VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10/2018

Thứ năm - 13/12/2018 20:54
(CTTĐTBP) - Bộ Tư pháp vừa ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 10/2018.
I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH

Trong tháng 10 năm 2018, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 17 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 16 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

Các Nghị định của Chính phủ:

1. Nghị định số 132/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài;

2. Nghị định số 133/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật;

3. Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;

4. Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường;

5. Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư;

6. Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe;

7. Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới;

8. Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

9. Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

10. Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

11. Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

12. Nghị định số 144/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức;

13. Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021;

14. Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế;

15. Nghị định số 147/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải;

16. Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:

1. Quyết định số 42/2018/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Nghị định số 132/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 10 năm 2018.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP, cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về: (1) Quy định chung về: Lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; Lĩnh vực ưu tiên theo nguồn vốn và nguyên tắc sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng; Nguyên tắc áp dụng cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; Quy trình quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi; Vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi; (2) Lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất và quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại; (3) Lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án dử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi và chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA không hoàn lại; (4) Lập, thẩm định, quyết định chủ trương thực hiện và phê duyệt văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, phi dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại; (5) Ký kết điều ước quốc tế và thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi; (6) Quản lý thực hiện chương trình, dự án; (7) Mở và quản lý tài khoản thanh toán; (8) Lập kế hoạch tài chính nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; (9) Kiểm soát chi nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi; (10) Rút vốn, quản lý hạch toán vốn ODA, vốn vay ưu đãi; (11) Báo cáo, kế toán, kiểm toán, quyết toán, kiểm tra.

- Bãi bỏ: Khoản 7 Điều 3; Điều 17; điểm b, c khoản 5 Điều 26; điểm b, c khoản 6 Điều 26; khoản 7, 8 Điều 26; khoản 4, 5 và 6 Điều 29; Điều 38; Điều 40; Điều 45; khoản 3 Điều 46; Điều 50; điểm e khoản 7 Điều 59; khoản 5 Điều 60; cụm từ “chương trình, dự án ô” tại khoản 4 Điều 46; cụm từ “phi dự án” tại các Điều của Chương II, III; Phụ lục IV và IX; Mục XI tại Phụ lục VII; Mục X tại Phụ lục X.

- Nghị định này thay thế từ “Văn kiện” thành “Báo cáo nghiên cứu khả thi” tại các Điều 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30; Phụ lục V, VI, VIII.

2. Nghị định số 133/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 11 năm 2018.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật, cụ thể: (1) Điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật; (2) Thủ tục xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.

3. Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 11 năm 2018.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP, cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về: (1) Trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ; (2) Nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập; (3) Trường tiểu học; (4) Cơ sở giáo dục khác thực hiện chương trình giáo dục tiểu học; (5) Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học; (6) Trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; (7) Trung tâm giáo dục thường xuyên; (8) Trung tâm học tập công cộng; (9) Trung tâm ngoại ngữ, tin học; (10) Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập; (11) Trường phổ thông dân tộc bán trú; (12) Trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm; (13) Trường đại học; (14) Tổ chức kiểm định giáo dục trong nước; (15) Công nhận tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài hoạt động ở Việt Nam; (16) Kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

- Bãi bỏ một số điều, khoản, điểm của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP như sau: Bãi bỏ điểm c và điểm d khoản 2 Điều 4; khoản 1 Điều 7; khoản 1 Điều 12; điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 16; khoản 1 và điểm d khoản 3 Điều 19; gạch đầu dòng thứ hai và thứ ba điểm d khoản 3 Điều 20; gạch đầu dòng thứ hai điểm b khoản 3 Điều 21; điểm d và đ khoản 2 Điều 26; điểm c khoản 2 Điều 28; khoản 1 và điểm d khoản 3 Điều 29; gạch đầu dòng thứ hai và thứ ba điểm d khoản 3 Điều 30; gạch đầu dòng thứ hai điểm b khoản 3 Điều 31; Điều 32; Điều 33; Điều 34; Điều 35; Điều 36; gạch đầu dòng thứ hai và thứ ba điểm d khoản 3 Điều 40; điểm c khoản 1 Điều 41; Điều 42; điểm b khoản 1 Điều 44; điểm c khoản 1 Điều 45; Điều 46; khoản 1 Điều 50; gạch đầu dòng thứ hai và thứ ba điểm d khoản 3 Điều 51; điểm b khoản 1 Điều 52; điểm c khoản 2 Điều 61; gạch đầu dòng thứ hai và thứ ba điểm d khoản 3 Điều 65; khoản 2 Điều 78; khoản 2 Điều 80; điểm b và điểm c khoản 5 Điều 83; khoản 5 Điều 91; điểm a khoản 1 Điều 93; khoản 1 Điều 94; Điều 97; Điều 103; điểm c khoản 1 Điều 105; khoản 1 và khoản 2 Điều 107.

4. Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 10 năm 2018.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 14 điều, sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cụ thể:

- Sửa đổi, bãi bỏ một số điểm, khoản tại các điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai, cụ thể: (1) Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra, đánh giá đất đai; (2) Điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng hệ thống thông tin đất đai; (3) Điều kiện của tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Sửa đổi một số khoản tại Điều 20 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về định giá đất (về điều kiện hoạt động của tư vấn xác định giá đất, cá nhân hành nghề xác định giá đất).

- Sửa đổi, bãi bỏ một số điểm, khoản tại các điều của Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, cụ thể: (1) Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong lĩnh vực quan trắc tại hiện trường; (2) Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường trong lĩnh vực phân tích môi trường.

- Bãi bỏ Điều 9 và Điều 13 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.

- Bãi bỏ điểm d khoản 5 Điều 22 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường.

- Sửa đổi, bãi bỏ một số điểm tại các điều của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, cụ thể: (1) Điều kiện để được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; (2) Điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu.

- Sửa đổi, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cụ thể: (1) Điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên nước; (2) Điều kiện của tổ chức hành nghề thăm dò khoáng sản; (3) Điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại.

- Sửa đổi, bãi bỏ một số điểm, khoản tại các điều của Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ quy định Danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cụ thể: (1) Sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng nguy hiểm, quy cách đóng gói, tiêu chuẩn bao bì, thùng chứa; (2) Thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.

- Sửa đổi một số khoản tại các điều của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước, cụ thể: (1) Thăm dò nước dưới đất; (2) Điều kiện cấp phép.

- Sửa đổi khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định số 45/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ (về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ).

- Sửa đổi khoản 3 Điều 9 của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khí tượng thủy văn (về điều kiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức).

5. Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 11 năm 2018.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2013/NĐ-CP, cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về: (1) Người không đủ tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, người không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt theo quy định của Luật luật sư; (2) Miễn đào tạo nghề luật sư và miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư; (3) Bãi nhiệm thành viên Ban chủ nhiệm, Chủ nhiệm Đoàn luật sư; (4) Phối hợp xây dựng Đề án Đại hội nhiệm kỳ, Đề án Đại hội bất thường, phương án xây dựng nhân sự bầu Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam; (5) Bãi nhiệm Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam; (6) Thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, Giấy đăng ký hành nghề luật sư với tư cách cá nhân; (7) Phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường, phương án xây dựng nhân sự Ban chủ nhiệm, Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư; (8) Phê chuẩn kết quả Đại hội luật sư; (9) Thu hồi Giấy phép thành lập của chi nhánh, công ty luật nước ngoài; (10) Thu hồi Giấy phép hành nghề tại Việt Nam của luật sư nước ngoài.

- Bãi bỏ Điều 43 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật luật sư (về quy định chuyển tiếp).

6. Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2018.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 65/2016/NĐ-CP, cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung một số quy định về: (1) Điều kiện kinh doanh, cấp và thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô; (2) Điều kiện kinh doanh, cấp và thu hồi giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động; (3) Điều khoản thi hành.

- Bãi bỏ các quy định sau: Điều 4; khoản 2 Điều 5; điểm h khoản 1 Điều 6; các điểm c, đ, e, g, h, i, k khoản 2 Điều 6; khoản 4 Điều 6; các điểm c và đ khoản 1 Điều 9; điểm c khoản 1 Điều 14; Điều 17; điểm b khoản 1 Điều 18; Điều 25; Phụ lục I của Nghị định số 65/2016/NĐ-CPngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục IV về mẫu đơn đề nghị tập huấn, cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe.

7. Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

Nghị định này thay thế Nghị định số 63/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 29 điều quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự; quản lý, hoạt động và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, cụ thể: (1) Nguyên tắc hoạt động dịch vụ kiểm định xe cơ giới; (2) Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; (3) Cấp, tạm đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; (4) Quy định về quản lý và hoạt động của đơn vị đăng kiểm; (5) Tổ chức thực hiện; (6) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến quản lý, hoạt động, kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Nghị định này không áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện kiểm định xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

Ban hành kèm theo Nghị định này 05 Phụ lục, cụ thể: (1) Mẫu biên bản kiểm tra, đánh giá đơn vị đăng kiểm xe cơ giới; (2) Mẫu giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới; (3) Mẫu lý lịch chuyên môn; (4) Biên bản đánh giá đăng kiểm viên; (5) Mẫu giấy chứng nhận đăng kiểm viên.

8. Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 10 năm 2018.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 chương, 19 điều sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cụ thể:

- Lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, cụ thể: (1) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động; (2) Bãi bỏ Khoản 2 Điều 9; Khoản 4 Điều 11; điểm d Khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 12; khoản 3 và khoản 6 Điều 15; điểm c Khoản 5 Điều 18; Khoản 3 Điều 24 Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.

- Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, cụ thể: (1) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số31/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; (2) Bãi bỏ Điều 7 và Điều 14 của Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; (3) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; (4) Bãi bỏ một số điều của Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; (5)Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; (6) Bãi bỏ khoản 2 Điều 6 Nghị định số 49/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

- Lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 147/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục cấpgiấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.

- Lĩnh vực việc làm, cụ thể: (1) Sửa đổi một số điều, khoản của Nghị định số 52/2014/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm; (2) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; (3) Bãi bỏ Khoản 2 Điều 7, Điều 9 Nghị định số 52/2014/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định điền kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm; (4) Bãi bỏ điểm b Khoản 3 Điều 8 và Điều 17 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

- Lĩnh vực bảo hiểm xã hội, cụ thể: (1) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp; (2) Bãi bỏ Điều 23, Điều 24, Điều 28, Điều 29 của Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp và Điều 15 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện.

- Lĩnh vực bảo trợ xã hội, cụ thể: (1) Sửa đổi một số điều của Nghị định 103/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội; (2) Sửa đổi một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật; (3) Bãi bỏ Điều 20, Điều 21, Điều 22 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật; Điều 21 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Ban hành kèm theo Nghị định này 04 Phụ lục, cụ thể: (1) Biểu mẫu về an toàn, vệ sinh lao động, gồm: Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; Bản thuyết minh về quy mô huấn luyện và các điều kiện, giải pháp thực hiện;Thông báo đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hạng A; Báo cáo định kỳ hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; Sổ theo dõi cấp giấy chứng nhận huấn luyện; Danh sách kiểm định viên; (2) Danh mục thiết bị y tế tối thiểu; (3) Biểu mẫu bảo hiểm xã hội, gồm: Tờ khai đăng ký sử dụng, điều chỉnh thông tin và ngừng sử dụng phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội; Tờ khai đăng ký sử dụng, điều chỉnh thông tin và ngừng sử dụng dịch vụ I-VAN; (4) Biểu mẫu về bảo trợ xã hội, gồm: Tờ khai đề nghị trợ giúp xã hội (Áp dụng đối với đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số136/2013/NĐ-CP); Tờ khai đề nghị trợ giúp xã hội (Áp dụng đối với đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP); Tờ khai đề nghị trợ giúp xã hội (Áp dụng đối với đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP); Tờ khai đề nghị trợ giúp xã hội (Áp dụng đối với đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP); Tờ khai đề nghị trợ giúp xã hội (Áp dụng đối với đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP); Tờ khai hộ gia đình có người khuyết tật; Tờ khai nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; Thông tin của đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.

9. Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 11 năm 2018.

Áp dụng các quy định của Nghị định này để xử lý đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực như sau: Trong trường hợp Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi vi phạm trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét, giải quyết thì áp dụng Nghị định này.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt đối với vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và sửa đổi một số quy định không còn phù hợp với tình hình thực tiễn tại Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh và Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, cụ thể: (1) Sửa đổi Điều 36 Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh (về hành vi bán hàng đa cấp bất chính); (2) Sửa đổi Điều 42 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (về hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp).

10. Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 09 tháng 10 năm 2018.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 08 điều, sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cụ thể:

- Sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, cụ thể: (1) Tổ chức và hoạt động của cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; (2) Điều kiện, thẩm quyền và thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

- Sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cụ thể: (1) Điều kiện kinh doanh giám định cổ vật; (2) Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh giám định cổ vật; (3)Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề tu bổ di tích.

- Sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật điện ảnh số 62/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh số 31/2009/QH12, cụ thể: Điều kiện về vốn pháp định để kinh doanh sản xuất phim, theo đó vốn pháp định là 200.000.000 đồng.

- Sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao, cụ thể: (1) Điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao; (2) Điều kiện về nhân viên chuyên môn; (3) Điều kiện kinh doanh đối vớimột số hoạt động thể thao cụ thể; (4) Bãi bỏ điểm b khoản 1 Điều 5, khoản 2 Điều 7.

- Sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch, cụ thể: Điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch.

- Sửa đổi một số quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số15/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, cụ thể: (1) Bãi bỏ thành phần hồ sơ “- 01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bảnthỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả;” quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP; (2) Bãi bỏ thành phần hồ sơ “đ) 01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận vớitác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả;” quy định tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP.

- Sửa đổi một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ, cụ thể: (1) Hoạt động vũ trường; (2) Hoạt động karaoke; (3) Điều kiện và hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử.

11. Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2018.

Các chế độ quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Nghị định này và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm an toàn xã hội và Luật an toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 18 điều quy định chi tiết Luật bảo hiểm xã hội và Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, cụ thể: (1) Quy định chung về: Quyền và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động, Khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội; (2) Các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc; (3) Quỹ bảo hiểm xã hội; (4) Trình tự, thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội; (5) Điều khoản thi hành.

12. Nghị định số 144/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 10 năm 2018.

Nghị định này bãi bỏ Chương 3 Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về vận tải đa phương thức; Nghị định số 89/2011/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về vận tải đa phương thức.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải đa phương thức.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 02 điều, sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức, cụ thể: (1) Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; (2) Điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế; (3) Thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế; (4) Cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế.

13. Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 – 2021

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2018.

Chính sách miễn học phí cho trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi quy định tại Nghị định này được thực hiện từ năm học 2018 - 2019 (từ ngày 01 tháng 9 năm 2018).

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về đổi mới chế độ học phí cấp phổ thông để bảo đảm mọi đối tượng trong độ tuổi đều được tiếp cận với giáo dục, hạn chế tình trạng bỏ học và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 02 điều, bổ sung khoản 16 Điều 7 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Ban hành kèm theo Nghị định này 02 Phụ lục, cụ thể: (1) Đơn đề nghị miễn học phí; (2) Đơn đề nghị cấp bù tiền miễn học phí.

14. Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2018.

Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế; riêng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6, Điều 8 tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018; Thông tư liên tịch số41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế; riêng các quy định tại Điều 11, khoản 2 Điều 17, Điều 18 thì tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018; Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BYT-BTCngày 02 tháng 7 năm 2015 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính sửa đổi khoản 5 Điều 13 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2014 hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế; Điều 8 và khoản 2 Điều 9 Nghị định số 151/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về chế độ, chính sách của Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Khoản 6 Điều 11, điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế; Nghị định số 151/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều về chế độ, chính sách của Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế; Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ Y tế quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 10 chương, 43 điều quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế, cụ thể: (1) Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; (2) Mức đóng, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, phương thức đóng bảo hiểm y tế của một số đối tượng; (3) Thẻ bảo hiểm y tế; (4) Mức hưởng, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (4) Hợp đồng khán bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (5) Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; (6) Thanh toán trực tiếp chi phí khám bệnh, chữa bệnh giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và người tham gia bảo hiểm y tế; (7) Quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; (8) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (9) Điều khoản thi hành.

