Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tấn Hưng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Được sự cho phép của Ban Công tác đại biểu (Ủy ban thường vụ Quốc hội) và Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua đề án thí điểm thành lập Ban của HĐND cấp xã. Cụ thể là, mỗi HĐND cấp xã thí điểm thành lập 2 ban là Ban kinh tế - xã hội và Ban pháp chế. Năm 2013, đề án đã tiến hành tại 10 xã của 5 huyện, thị xã; năm 2014, tiến hành mở rộng thí điểm thêm 10 đơn vị cấp xã của 5 huyện, thị xã còn lại. Thời gian thực hiện đề án là 2 năm, sau 2 năm sẽ tiến hành tổng kết nếu thấy kết quả hoạt động của HĐND cấp xã được nâng lên rõ rệt thì tiến hành mở rộng thành lập ban ra phạm vi toàn tỉnh. Như vậy, Bình Phước là tỉnh thứ 2 trong cả nước thực hiện thành lập Ban của HĐND xã sau tỉnh Đồng Nai.
Sau 2 năm thực hiện thí điểm, kết quả cho thấy việc thành lập Ban của HĐND cấp xã đã tác động tích cực đến hoạt động của HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; giảm áp lực công việc của Thường trực HĐND, phát huy được trí tuệ tập thể trong hoạt động của HĐND, hiệu quả được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, còn giúp UBND xã đề cao tính chấp hành, phát hiện, xử lý kịp thời những vướng mắc, bất cập, cải tiến nâng cao chất lượng hoạt động công vụ. Thông qua công tác giám sát, thẩm tra và kiến nghị của ban HĐND, UBND xã đã kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý, điều hành. Sự phối hợp trong giám sát giữa Thường trực HĐND, các ban của HĐND với Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã được tăng cường, giúp Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã nắm sâu thêm tình hình thực thi pháp luật và dân chủ tại địa phương. Qua đó, thực hiện tốt hơn công tác tham gia xây dựng chính quyền cũng như phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân đối với cơ quan nhà nước. Việc thí điểm thành lập Ban HĐND xã đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc, khiếu nại, tố cáo tại cơ sở, ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương./.
Nguyễn Văn Việt