Theo đó, Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), thước đo sự thay đổi hàng tháng của giá hàng hóa thực phẩm quốc tế, trung bình giảm 0,9% so với tháng 9/2018 xuống 163,5 điểm trong tháng 10/2018 và thấp hơn mức trung bình cùng kỳ năm ngoái là 7,4%. Dẫn đầu sự sụt giảm là chỉ số giá sản phẩm từ sữa, giảm 4,8% so với tháng trước và 34% so với ngưỡng đỉnh được ghi nhận hồi tháng 2/2014. Sự suy yếu về giá phản ánh sự gia tăng của nguồn cung xuất khẩu trên khắp các nhà sản xuất sản phẩm từ sữa lớn, đặc biệt từ New Zealand.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippin (NFA) dự kiến sẽ mở một phiên thầu quốc tế để mua 500.000 tấn gạo. Các mức giá bỏ thầu sẽ được tiếp nhận vào ngày 20/11/2018 và có thể được lấy từ bất kỳ nguồn gốc nào và có thể đến từ các nhà cung cấp nhà nước hoặc tư nhân. Phiên đấu thầu này hướng đến gạo trắng hạt dài 25% tấm. Trong đó, khoảng 250.000 tấn chuyển đến Philippin vào ngày 31/12 và 250.000 tấn dự kiến cập cảng vào ngày 31/1/2019. Các lô hàng sẽ được dỡ tại một số cảng khác nhau. Theo NFA, có 13 công ty quốc tế đã tham dự hội nghị trước phiên đấu thầu. Trong đó, có 5 công ty đến từ Việt Nam gồm Công ty Cổ phần Quốc tế Gia, VinaFood I, Công ty Cổ phần Hiệp Lợi, VinaFood 2, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long. Những doanh nghiệp khác đến từ Singapore, Thái Lan, Pakistan và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), xuất khẩu cá ngừ sang Tây Ban Nha tăng trưởng ấn tượng, đưa nước này trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này trong tháng 9 tăng tới 336%, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm lên gần 20 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, so với cùng kỳ năm ngoái nhập khẩu cá ngừ của Tây Ban Nha từ các nước tăng không nhiều. Theo số liệu thống kê của Eurostat, 7 tháng đầu năm nay nhập khẩu cá ngừ của Tây Ban Nha chỉ tăng 0,1% về khối lượng và 13% về giá trị.
Theo báo cáo Tình hình cung cầu ngũ cốc mới nhất của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc, FAO đã nâng dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2018 lên 2,6 tỷ tấn, chủ yếu do sản lượng lúa mì tăng ở Canada và Trung Quốc. Mặc dù vậy, dự báo mới vẫn thấp hơn 2,1% so với kỷ lục đạt được năm 2017. Trong đó, sản lượng gạo toàn cầu năm 2018 ước tính tăng 1,3% so với năm 2017, đạt 513 triệu tấn./.