng 1.500 đồng/kg lên mức 37.000 - 39.000 đồng/kg; tại Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước tăng 1.000 đồng/kg lên mức 37.500 đồng/kg; tại Gia Lai tăng 2.500 đồng/kg lên 37.000 đồng/kg.
Giá điều xuất khẩu giảm 12,5% so năm 2019
Trong tháng 4/2020, khối lượng điều nhân Việt Nam xuất khẩu ước đạt 43 ngàn tấn với giá trị 281 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm 2020 đạt 137 ngàn tấn và 948 triệu USD, tăng 19,4% về khối lượng và tăng 4,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 36,8%, 11,9% và 6,9% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều.
Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2020 đạt 7.044 USD/tấn, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 4/2020 ước đạt 105 ngàn tấn với giá trị đạt 132 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu hạt điều 4 tháng đầu năm 2020 đạt 293 ngàn tấn và 413 triệu USD, tăng 3,2% về khối lượng nhưng giảm 13,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường nhập khẩu hạt điều chính trong tháng 4 là Campuchia, Tanzania, Indonexia, Bờ Biển Ngà và Nigieria.
Giá điều nguyên liệu trong nước diễn biến tăng so với tháng 3/2020
Trong tháng 4/2020, giá điều nguyên liệu trong nước diễn biến tăng so với tháng trước. Cụ thể, điều khô mua xô tại Đắk Lắk giữ ở mức 29.000 đồng/kg trong suốt tháng; tại Đồng Nai giá điều thô ổn định ở mức 46.000 đồng/kg. Tại Bình Phước, giá hạt điều nguyên liệu tăng từ 24.000 đồng/kg lên 28.000 đồng/kg.
Thị trường cao su trong nước diễn biến ổn định
Khối lượng xuất khẩu cao su tháng 4/2020 ước đạt 40 ngàn tấn với giá trị đạt 52 triệu USD, lũy kế xuất khẩu cao su 4 tháng đầu năm 2020 đạt 267 ngàn tấn và 383 triệu USD, giảm 35,4% về khối lượng và giảm 31,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Trung Quốc, Ấn Độ, và Hàn Quốc tiếp tục là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020, chiếm thị phần lần lượt là 61,3%, 6,5% và 3,7%.
Thị trường mủ cao su nguyên liệu trong nước diễn biến ổn định trong tháng 4/2020. Giá mủ tại Đồng Nai tiếp tục không thay đổi ở mức 12.000 đồng/kg. Cây cao su ở Bình Phước vẫn đang trong giai đoạn thay lá, tạm ngừng cạo mủ. Thị trường cao su trong nước vẫn trầm lắng. Nhu cầu tiêu dùng cao su ở mức thấp do đại dịch Covid-19 khiến ngành sản xuất ô tô gặp nhiều khó khăn và thị trường lo ngại kinh tế thế giới suy thoái.
Quý 1/2020, dù nhu cầu cao su toàn cầu ở mức thấp, nhưng thị trường được hỗ trợ bởi sản lượng giảm do cây cao su vào mùa rụng lá. Dự kiến quý 2/2020 là giai đoạn bắt đầu mùa thu hoạch cao su tại các nước Đông Nam Á, nhu cầu cao su tự nhiên từ các nước tiêu thụ lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu ở mức thấp và giá dầu thô giảm kỷ lục sẽ gây áp lực đối với giá cao su tự nhiên./.