Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong trả lời 6 vấn đề đã hứa tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa 8.
Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong chi ngân sách
Để hạn chế tối đa các khoản chi phát sinh ngoài dự toán, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách và thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính trong chi ngân sách, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 540 ngày 8/4/2013 nhằm chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, kiểm soát dự toán chi ngân sách tỉnh theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị khối tỉnh đã đề nghị một số nội dung chi phát sinh ngoài dự toán, UBND tỉnh thực hiện bổ sung sau khi xem xét mức độ cấp thiết của công việc. Riêng khối huyện, thị xã, ngân sách tỉnh không bổ sung thêm khoản chi nào, trừ nguồn làm lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định của Chính phủ.
Thành lập tổ rà soát, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Theo đó, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ, từng ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm giải quyết và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu…
Tính đến tháng 6/2013, tổng số doanh nghiệp được hỗ trợ vay vốn ngân hàng là 803, với doanh số cho vay 4.712,865 tỷ đồng, dự nợ 6.456,884 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm, ngành thuế đã thực hiện gia hạn thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, giảm thu tiền sử dụng đất, với tổng số tiền 595 tỷ đồng.
Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác xóa đói giảm nghèo
Hàng năm, UBND tỉnh đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách, dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện.
Ngày 16/8/2011, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt đề án chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 là 536,032 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương khoảng 33,271 tỷ đồng, chiếm 6,21%, còn lại là ngân sách trung ương và vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội.
Hiện UBND tỉnh đang tiến hành xây dựng và tham mưu Tỉnh ủy nghị quyết chuyên đề và đề án đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020.
Hỗ trợ một phần kinh phí đổi mới công nghệ chế biến hạt điều cho doanh nghiệp
Hàng năm, UBND tỉnh có bố trí kinh phí triển khai thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp hạt điều nói chung, các doanh nghiệp khác nói riêng trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học – công nghệ của tỉnh.
Trong năm 2013, tỉnh đã bố trí khoảng 1 tỷ đồng hỗ trợ cho các doanh nghiệp từ nguồn hỗ trợ chuyển giao công nghệ và 2 tỷ đồng cho hoạt động vay hỗ trợ từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Tăng cường quản lý các thương lái, doanh nghiệp nước ngoài thu mua nông sản trên địa bàn tỉnh
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc thương nhân nước ngoài vào Việt Nam dưới hình thức du lịch nhưng lại tiến hành các hoạt động thương mại như: trực tiếp hoặc gián tiếp thu mua các mặt hàng nông sản để xuất khẩu rồi bỏ trốn không trả tiền, đặt hàng nhưng không thu mua, ép giá… Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh cũng phát sinh vài trường hợp thương lái người nước ngoài vào địa phương thu mua nông sản gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng như: Công an tỉnh, Sở Công thương, Sở Thông tin – Truyền thông, Chi cục quản lý thị trường và UBND các huyện, thị xã tăng cường quản lý hoạt động thu mua hàng hóa của thương nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh, nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý, tránh thiệt hại cho nhân dân.
Đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ cấu lại nợ vay
Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.
Tính đến ngày 31/5/2013, dư nợ tín dụng đạt 18.946 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 18,82%; nợ xấu chiếm tỷ lệ 1,99% trên tổng dư nợ toàn địa bàn. Các tổ chức tín dụng đã quan tâm đầu tư vào các ngành điều, tiêu, cà phê, cao su – là những ngành có ưu thế tại địa phương và cũng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế tài chính.
Đặc biệt trong 3 năm gần đây, các tổ chức tín dụng đã mở rộng mạng lưới đến các huyện vùng sâu, vùng xa giúp các doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nhật Phong