(CTTĐTBP) - Ngày 3/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến qua nền tảng Zoom.
Số liệu thống kê về hoạt động trẻ em thực hiện trên mạng ít nhất 1 tuần/lần (một trong những số liệu thống kê trong Dự án ngăn chặn hành vi gây tổn hại ở Việt Nam)
Ngăn chặn hành vi gây tổn hại là dự án nghiên cứu quy mô lớn để hiểu biết rõ ràng hơn về tình trạng bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) phối hợp Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL) và ECPAT Quốc tế thực hiện tại 13 quốc gia ở Đông Nam Phi và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2022. Nghiên cứu "Ngăn chặn hành vi gây tổn hại ở Việt Nam" đưa ra đánh giá về việc sử dụng Internet của trẻ em, bao gồm mức độ trẻ em bị bóc lột và xâm hại tình dục khi tương tác trực tuyến. Báo cáo cũng cung cấp bằng chứng giúp các nhà hoạch định chính sách, cơ quan thực thi pháp luật, doanh nghiệp công nghệ thông tin và các bên liên quan khác ở Việt Nam ứng phó với loại tội phạm này và tăng cường công tác hỗ trợ nạn nhân.
Theo kết quả khảo sát, có 89% trẻ em từ 12 - 17 tuổi, cả trẻ em trai lẫn trẻ em gái có sử dụng Internet trong 3 tháng qua. Trong số những trẻ em sử dụng Internet, 87% sử dụng Internet hàng ngày, nhưng chỉ có 36% cho biết đã nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng.
Báo cáo đã cho thấy, trẻ em Việt Nam có nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng. Có 23% trẻ em cho biết đôi khi các em vô tình thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng. Trong đó, trẻ em thường vô tình bắt gặp hình ảnh, video nhạy cảm ở quảng cáo trên mạng là 58% và mạng xã hội là 46%. Có 1,9% trẻ em trong năm qua từng nhận được yêu cầu không mong muốn liên quan đến trò chuyện về tình dục và hành vi tình dục; 0,5% trẻ từng nhận được yêu cầu gửi ảnh hoặc video về bộ phận nhạy cảm của mình khi các em không muốn.
Cùng với đó, trẻ em đã chịu nhiều hình thức bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng. Với 0,2% trẻ em tham gia điều tra hộ gia đình tại Việt Nam cho biết: Trong năm qua, các em đã nhận được đề nghị cho tiền hoặc quà để đổi lấy hình ảnh, video nhạy cảm của mình. 0,3% trẻ em trong khảo sát (mỗi nhóm tuổi có một trẻ em gái) nói rằng trong năm qua, các em đã từng nhận được đề nghị cho tiền hoặc quà để gặp trực tiếp một người và thực hiện hành vi tình dục với người đó. 0,3% các em đã bị đe dọa hoặc hăm dọa để thực hiện hành vi tình dục ít nhất một lần.
Ngoài ra, 8% trẻ em sử dụng Internet cho biết đã từng nhận được bình luận khiếm nhã về bản thân khiến các em không thoải mái như lời nói đùa, câu chuyện hoặc bình luận về cơ thể, ngoại hình của trẻ em hoặc hoạt động tình dục. Đối với những bình luận trên mạng, phần lớn là bình luận trên mạng xã hội, đặc biệt là Facebook (kể cả Messenger).
Bên cạnh đó, một tỷ lệ lớn các em (43%) không kể với bất kỳ ai, chủ yếu là vì các em nghĩ sẽ không làm được gì. Những trẻ đã kể vụ việc với người khác thường có xu hướng kể với người mà trẻ đã biết, thay vì sử dụng cơ chế trình báo chính thức như nhân viên xã hội hoặc tổng đài trợ giúp, chủ yếu đa phần trẻ kể với bạn bè các em. Điều này càng làm gia tăng tỷ lệ trẻ bị bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em, cũng như làm gia tăng tội phạm bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng.
Một kết quả quan trọng khác của nghiên cứu cũng cho thấy, một phần ba (33%) người chăm sóc nói rằng họ sẽ báo công an nếu con cái mình bị bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng, 13% nói rằng sẽ gọi tổng đài trợ giúp và 11% nói sẽ báo với một cán bộ phúc lợi xã hội. Đa số (69%) cho biết họ sẽ nói chuyện này với vợ, chồng mình và 28% sẽ nói với giáo viên của con ở trường, chỉ có 6% nói rằng sẽ giữ kín chuyện này. Những người khác cho biết họ sẽ không trình báo vụ việc do lo ngại các hệ quả tiêu cực, sợ không được đối xử đúng mực, e ngại hậu quả và/hoặc cho rằng việc trình báo sẽ không có tác dụng.
Qua số liệu cụ thể từ báo cáo, các nhà nghiên cứu cho rằng, đơn vị, cán bộ được giao phụ trách các vụ bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng cần được đào tạo bài bản về nghiệp vụ điều tra, xử lý vụ án và kỹ năng thẩm vấn thân thiện với trẻ em, tiến hành điều tra ban đầu theo quy định pháp luật, nghiêm chỉnh tuân theo cách tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm; cần đào tạo bổ sung, bao gồm các khóa đào tạo về công nghệ thông tin và thu thập bằng chứng điện tử, cũng như trao đổi kiến thức với các quốc gia khác; phối hợp với các tổ chức phi chính phủ nhằm đảm bảo quyền lợi của nạn nhân. Để ngăn chặn hành vi gây tổn hại do bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng, cần phải có những hành động toàn diện và bền vững từ tất cả chúng ta - bao gồm gia đình, cộng đồng, đại diện chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật, chuyên gia ngành tư pháp và dịch vụ trợ giúp xã hội, cũng như các công ty, doanh nghiệp trong ngành công nghệ và truyền thông. Trong khi trẻ em là một phần của giải pháp, những tổn hại do bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng gây ra buộc người lớn phải hành động để bảo vệ các em; chúng ta phải cẩn trọng để không đặt trách nhiệm lên vai trẻ em./.