Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 4 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước gồm: Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,31% (trong đó lương thực tăng 0,58%, thực phẩm tăng 0,22%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,54%); Đồ uống và thuốc lá tăng 0,1%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,46%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,08%. Có 4 nhóm hàng giảm gồm: Nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,28%; Thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,05%; Giao thông giảm 2,30%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,17%. Có 3 nhóm ổn định gồm: Thuốc và dịch vụ y tế; Bưu chính viễn thông; Giáo dục.
Nguyên nhân làm giảm CPI tháng 11/2018 được phân tích như sau: Giá xăng, dầu điều chỉnh tăng 2 lần vào ngày 6 và ngày 21/11/2018, đóng góp vào giảm chỉ số CPI chung 0,25%. Giá dầu hỏa trong tháng giảm tác động giảm nhóm hàng nhà ở, điện nước, vật liệu xây dựng giảm 0,13% so với tháng trước. Giá gas ngày 01/11/2018 giảm 40.000 đồng/bình so với tháng trước. Tác động vào giảm chung CPI 0,13% và cũng tác động làm giảm chỉ số nhóm hàng nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng giảm 0,13% so với tháng trước.
Các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng khá cao so với tháng trước. Chủ yếu là giá thịt heo trong 3 tháng trở lại đây tăng liên tiếp và tăng ở mức độ khá cao, cụ thể tháng này tăng 0,71% so với tháng trước. Trong tháng, do thời tiết mưa thuận gió hòa thuận lợi cho việc trồng và sản xuất các loại rau, củ, quả, bên cạnh đó lượng rau, củ, quả nhập từ các tỉnh lân cận về rất nhiều. Từ đó, dẫn đến một số mặt hàng giảm xuống như: Rau tươi, rau quả khô các loại giảm 1,32%; các loại quả có múi như cam, quýt các loại giảm 2,08% so với tháng trước...
Do ảnh hưởng của giá vàng và giá đô la Mỹ trên thị trường thế giới, chỉ số giá vàng tháng 11/2018 tăng 1,45% so với tháng trước, giảm 0,83% so với tháng 12/2017 và so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số đô la Mỹ tháng 11/2018 giảm 0,09% so với tháng trước, tăng 4,19% so với tháng 12/2017 và tăng 3,62% so với cùng kỳ năm 2017./.