Lao động được qua đào tạo nghề có cơ hội việc làm cao hơn. Ảnh: Sỹ Luân.
Tại hội nghị đánh giá thực trạng dạy nghề trên địa bàn tỉnh được tổ chức vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH phối hợp sở ngành liên quan và các địa phương tổ chức khảo sát số lao động đã được đào tạo, lao động phổ thông và số lao động cần đào tạo nghề để phân loại nghề đào tạo trên các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp – dịch vụ, từ đó tổ chức đào tạo nghề hiệu quả hơn.
Đối với trung tâm dạy nghề cấp huyện, địa phương nào có trung tâm thì đảm bảo đầu tư cơ sở vật chất đạt yêu cầu và tính toán biên chế cụ thể cho trung tâm; đồng thời tính toán cụ thể và đảm bảo nguồn thu, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH tổ chức kiểm tra lại hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư tại các trung tâm dạy nghề và đánh giá hiệu quả sử dụng, để tham mưu UBND tỉnh xem xét cụ thể.
Đối với các huyện không có trung tâm dạy nghề mà được bổ sung chức năng dạy nghề vào trung tâm giáo dục thường xuyên, thì Sở GD&ĐT có trách nhiệm phối hợp Sở LĐ-TB&XH bổ sung chức năng cụ thể, nâng cao chất lượng hoạt động và chất lượng đào tạo. Trong thời gian tới, cần đổi mới công tác dạy nghề, nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo nghề (hiện nay chỉ khoảng 35% lao động được đào tạo nghề).
Cũng theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, mạng lưới dạy nghề đã hình thành và phát triển rộng khắp các huyện, thị trên địa bàn tỉnh với 28 cơ sở dạy nghề. Trong đó, 18 cơ sở dạy nghề công lập (có 1 trường trung cấp nghề), 7 trung tâm dạy nghề, 3 trung tâm giáo dục thường xuyên có chức năng dạy nghề, 7 cơ sở khác có đăng ký dạy nghề và 10 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Tuy vậy, nhu cầu học nghề của người lao động vẫn chưa được đánh giá đúng mức; sự phối hợp giữa các sở ngành, địa phương trong công tác khảo sát thiếu chặt chẽ, dẫn đến chưa xác định được có bao nhiêu phần trăm trong số 500.000 người trong độ tuổi lao động của tỉnh được đào tạo nghề./.
Thanh Phương