Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ năm - 04/08/2022 14:50
(CTTĐTBP) - Sáng 4/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đã chủ trì nghe báo cáo tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 gồm: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của 2 chương trình mục tiêu quốc gia này và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào sinh sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chương trình giảm nghèo sẽ góp phần giảm nghèo đa chiều và bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh hộ nghèo. Đồng thời, hỗ trợ người nghèo vượt lên, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, dần thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa nông thôn, miền núi với thành thị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 chương trình, trong đó việc giải ngân vốn cần đảm bảo nhanh chóng, đúng tiến độ, đúng quy định và đạt yêu cầu về hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị liên quan cần sớm tham mưu kế hoạch giám sát thực hiện 2 chương trình này; đăng ký nhu cầu vốn năm 2023 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021-2025), Bình Phước có 10 dự án thành phần. Trong đó, có 12 tiểu dự án và 33 nội dung, nhiệm vụ. Theo kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, nguồn thực hiện Chương trình này là 873,41 tỷ đồng (ngân sách trung ương 793,41 tỷ đồng, ngân sách địa phương 80 tỷ đồng). Năm 2022, nguồn này là 215,713 tỷ đồng (trung ương 195,713 tỷ đồng, địa phương 29,357 tỷ đồng).
Còn theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2022, đến nay đã tổ chức giao vốn từ nguồn đầu tư phát triển cho 11 đơn vị cấp huyện, sở ngành và tương đương là 10,11 tỷ đồng (giai đoạn 2021-2025), riêng năm 2022 là 876 triệu đồng. Vốn từ nguồn đầu tư công của tỉnh, đến nay đã có quyết định phân bổ 64 tỷ đồng cho các đơn vị cấp huyện và tương đương./.