Ban hành kèm theo Nghị định này 08 Phụ lục biểu mẫu, gồm: (1) Bảng tổng hợp đối tượng và kinh phí do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; (2) Danh sách đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; (3) Danh sách thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế; (4) Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp, cấp lại và đổi thẻ bảo hiểm y tế; (5) Giấy hẹn khám lại; (6) Giấy chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (7) Hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; (8) Danh sách người tham gia bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.

15. Nghị định số 147/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24 tháng 10 năm 2018.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải, cụ thể:

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện cơ sở đào tạo, huấn luyện và tổ chức tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải, cụ thể: (1) Điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; (2) Điều kiện về giảng viên và huấn luyện viên.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 70/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, cụ thể: (1) Điều kiện cung cấp dịch vụ thiết lập, vận hành, duy trì, bảo trì báo hiệu hàng hải, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; (2) Điều kiện cung cấp dịch vụ khảo sát phục vụ công bố thông báo hàng hải; (3) Điều kiện cung cấp dịch vụ thông báo hàng hải; (4) Điều kiện cung cấp dịch vụ điều tiết bảo đảm an toàn hàng hải; (5) Điều kiện cung cấp dịch vụ khảo sát, xây dựng và phát hành hải đồ vùng nước cảng biển, luồng hàng hải và tuyến hàng hải; xây dựng và phát hành tài liệu, ấn phẩm an toàn hàng hải; (6) Điều kiện cung cấp dịch vụ thông tin điện tử hàng hải; (7) Điều kiện cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải; (8) Điều kiện cung cấp dịch vụ thanh thải chướng ngại vật; (9) Điều kiện kinh doanh dịch vụ nhập khẩu pháo hiệu hàng hải.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển, cụ thể: (1) Điều kiện kinh doanh vận tải biển; (2) Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển; (3) Điều kiện kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển; (4) Điều khoản chuyển tiếp.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 114/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, cụ thể: (1) Điều kiện nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; (2) Điều kiện đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển, cụ thể: (1) Điều kiện của doanh nghiệp; (2) Điều kiện về tổ chức bộ máy và nhân lực; (3) Điều kiện về cơ sử vật chất, trang thiết bị; (4) Điều kiện về bảo vệ môi trường.

- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển, cụ thể: (1) Điều kiện kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải tàu biển; (2) Điều kiện kinh doanh dịch vụ sửa chữa tàu biển.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục Báo cáo thuyết minh các điều kiện bảo đảm điều kiện hoạt động đào tạo, huấn luyện thuyền viên hàng hải.

16. Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 12 năm 2018.

Nghị định này bãi bỏ Điều 7 và Khoản 1, Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTXH ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

Trường hợp hợp đồng lao động chấm dứt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà người sử dụng lao động chưa tính trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động thì thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được xác định theo văn bản quy phạm pháp luật hiện hành tại thời điểm hợp đồng lao động chấm dứt.

Trường hợp hợp đồng lao động có hiệu lực trước ngày Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực thi hành mà hợp đồng lao động có thỏa thuận thời gian thử việc thì thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm bao gồm cả thời gian thử việc trong hợp đồng lao động.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động, cụ thể: (1) Giao kết hợp đồng lao động; (2) Sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động; (3) Tiền lương; (4) Kỷ luật lao động.

17. Quyết định số 42/2018/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 12 năm 2018.

Quyết định này thay thế Quyết định số 117/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định này được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành như: Nghị định số123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 86/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 điều quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo Quyết định, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là tổ chức sự nghiệp khoa học thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện chức năng nghiên cứu cơ chế, chính sách quản lý kinh tế và phát triển doanh nghiệp; đào tạo tiến sĩ kinh tế và thực hiện hoạt động tư vấn theo quy định của pháp luật; có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng và trụ sở chính tại thành phố Hà Nội. Kinh phí được Nhà nước đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương gồm 07 đơn vị, cụ thể: (1)Ban nghiên cứu tổng hợp; (2) Ban nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực; (3) Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh; (4) Ban nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp; (5) Ban nghiên cứu các vấn đề xã hội; (6) Trung tâm tư vấn, đào tạo và thông tin tư liệu; (7) Văn phòng./.

Tác giả: TT.THCB

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,816
  • Hôm nay51,194
  • Tháng hiện tại18,608,436
  • Tổng lượt truy cập478,501,123
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây