THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG LÀM VIỆC VỚI BỘ CÔNG THƯƠNG

Thứ sáu - 03/10/2014 08:45
(CTTĐTBP)-Chiều 2/10/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương về tình hình sản xuất, kinh doanh, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tái cơ cấu ngành Công Thương và doanh nghiệp của ngành

Theo Báo cáo tại cuộc làm việc, trong 9 tháng đầu năm 2014, hoạt động của ngành Công Thương tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,7%, dự báo cả năm tăng 7,0-7,2%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khẩu ước đạt trên 216 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tăng 14,2% với 21 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; xuất siêu 9 tháng là 2,47 tỷ USD. Dự báo cả năm tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 294,5 tỷ USD, xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD. Cùng với hoạt động xuất nhập khẩu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, cả năm ước tăng 12%. Nhìn chung các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh trong toàn ngành đều tăng cao hơn so với cùng kỳ và tăng cao hơn so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước như xây dựng thể chế, cải cách hành chính, quản lý thị trường, hoạt động đầu tư, phát triển thị trường; thực hiện tái cơ cấu và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo các cân đối lớn … của Bộ và ngành Công Thương đều đạt được những kết quả tích cực.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh những nỗ lực, kết quả mà ngành Công Thương đạt được trong 9 tháng qua là rất đáng ghi nhận, thể hiện sự nghiêm túc của ngành trong việc chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; đồng thời đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế cũng như cho thấy triển vọng và tính khả thi của việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả nước năm 2014. “Tôi đề nghị ngành Công Thương tiếp tục nỗ lực, phát huy kết quả đạt được, khắc phục mọi hạn chế, yếu kém, phấn đấu đạt cao nhất và vượt các chỉ tiêu kế hoạch mà ngành Công Thương đã đề ra” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.

Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh 5 yêu cầu mà ngành Công Thương phải tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Thứ nhất, Bộ Công Thương phải làm tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý của ngành, tập trung vào việc rà soát, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách theo hướng kinh tế thị trường, cạnh tranh, công khai, minh bạch, không bao cấp để đảm bảo phân bổ nguồn lực tốt hơn; sản xuất, kinh doanh, đầu tư cũng như cạnh tranh, hội nhập hiệu quả hơn. Bên cạnh đó cần tập trung rà soát, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; để thu hút đầu tư và góp phần cải thiện môi trường kinh doanh. “Các đồng chí thử đi làm doanh nghiệp, đi làm kinh doanh như người dân thì các đồng chí sẽ thấy rất nhiều vướng mắc rất vô lý. Những vướng mắc hoàn toàn có thể sửa được mà không mất tiền bạc. Chúng ta phải sửa đổi vì cuộc sống đòi hỏi, phải sửa vì thực tiễn cuộc sống đã phát triển và vượt qua tất cả các quy định cũ của chúng ta” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu; đồng thời đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế gồm cân đối điện, than và xăng dầu. Thủ tướng cho rằng việc vượt kế hoạch khai thác 1 triệu tấn dầu thô, tiêu thụ thêm 500 ngàn tấn than trong năm nay đã đóng góp 0,16 đến 0,2 điểm phần trăm GDP, và nếu ngành Công Thương đạt mức tăng trưởng công nghiệp 7,2% và trên 7,2% thì tăng trưởng GDP 5,8% là hoàn toàn khả thi và có thể cao hơn.

Thứ ba, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Công Thương quyết liệt thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp lớn thuộc Bộ phải đánh giá lại năng suất lao động, chi phí, giá thành và hiệu quả hoạt động và đề xuất các giải pháp cụ thể để tăng năng suất, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Với tinh thần này, người đứng đầu Chính phủ hoạt nghênh đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và yêu cầu Tập đoàn này hoàn thành và báo cáo Chính phủ Đề án về sử dụng công nghệ quản lý lưới điện và thu tiền điện thông minh để xem xét, quyết định. “Chúng ta phải làm cụ thể, không nói chung chung. Giờ không phải là so với chính mình mà phải so với thế giới, với bạn bè xung quanh; giờ là phải cạnh tranh, phải thay đổi” - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ phải kiên quyết, mạnh mẽ, khẩn trương thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa. Thủ tướng cho rằng chủ trương, Nghị quyết, luật pháp, cơ chế, chính sách cũng như mô hình về cổ phần hóa đã có hết rồi, vấn đề là có thực hiện hay không thực hiện. “Vấn đề không phải là bán cổ phần để nhà nước thu bao nhiêu tiền về, mà quan trọng hơn là chúng ta có những doanh nghiệp hiệu quả hơn và từ đó mới có nền kinh tế cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thứ tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Công Thương tiếp tục các nỗ lực, giải pháp để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, cả thị trường trong nước và thị trường ngoài nước gắn với việc bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước theo cơ chế thị trường. Khai thác có hiệu quả 6 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã có, đồng thời tích cực đàm phán 6 FTA mới. Thủ tướng cho rằng với triển vọng hoàn thành 3 FTA với EU, Hàn Quốc và Liên minh Thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan vào cuối năm nay sẽ tiếp tục mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, nếu FTA với EU đi vào thực hiện thì chỉ riêng mặt hàng dệt may vào thị trường này sẽ tăng thêm tới 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. “Xuất khẩu dệt may thêm 1 tỷ USD, đất nước sẽ có thêm 250.000 việc làm mới” - Thủ tướng cho biết.

Thứ năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành Công Thương hết sức quan tâm đến công tác cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Công Thương ngay trong tuần tới sẽ ký ban hành Thông tư quy định về thủ tục tiếp cận điện năng và Thông tư này và giúp thời gian làm thủ tục tiếp cận điện của doanh nghiệp giảm từ 132 ngày hiện nay xuống còn 36 ngày. “Thủ tục gì không cần thiết, gây khó khăn, cản trở, phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp phải rà soát để sửa đổi và loại bỏ” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu./.

Theo Văn phòng Chính phủ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,901
  • Hôm nay53,469
  • Tháng hiện tại11,929,077
  • Tổng lượt truy cập457,324,199
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây